Truy điệu sống người lính mở đường máu
Chất giọng sôi nổi và đôi khi nghẹn lại vì cảm xúc, người lính già kể cho tôi nghe câu chuyện chết đi sống lại của mình:
"17 tuổi tôi rời quê (xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tháng 10-1967, tôi được điều vào chiến trường Thừa Thiên - Huế thuộc K8, E3, F324, tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đơn vị tôi được lệnh hoạt động ở huyện Hương Trà - Quảng Điền để kéo địch đang càn quét ở phía Tây Huế xuống vùng đồng bằng. Ngày 30-3 địch phát hiện đơn vị tôi và dồn quân bao vây. Địch kéo về đây bảy sư đoàn, nhiều xe tăng, máy bay, pháo. Tôi và các đồng đội giao chiến với địch rất ác liệt trong suốt mấy ngày đêm, nhiều đồng đội đã ngã xuống. Từ 8 giờ sáng ngày 2-4 địch bắt đầu nã pháo dồn dập, đến khoảng 10 giờ trưa xe tăng địch càn vào bắn phá, trên không thì máy bay trực thăng, cá lẹp, đến khoảng 2 giờ chiều thì lính ngụy bắt đầu càn vào trận địa. Lệnh của chỉ huy đơn vị, toàn đơn vị quyết tâm chiến đấu, không để địch khống chế trận địa, tôi và đơn vị cầm cự từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, thủy quân lục chiến, lính biệt động, lính mũ nồi xanh của địch vây xiết. Đội 2, chỉ huy tiểu đoàn 8, cán bộ trung đoàn 2 và cán bộ Thành ủy thành phố Huế cũng bị bao vây. Trước tình thế một mất một còn, 21 giờ ngày 3-4-1968, đơn vị họp khẩn cấp quyết định phải mở đường máu phá vây. Tôi lập tức xung phong mở đường máu".
Chiến sĩ 19 tuổi, xạ thủ B41 ấy sẵn sàng hy sinh để phá vây đã khiến cho những người ở lại xúc động. Ông Dương Bá Nuôi - cán bộ tác chiến ôm lấy Đỗ Xuân Cường, nói: "Nếu đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị, mặt trận sẽ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang". Khi người chiến sĩ trẻ ấy vác khẩu 41 xung phong đi đầu, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho anh và quyết định đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng ba. Bởi ai cũng biết, mở đường máu gần như đồng nghĩa với hy sinh.
Đỗ Xuân Cường trên đường phá vây đã nhìn thấy phía trước lính Việt Nam Cộng hòa rào thép gai từ cầu Bạch Hổ dọc đường 1, muốn bắt sống tiểu đoàn K8. Trực thăng, xe thiết giáp và bộ binh địch án ngữ trên đường 1, tất cả các họng súng chĩa về phía bộ đội ta, loa dụ hàng đinh tai nhức óc.
Ông kể lại cho tôi nghe thời điểm sinh tử đó: "0 giờ kém đêm 3-4-1968, tôi được lệnh phát hỏa. Chúng tôi chạm trán với lữ đoàn 39 - lữ đoàn thiện chiến bậc nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tôi bắn đến quả thứ 10 thì hai tai chảy máu ướt đẫm, tiếng nổ và độ giật của khẩu B41 làm mắt tôi mờ đi, đầu choáng váng. Tôi nút bông vào tai, uống thuốc cầm máu. Đến 3 giờ sáng máu vẫn chảy, nhưng tôi vẫn vác súng nhắm vào vòng vây địch nã đạn. Tôi bắn thêm năm quả B41, tiêu diệt một xe tăng địch. Đến 4 giờ sáng, tôi bị trúng đạn M79 ở hộp sọ bên trái, cả trằm mảnh đạn găm vào người. Tôi lịm đi".
Người chiến sĩ ấy ngã xuống bên hàng rào kẽm gai, trong khói lửa và tiếng súng đạn, máu tuôn thấm đỏ đất. 14 quả đạn B41 của Đỗ Xuân Cường bắn trúng mục tiêu đã góp công lớn giúp đồng đội thoát vây. Nhưng Đỗ Xuân Cường thì nằm lại và đó là khởi đầu của một câu chuyện kỳ lạ.
Người lính Đỗ Xuân Cường (đầu tiên từ phải sang) gặp lại đồng đội ở Huế.
Gặp lại đồng đội chôn cất mình
Lúc đó, đồng đội Ngô Quang Quy thấy Đỗ Xuân Cường hy sinh liền đưa bạn xuống hào, lấp sơ đất, phủ lá làm dấu để sáng hôm sau trở lại, đem xác ra cứ. Nhưng đêm đó, bị truy đuổi ráo riết, bảy ngày sau người lính Ngô Quang Quy quay lại thì vùng đất ấy đã bị chiếm đóng và một khẩu đại liên chềnh ềnh ngay nơi chôn đồng đội mình.
