Bữa cơm rượu định mệnh
Vượt qua những cung đường hiểm trở vùng cao Tây Bắc, tôi đến xã Ma Ly Chải, khi mà nắng đã đứng bóng trên những ngôi nhà tường đất đặc trưng của người Hà Nhì. Trùm lên cả bản Tả Chải là một không khí tang tóc u ám khi ở đây có nhiều người chết nhất trong vụ ngộ độc rượu làm rúng động cả nước. Chưa bao giờ một vùng rẻo cao yên bình lại có tám người chết và 178 người nhập viện. Tất cả bắt đầu từ bữa cơm định mệnh ngày 10-2-2017, gia đình ông Phu Vần Lèng tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối hôm đó, ông Lèng bỗng dưng đau đầu, đầu óc lơ mơ, giãn đồng tử rồi tử vong. Những người trong bản đến lo hậu sự cho ông Lèng được gia chủ thết đãi cơm rượu. Đến ngày 13-2, nhiều người có triệu chứng đau đầu, buồn nôn giống ông Lèng và được đưa ngay đến bệnh viện, trạm y tế để cấp cứu. Rượu họ uống đều mua ở cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ở chợ Sì Lở Lầu. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã kết luận nguyên nhân những cái chết là do ngộ độc methanol.
Nhà ông Phu Vần Lèng vắng ngắt khi mà bốn người con của người đàn ông xấu số này đều đang nằm cấp cứu trong bệnh viện vì uống phải methanol. Bà Mẩy vợ ông Lèng, ngồi như hóa đá bên xó cửa, giọng khản đặc vì khóc quá nhiều: “Tai họa bỗng đâu ập đến nhà tôi, chỉ vì mấy chén rượu mà chồng chết, bốn con đang nguy kịch không biết sống chết thế nào, rồi kéo theo nhiều người trong bản phải chết và cấp cứu”.
Đi đến nhiều nhà, điều tôi phải chứng kiến là những tiếng khóc bên trong các ngôi nhà đầy hương khói, vắng đàn ông. Chị Cổ Hừ Sừ - vợ anh Ma Gà Po, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải vừa mất sau cuộc rượu ở nhà ông Phu Vần Lèng về - nghẹn giọng: “Thằng con hớt hải chạy lên nương báo tôi là bố bị ốm. Về nhà thấy chồng đã hôn mê. Đưa đi trạm y tế cấp cứu thì chồng đã tử vong trong đau đớn. Trước đó chồng tôi ngủ dậy, mắt đã bị mờ, đầu đau như búa bổ”. Xã Ma Ly Chải ở vùng biên giới, tất cả đều người dân tộc Hà Nhì và gần 80% số hộ nghèo. Các nạn nhân ngộ độc methanol đều là lao động chính trong gia đình. Ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dân trong xã rất hoang mang lo sợ vì một ngày có bảy người chết, cả trăm người đi cấp cứu, nhiều gia đình dọn lên lán ở vì sợ bệnh tật, cô giáo phải cho học sinh nghỉ học. Nay chính quyền đã vận động họ trở về. Nhiều người đồn rằng người chết nhiều là do ma làm”.
Một ngày ở xã Ma Ly Chải, tôi nhận thấy có một thứ ma đang ám vào đời sống bà con nơi đây, đó chính là “ma rượu”. Tập tục uống rượu nhiều đã có từ xa xưa, nay lại càng thêm “tăng tiến” nhất là vào mùa đông lạnh và buồn ở xã vùng cao biên viễn này. Vui uống rượu, buồn cũng uống, không buồn cũng uống rượu. Đám ma, đám cưới, đám hỏi, đầy tháng... bất cứ một lý do gì cũng là dịp nâng bát chúc nhau. Vì rượu uống bằng bát, thế cho nên chỉ một đám ma của ông Lèng, gia đình đã mua tới 30 lít rượu...
Ông Phu Dìn Ký nhấp một chén rượu, nói với tôi trong hơi men: “Uống rượu để đưa ma người chết rồi lại chết vì rượu. Nhưng nghiện rượu quá rồi, không uống không chịu được. Trước bản tôi uống do dân tự nấu, nên uống nhiều cũng chỉ say chứ không chết. Giờ thì uống rượu mua ở ngoài, không rõ ở đâu đưa đến nhưng rẻ, cứ uống miễn là có độ cồn cao mới đã”.
