Giờ đây, một ngày cuối tháng bảy, Phù Lưu có thêm công trình mới để đón một người hiền của làng trở về - một người sinh ra từ làng, tên tuổi gắn với làng và khi mất đi dường như linh hồn vẫn ở lại với làng. Ðó là nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân.
“Khi thầy mất đi, hãy đưa thầy về làng”
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái đầu lòng của nhà văn Kim Lân vẫn đau đáu một nỗi niềm phải làm sao có nhà lưu niệm cho bố mình sau khi ông cụ qua đời. Ngôi nhà số 6 - Hạ Hồi, nơi nhà văn Kim Lân gắn bó nhiều năm, vì một số lý do, sau khi ông mất đã phải bán đi. Chị Hiền mua một ngôi nhà ở trong phố Trần Khát Chân (Hà Nội) để trưng bày những kỷ vật của nhà văn Kim Lân. Tôi chứng kiến chị - ở tuổi 70, đã tất bật nhiều chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, “vội vã trở về, vội vã ra đi” để lo làm nhà lưu niệm cùng với những người em trai của mình. Cuối cùng thì những góc trưng bày cũng đã xong, nhiều kỷ vật của Kim Lân đã hội tụ về đây, dưới đôi mắt và bàn tay của những người con họa sĩ nổi danh của ông, đã trở nên rất ngăn nắp và gợi nhiều mỹ cảm. Nhà lưu niệm được nhiều bạn đọc yêu mến Kim Lân tới tham quan, nhưng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẫn canh cánh trong lòng tâm niệm của cha mình: “Thầy tôi vẫn thường nói, thầy là nhà văn của làng quê, của những người nghèo khổ, nên khi thầy ra đi, các con hãy đưa thầy về với làng, về cạnh u của các con, về với tổ tiên làng xóm và trở về với cội nguồn”. Chị lại về làng Phù Lưu tìm mua một mảnh đất để trong tương lai sẽ đưa nhà lưu niệm bố mình về làng. Nhưng rồi, mảnh đất đó cũng không cần dùng đến nữa mà nhà lưu niệm Kim Lân vẫn được dựng lên ở một nơi trang trọng nhất của làng Phù Lưu đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Biết được ý nguyện của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, chính quyền địa phương đã quyết định dành một phần đất ngay khu Văn chỉ - thuộc Hương Hiền từ để xây dựng Nhà lưu niệm Kim Lân. Ông Chu Minh Đức - Bí thư khu phố Phù Lưu chia sẻ: “Xuất phát từ tình cảm quý mến, trân trọng những đóng góp của nhà văn với nền văn học nước nhà, từ mục đích lưu giữ hiện vật, tư liệu nhằm khơi dậy truyền thống của quê hương để rồi từ đó bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương, cội nguồn của tình yêu đất nước, dân tộc cho thế hệ trẻ, địa phương đã dành 40m2 đất để gia đình nhà văn Kim Lân xây cất nhà lưu niệm”. Thế rồi, nếp nhà ngói ba gian đã mọc lên như một phần tự nhiên của khu Văn chỉ, thuần hậu, giản dị như chính phong cách văn chương của Kim Lân.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chị Hiền cùng các em trai đã gắng gỏi dựng nên một không gian của nhà văn Kim Lân ở ngay cạnh Hương Hiền từ. Bên trong nếp nhà ngói gỗ mộc ấy tôi thấy chiếc tẩu thuốc lá, cặp kính đen gọng nhựa, chiếc mũ phớt... Cảm giác như nhà văn vừa rảo bước đi đâu đó trong cái làng Phù Lưu của mình rồi một lát nữa lại quay về bàn viết. Đây, những bản thảo viết tay của ông, nét chữ nhỏ và sắc, những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn như Con chó xấu xí, Vợ nhặt, Làng... ở dạng nguyên bản có sửa chữa, thêm bớt, nét bút dường như giơ lên đặt xuống, cân nhắc từng dấu phẩy. Kỷ vật của nhà văn không quá nhiều, nhưng được các con ông tuyển lựa kỹ để phù hợp với không gian và đủ làm nên một chân dung và phong cách Kim Lân. Phong cách Kim Lân rợp bóng văn hóa xứ Kinh Bắc và từng câu, từng chữ đều có hồn vía của xứ Đông Ngàn, làng Phù Lưu này.