Đỗ Xuân Cường tỉnh lại, thấy mình đang bị giam giữ trong bệnh viện Nguyễn Tri Phương (cũ). Đó là ngày 5-4-1968, Cường không hề biết đơn vị đinh ninh mình đã hy sinh. Người chiến sĩ ấy mình đầy thương tích nhưng đã phải nghiến răng chịu đựng những màn tra khảo của địch. Tra khảo đến ngất đi, khi tỉnh, địch hỏi: "Nếu được thả, mày sẽ về đâu?". Đỗ Xuân Cường trả lời ngay: "Tôi sẽ trở về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, tiếp tục đánh Mỹ". Lại bị đánh ngất đi. Cường cố gắng trốn viện hai lần nhưng không thành. Tháng 5-1969, người tù này bị giải đến nhà lao Phú Quốc.
Tôi đã từng đến nhà lao Phú Quốc, bây giờ chỉ còn là di tích nhưng vẫn làm người ta rùng mình ớn lạnh vì sự tàn bạo của một nơi từng được gọi là "địa ngục trần gian". Những xà lim, chuồng cọp, các dụng cụ tra tấn kiểu trung cổ Đỗ Xuân Cường đều phải nếm trải với sự dã man dường như đã đi đến tận cùng vì người tù này hai lần vượt ngục nhưng bị bắt lại. Khi mới bị bắt, quản ngục hỏi: "Khi vượt ngục, mày bước chân nào ra trước?". "Chân phải", lập tức một chiếc đinh được đóng vào chân khiến Cường ngất lịm.
Kể về những ngày ở Phú Quốc, giọng ông trầm hẳn xuống: "Chúng bỏ tôi vào trong thùng phuy nước, dùng chày gỗ, cây sắt đập bên ngoài thùng phuy, đòn tra tấn này khiến tôi bị tức ngực, ói máu tươi, choáng váng. Bịt mặt tôi bằng những bao tải gạo, xong đổ nước ớt xà phòng gây tức thở, rồi những trò ép ván, nhún đu khiến tôi ngất xỉu, khi tỉnh dậy chúng bắt tôi ngậm đầu cây cho lính gõ mõ. Nhưng tôi quyết không phản bội, xưng khai, mà luôn tìm cách vượt ngục để tiếp tục chiến đấu".
Sau khi Hiệp định Paris ký kết, ngày 30-3-1973, người tù Đỗ Xuân Cường được trao trả tại sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị, sau đó về an dưỡng ở Đoàn 595, đóng quân ở 202 chợ Đu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Năm 1976, ông được điều động vào nhận công tác tại Đoàn 773, Cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng ở Gia Lai - Kon Tum. Năm 1991, ông xin chuyển về công tác tại Xí nghiệp dịch vụ Lâm nghiệp đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và công tác ở đó cho đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Gọi là nghỉ hưu, nhưng mỗi ngày mới là một ngày phải chịu đựng những cơn đau từ vết thương tái phát, trong đầu người thương binh có tỷ lệ thương tật 81% này còn rất nhiều mảnh đạn, mỗi khi trái gió trở trời lại nhức nhối. Nhưng có một nỗi đau khác vẫn âm thầm gặm nhấm, ấy là các đồng đội của đơn vị K8 ngày nào vẫn cứ nghĩ Đỗ Xuân Cường đã hy sinh và được chôn cất ngay tại chiến trường. Ông quyết ra đi tìm đồng đội để chứng minh... mình còn sống.
Cựu chiến binh Ngô Quang Quy - lúc này đang là một cán bộ cấp sở ở tỉnh Thanh Hóa, sững sờ khi nhìn thấy người đồng đội Ngô Xuân Cường xuất hiện trước mặt mình. Ông lặng đi một lúc rồi gục xuống bàn làm việc. Không tin nổi. Ông ôm chặt người đồng đội: "Cường! Chính tay tao đã chôn cất mày, mày còn sống thật sao". Hai người lính ôm nhau, mặc kệ cho nước mắt cứ chảy.
Cụ già Hồ Văn Hoan thôn An Ninh Thượng, Huế kể cho người lính được cho đã hy sinh Đỗ Xuân Cường: "Khi chiếm đóng trở lại, địch đào bới những điểm nghi ngờ thì tìm thấy một "Việt cộng" máu me đầy người nhưng còn thở. Bình thường thì chúng sẽ bắn chết và vứt xác xuống sông, nhưng hôm ấy có một cố vấn Mỹ ngăn lại nên anh bộ đội được cáng đi. Nơi chôn anh bộ đội này là vườn nhà mẹ Nguyễn Thị Thìn".
Ông Cường đứng lặng trước "ngôi mộ" của mình. Lần theo chân người dẫn đường, ông run rẩy gọi "mẹ" và khóc trước di ảnh của một người phụ nữ trên bàn thờ. Đó là mẹ Thìn - đã tiếp tế cơm nước cho ông và đồng đội trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất. Chính vì vậy, mẹ bị địch bắt và tra tấn ngay sau trận đánh mà chiến sĩ Đỗ Xuân Cường "hy sinh". Trầm tư ở nơi từng là mộ của mình, người lính già ấy nhớ ở vị trí này ngoài những hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, nhiều khả năng còn hài cốt của sáu người đồng đội hy sinh trong trận đánh năm ấy.
Hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang cho chiến sĩ Đỗ Xuân Cường đã hoàn tất, nhưng với ông điều quý nhất bây giờ là được gặp lại đồng đội cũ, tìm kiếm hài cốt những người lính đã kề vai sát cánh chiến đấu ở chiến trường năm xưa. Ông sẽ còn trở lại nơi mình đã hy sinh.