“Nghe càng đắm, ngắm càng say...”
Cụ Huýnh trong bộ đồ quan võ bước ra đón chúng tôi và liền sau đó dắt tới từng người đang trang phục lộng lẫy và giới thiệu: Nàng Kiều, có nàng Kiều lúc trẻ vốn là tiểu thư sống trong nhung lụa và nàng Kiều khi đã sa cơ. Hai nàng Kiều đều có một nhan sắc kỳ lạ ở chốn thôn quê, sắc sảo mặn mà khiến khách không thể rời mắt. Còn đây là nàng Thúy Vân xinh đẹp đoan trang. Hoạn Thư ăn vận chải chuốt, vừa xinh đẹp lẳng lơ vừa ghê gớm. Chàng Kim Trọng phong lưu, còn Sở Khanh, Từ Hải mỗi người một kiểu trang phục, dung mạo có thể nói ai đã trót đọc và say mê Truyện Kiều đều “nhìn là biết”. Hỏi ra, đây là các thành viên trong CLB Trò Kiều của xã Xuân Liên, đang tập diễn để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du diễn ra trên quê hương sắp tới.
Câu lạc bộ Trò Kiều xã Xuân Liên đang biểu diễn - “nghe càng đắm, ngắm càng say”.
Màn diễn trò Kiều, hay còn gọi là “chèo Kiều” “nghe càng đắm, ngắm càng say” tạm ngưng một lát khi khách đến, rồi trở lại... Chúng tôi còn chưa kịp hình dung lớp diễn này thế nào thì nhìn ra ngõ, bà con đâu đó trong xóm đã kéo đến mỗi lúc một đông.
Nói là CLB Trò Kiều diễn tập cho lễ kỷ niệm sắp tới, nhưng khi tìm hiểu, mới biết thật ra đây là nếp sinh hoạt đã thành lệ từ hàng chục năm nay. Theo ông Mai Tùng, Chủ nhiệm CLB, thì nếp sinh hoạt diễn trò Kiều có ở Xuân Liên từ hàng chục năm trước. Có lúc do chiến tranh loạn lạc rồi mải miết mưu sinh, trò diễn xướng dân gian này bị gián đoạn, nhưng bắt đầu được nhen nhóm trở lại kể từ năm 1998. Cụ Huýnh cho biết, mỗi năm cố định ngày mùng bốn Tết, CLB sẽ hát khai xuân. Còn sau đó các ngày nông nhàn, xuân thu nhị kỳ, đám hỏi đám cưới, mừng đại khánh hay chúc thọ, các thành viên CLB đều diễn Kiều cho bà con thưởng thức. CLB chỉ có thành viên là con cháu dâu rể trong gia đình, dòng họ.
Theo ông Mai Tùng, câu lạc bộ gia đình này hình thành từ đời ông cụ thân sinh, vì mê Kiều mà gom góp tổ chức “biên chế” lấy con cháu trong nhà giao cho đảm nhận các nhân vật và học từng tích truyện. Kịch bản trò Kiều của CLB Xuân Liên do chính cụ thân sinh ông Mai Tùng chép tay và được gia đình gìn giữ đến tận bây giờ. Căn cứ trên kịch bản đó, các điệu hát được đưa vào có cả từ chèo Bắc, đến hát ả đào, ví giặm, hò, hát ru cho đến cả điệu Nam ai, Nam bình, tuồng, hát bội... Gọi là “trò” vì các làn điệu thay đổi thường xuyên, cách diễn xướng biến hóa khôn lường, chỉ có tích truyện Kiều là giữ nguyên không đổi.
“Tình sau mong trả ơn dày...”