Gia đình nhà văn Kim Lân và các khách mời trước nhà lưu niệm. (Ảnh gia đình cung cấp)
Con đường rợp bóng danh nhân
Tôi bước trên con đường lát đá xanh đã đi vào văn chương của Kim Lân. Trong truyện ngắn Làng, được đưa vào sách giáo khoa lớp 9, nhân vật ông Hai - hóa thân của nhà văn Kim Lân đã viết về làng Chợ Dầu (tên gọi khác của Phù Lưu): “Ông nói chuyện về cái làng của mình một cách say sưa và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động. Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, giàu có nhất tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp làng cuối xóm, bùn không dính tới gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất”.
Con đường lát đá xanh ấy do cụ Hoàng Thúy Chi - Tuần phủ Bắc Giang đã chỉ đạo dân xây năm 1933. Đã ngót gần thế kỷ, nhưng con đường ấy vẫn phẳng lỳ, những tảng đá khít vào nhau đều chằn chặn, ánh lên xanh biếc như thách thức thời gian.
Nhà văn Kim Lân cùng rất nhiều người con nổi tiếng của làng Phù Lưu đã rảo bước đi về trên con đường đá xanh này. Chỉ tính danh nhân của thời hiện đại, Phù Lưu đã có những đại thụ rợp bóng trong nhiều lĩnh vực: nhà báo Hoàng Tích Chu - người tạo nên cuộc cách mạng thay đổi phong cách báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20; họa sĩ Hoàng Tích Chù - được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh; nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bẩy; nhạc sĩ Hồ Bắc. Và dòng chảy tiếp nối ấy có những họa sĩ nổi tiếng con của nhà văn Kim Lân như Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương.
Đường binh nghiệp có đến vài chục vị mang hàm cấp tướng tá trong đó có Trung tướng Chu Duy Kính - nguyên Tư lệnh quân khu Thủ đô. Quan lộ có nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức; ông Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư... Về khoa học phải kể đến giáo sư sử học Phạm Xuân Nam, giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên; giáo sư toán học Hồ Bá Thuần... Chỉ mới kể ra bấy nhiêu con người thành đạt ấy, nếu họ cùng đi về làng thì con đường đá xanh cũng sẽ trở nên... chật chội.
Làng này có từ thời... Hùng Vương dựng nước mà cái trầm tích cổ xưa ấy vẫn còn đây. Cụ Lê Trần Thúy đọc cho tôi nghe câu chữ Hán: “Hồng Bàng tứ thiên dư niên cổ ấp; Bang hoa lục thập mẫu hồ cư dân” (Một ấp cổ có trên 4.000 nghìn năm, từ thời Hồng Bàng; bên cạnh hồ gần 60 mẫu).
Bốn nghìn năm, trải qua bao nhiêu bãi bể nương dâu mà vóc dáng của làng giờ đây cũng không khác gì thời Hồng Bàng. Đầm Loa Hồ rộng chừng 60 mẫu (một khúc của sông Tiêu Tương) vẫn còn đó và nó có hình dáng cái đẫy lớn, mà làng Phù Lưu lại ở vào đáy đẫy nên dân làng có nghề buôn bán từ xưa. Vào những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã là một chợ mang tên Thôn Thị buôn bán rất sầm uất. Người Phù Lưu quảng giao, buôn bán khắp cả nước, nhưng trên cổng làng vẫn còn hai câu đối nói rõ tinh thần phát triển của mảnh đất này: “Dĩ dân tâm vi bản” (Phải lấy lòng dân làm gốc), “Đạt trí thức do văn” (Muốn có văn hóa phải học)...
Ngôi làng cổ bốn nghìn năm ấy đã trở nên rộn ràng trong buổi sáng khai trương nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã về đây chứng kiến nhà văn của làng quê nay đã về làng.
GS,TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ trong buổi lễ: “Nhà lưu niệm này là một mô hình rất đáng ghi nhận, chính đây là một địa điểm văn hóa, một cách ứng xử rất văn hóa đối với những nhân vật lịch sử”.
Ông Chu Minh Đức - Bí thư khu phố Phù Lưu cho rằng, cùng với hệ thống Đình - Đền - Chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, nhà lưu niệm văn học Nga của dịch giả Thúy Toàn, cây bồ đề 400 năm tuổi vừa được công nhận cây di sản, nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân đã trở thành một địa chỉ văn hóa, chốn đi về của những người yêu văn chương.
Từ nay, cổng của khu Văn chỉ sẽ luôn rộng mở chứ không khép kín như trước kia. Từ Hà Nội về đây cũng chỉ mất 16 km, nhưng qua nhiều giăng mắc của nhân tình thế thái, phải mười năm sau ngày mất, nhà văn Kim Lân mới trở về làng...