Đến chợ Sì Lở Lầu, tôi thấy cửa hàng của Phùng Thị Hương những can rượu không nhãn mác, cáu bẩn đã được niêm phong. Không thể biết trong can kia là thứ “rượu” có nguồn gốc ở đâu, thành phần thế nào, chỉ biết rượu mua ở đây đã giết chết tám người và hơn một trăm người suýt chết.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cùng đoàn công tác lên Lai Châu cấp cứu những nạn nhân ngộ độc methanol ở huyện Phong Thổ đã choáng váng khi chứng kiến cả trăm người nằm bất động vì rượu. Đa số họ không biết tiếng Kinh, nên muốn khám bệnh phải nhờ một người phiên dịch. Một người phiên dịch không xuể, may có cán bộ xã là nạn nhân ngộ độc methanol đã tỉnh phiên dịch giúp. Cả phòng cấp cứu của bệnh viện tỉnh chỉ có hai bác sĩ, xoay vần với từng ấy nạn nhân ngộ độc trong khi máy thở, máy lọc máu, thuốc cấp cứu thường quy đều thiếu.
Bác sĩ Nguyên lo lắng: “Tập tục uống rượu nhiều của bà con dân tộc có từ xưa, nhưng nay rất nguy hiểm vì rượu pha methanol đang tràn vào các bản làng và đồng bào thường có thói quen uống rượu bằng bát, uống rất nhiều và uống rượu tập thể nên khi ngộ độc methanol thường rất nặng, số nạn nhân nhiều. Vụ ngộ độc ở Phong Thổ (Lai Châu) là một thí dụ. Tôi rất lo vì nếu cứ uống rượu thế này thì nguy cơ một số dân tộc ít người bị hủy hoại nòi giống. Ngay ở Hà Nội, Trung tâm Chống độc cũng đã quá tải vì phải cấp cứu nhiều nạn nhân ngộ độc rượu, ngộ độc methanol”.
Đừng để bi kịch tái diễn
Khoa cấp cứu, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) một ngày giữa tháng 3 mưa xuân ẩm ướt nhưng ở đây không khí cứ như nóng rẫy lên vì có rất nhiều nạn nhân phải cấp cứu, trong đó không ít người bị ngộ độc methanol. Tôi vào thấy những người đàn ông mang ống thở, mắt nhắm nghiền, nằm bất động sau khi đã nâng chén “zo zo, 100%” trước đó ít giờ. Bác sĩ Nguyên đang cấp cứu cho Lò Văn Mai - một thợ hồ đã kiếm hơn 20 lít rượu trắng rẻ tiền không nhãn mác về nhậu với bạn và được đưa vào đây khi đã có dấu hiện chết não, mắt mờ. Bên cạnh đó, một bác sĩ đang cấp tốc ghi đơn thuốc để truyền ngay cho một nạn nhân ngộ độc methanol. Khi tôi đến xin phỏng vấn, bác sĩ nói ngay: “Anh đến không đúng lúc rồi. Nạn nhân cấp cứu nhiều quá tôi còn không có nổi một phút để trả lời”.
Vừa lúc đó, tôi được tin bảy sinh viên người dân tộc ở Tây Nguyên đang học tập tại Hà Nội, mua rượu về uống bị ngộ độc, đã phải đưa vào đây cấp cứu. Tất cả đang hôn mê sâu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đứng trước phòng cấp cứu, lắc đầu ngao ngán: “Dân mình giờ uống rượu nhiều quá, uống nhiều loại rượu, ở bất cứ nơi đâu, bất kể khi nào, uống suốt ngày , ngày nào cũng uống. Những người vào cấp cứu thường uống phải loại rượu trắng không rõ nguồn gốc bán trôi nổi, hoặc là uống phải cồn y tế. Mặc dù trên chai cồn y tế đã ghi là “không được uống” nhưng họ vẫn uống vì nghiện rượu quá. Thậm chí có những người còn uống cả những dung môi có cồn như véc-ni. Nếu uống rượu làm từ ngũ cốc thì không thể gây ra ngộ độc methanol”.
Dừng lại một lúc đắp chăn cho bệnh nhân Lò Văn Mai, bác sĩ Nguyên tiếp lời: “Chính vì uống nhiều loại rượu trôi nổi, uống nhiều nơi nên khi bị ngộ độc methanol rất khó quy kết trách nhiệm. Rõ ràng, methanol là chất độc nguy hiểm nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng không quản lý được để methanol giả rượu bán tràn lan ngoài thị trường, người dân không thể nào phân biệt được. Người dân có quyền được sử dụng những sản phẩm rượu an toàn chứ. Ngành y tế như Trung tâm Chống độc này chỉ là nơi giải quyết hậu quả thôi. Nếu các cơ quan có trách nhiệm không chung tay giải quyết tận gốc vấn đề thì số nạn nhân vào đây ngày một đông. Bằng chứng là từ năm 2016 đến nay, nạn nhân ngộ độc vì methanol vào Trung tâm Chống độc cấp cứu tăng rất nhanh. Đáng tiếc là họ đến đây thường đã quá muộn”.
Có tiếng còi xe cấp cứu và một người đàn ông được khiêng lên Trung tâm Chống độc. “Lại ngộ độc methanol”, cô y tá thốt lên...
Bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu nạn nhân ngộ độc methanol.