Câu chuyện của bà Phan Thư Hiền kể cho biết rằng, người đầu tiên khơi lại dòng chảy của mạch nguồn văn hóa độc đáo trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du là cụ Phan Sáu, nay đã về với tổ tiên. Hiện nghệ nhân nhiều tuổi nhất còn sống thời kỳ đầu ấy là cụ Hồ Kim Sơn, năm nay đã hơn 90 tuổi và không hát được nữa. Cụ Huýnh, năm nay gần 80 tuổi, tiếp nối thế hệ cũ, cũng là người nhiệt tâm vun xới cho mạch nguồn câu hát và tâm thức về Kiều được nuôi dưỡng. Không chỉ phân vai cho con cháu dâu rể trong nhà, tập luyện các điệu hát, cụ Huýnh còn là người thiết kế trang phục áo quần, mũ mão cho CLB. Con cháu trong nhà được phân vai, ai đảm nhận nhân vật nào thì gần như “chuyên trách” nhân vật đó, các lớp diễn, lời ca, hành động của nhân vật trong từng màn kịch gần như đã thuần thục, nhuần nhuyễn.
Sách Kim Vân Kiều tân truyện khắc in năm 1866.
Truyện Kiều vì thế, được thuộc lòng từng câu, từng chữ, từng tích truyện trong tâm khảm không chỉ của các thành viên câu lạc bộ, mà còn của bà con trong vùng. Hỏi một cụ già đang chăm chú theo dõi, cụ có thuộc Kiều không, cụ bảo: Biết chứ, thuộc hết, nhớ hết, nghe quen rồi mà. Ở đây bầy tui đang mần chi mà nghe có diễn Kiều là chạy đến thôi. Hỏi, nhà cụ có sách Kiều không? Bảo, cần chi sách, bầy tui thuộc hết mà.
CLB Trò Kiều xã Xuân Liên hiện gần như là CLB duy nhất còn hoạt động đều đặn, bền bỉ tại Nghi Xuân. Điều kỳ lạ là hàng chục năm, câu lạc bộ cứ diễn như vậy, không “biên chế” không thù lao, diễn cho người dân quanh vùng xem không bán vé (đương nhiên) mà cứ bền bỉ tồn tại theo thời gian, từ lời hát, lớp diễn, nhân vật và phục trang bài bản như một gánh hát chuyên nghiệp. Vậy nhưng thực tế thì các thành viên CLB đều là diễn viên “tay ngang”. Diễn viên sắm vai nàng Kiều tên là Minh Lý hiện đang là nhân viên marketing làm việc tại TP Vinh. Mỗi khi cụ Huýnh gọi, Lý lại nhanh chóng về quê, phục trang son phấn áo quần diễn như một diễn viên nhà hát thực thụ.
Khu lưu niệm Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ban, người từng có nhiều năm làm cán bộ ở ngành văn hóa huyện, chính là người đã có công mang kịch bản trò Kiều từ Diễn Châu về Nghi Xuân vào những năm 1980. Bản đánh máy cuốn kịch bản Trò Kiều có tên “Kim Vân Kiều” do nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ sưu tầm và chú thích, ông Nguyễn Ban chỉnh lý, biên tập, hiện vẫn còn giữ. “Những năm đó, biết có trò Kiều trong dân gian nên tôi đi tìm. Tôi tìm thấy văn bản này ở Diễn Châu, sau khi điền dã nhiều tháng ở đó và phát hiện ra trò Kiều được người dân ở đấy diễn từ lâu đời. Nhưng cho đến thời điểm đó thì hầu như đã mai một. Tôi mang bản đánh máy kịch bản này về, chỉnh lý lại và bắt đầu đưa về các xã cho dân tập. Rất may là người dân ở đây họ đã rất thích, và không gì khác, chính là lòng say mê của dân đã nuôi dưỡng hình thức sinh hoạt này cho đến hôm nay, chưa bao giờ đứt đoạn”.
Ông Nguyễn Ban còn cho biết, ở Tiên Điền cũng có một câu lạc bộ trò Kiều hình thành cùng lúc với CLB ở Xuân Liên, nhưng vì nhiều lý do mà cho đến nay hầu như ít hoạt động. Cụ Ban nhìn xa xăm, “bây giờ chỉ cần có một người nhóm lại, câu lạc bộ này cũng sẽ hát hết một lúc cả kịch Kiều kéo dài mấy tiếng đồng hồ đấy”.
Không chỉ có trò Kiều, mà nhiều hình thức khác trong dân ca như ví giặm, hát ru, hò ví, người Hà Tĩnh nói chung và huyện Nghi Xuân nói riêng đều có vận Kiều. Mấy năm gần đây, tỉnh và huyện có chủ trương đưa các hình thức sinh hoạt này vào trong trường học. Anh Nguyễn Trọng Tuấn, chủ nhiệm CLB ví giặm xã Xuân Giang, vì thế hầu như lúc nào cũng bận rộn. Anh thường xuyên vắng nhà đi tập lẩy Kiểu, hát Kiều, dựng các màn hát ví giặm kể Kiều cho học sinh các trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, như anh nói, nguồn mạch thì vẫn âm ỉ từ lâu đời, nhưng chỉ mới khơi lại, chưa có nhiều không gian và điều kiện để được thể hiện, trình diễn.
Tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân đang gấp rút chuẩn bị cho Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du chia sẻ: “Một năm có trên dưới hai vạn khách tới tham quan khu di tích, trong đó có nhiều đoàn đến từ hệ thống các trường học. Tới đây, học sinh, sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về gia đình Nguyễn Du, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, thăm mộ Nguyễn Du... Tôi nhớ có những buổi giới trẻ ngồi chật kín cả hội trường, hào hứng nghe cụ Nguyễn Ban - hậu duệ của Nguyễn Du nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều”.
Khu di tích đặc biệt này đã được chỉnh trang lại cho sự kiện lớn này, khuôn viên rợp bóng cây cổ thụ, những nếp nhà mái ngói rêu phong, nghiên bút hay chiếc mắc áo bằng sừng hươu săn được ở núi Hồng hay bộ sưu tập các văn bản truyện Kiều qua từng thời kỳ, từ bản cổ nhất cho đến các bản dịch ra các thứ tiếng, hay các bản in mới nhất, các công trình nghiên cứu... đều được trưng bày cho du khách một hình dung cụ thể nào đó. Tuy nhiên, cảm giác của người đi xa trở về, dường như vẫn thấy thiếu, thấy nhớ một điều gì đó.
Bà Phan Thư Hiền chia sẻ: “Hiện nay nhiều hình thức diễn xướng dân gian truyện Kiều dù đã được khơi lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để có thể phát huy như mong muốn. Ý tưởng sân khấu hóa truyện Kiều bằng ví giặm cũng chưa được chú trọng. Tôi nghĩ Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho các câu lạc bộ diễn xướng truyện Kiều vốn tồn tại trong nhân dân thì sẽ hiệu quả hơn”.
Bà Hiền ao ước giá như CLB Trò Kiều được biểu diễn ở khuôn viên khang trang, to đẹp của khu di tích đặc biệt Nguyễn Du thay vì ở khoảng sân trong ngõ hẹp xã Xuân Liên thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn nhiều. Họ cần được tạo một sân chơi trong khu di tích và có thể lấy nguồn thu từ du khách để duy trì hoạt động ý nghĩa này.
“Những hoạt động kỷ niệm mang tính lễ lạt rồi sẽ qua đi, điều quan trọng là làm sao để người dân được hưởng thụ giá trị truyện Kiều và tham gia sáng tạo, như vậy mới có sức sống lâu bền” - bà Hiền suy tư.
Chiều, ở trong sân nhỏ nhà nghệ nhân Nguyễn Huýnh, sau mấy màn diễn trò Kiều, ông Mai Tùng trong trang phục Vương ông trước khi tạm biệt những khán giả tình cờ hiếm hoi, đọc tặng mấy câu thơ: “Trò Kiều truyền qua xương máu; Thơ Nguyễn Du biết hiểu thấu con người. Biết hát biết khóc biết cười; Biết rõ mười điều trăm năm trong đó”...
Điều kỳ lạ là hàng chục năm, câu lạc bộ cứ diễn như vậy, không “biên chế” không thù lao, diễn cho người dân quanh vùng xem không bán vé (đương nhiên) mà cứ bền bỉ tồn tại theo thời gian, từ lời hát, lớp diễn, nhân vật và phục trang bài bản như một gánh hát chuyên nghiệp. |