Gần 10 ngày nay, bà Lê Thị Mỹ Liễu, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ như ngồi trên đống lửa, vì 1,7ha dưa lê của gia đình đã quá lứa thu hoạch. Dưa lê bắt đầu xuống dây, đỏ lá, mà thương lái biệt tăm.
Bà Liễu kể rằng, đây là vụ thứ 3 bà thuê đất trồng dưa lê. 2 vụ đầu cho lợi nhuận cũng khá. Bởi dưa lê rất dễ trồng, năng suất luôn đạt từ 2,5 - 3 tấn/công. Giá thương lái thu mua từ 7.000 - 8.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí 5 triệu đồng mỗi công, thì lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/công. Riêng vụ dưa lê thứ 3 này năng suất có thể hơn 3 tấn/công, vì trái rất nhiều và to hơn vụ trước.
“Tội nghiệp thằng con trai của tôi, suốt hơn tuần nay phải thức đêm canh bơm nước, vì trời mưa. Trong điều kiện dịch bệnh thế này tôi không biết tính phải làm sao. Nếu không có thương lái thu mua, vụ này chắc lỗ nặng”, bà Liễu than.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thì chỉ có lúa, thịt, trứng, rau màu là tiêu thụ tương đối thuận lợi, còn nhiều mặt hàng nông sản khác thì đang gặp khó.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 tấn nông sản còn tồn đọng trong dân. Trong đó, số lượng nhiều nhất là các loại thủy sản với 2.060 tấn, các mặt hàng trái cây khoảng 470 tấn; rau màu các loại còn tồn đọng khoảng 75 tấn, trong đó đáng lo ngại nhất là có khoảng 30 tấn dưa lê của người dân ở thị xã Long Mỹ chưa có thương lái thu mua.
Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, hiện tỉnh đã có 12 đầu mối cung ứng nông sản, nằm trong hệ thống của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đầu mối cung ứng này đã góp phần rất lớn vào việc tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân. Hiện mỗi ngày, các địa phương trong tỉnh có khả năng cung cấp khoảng 178 tấn nông sản các loại và một số hợp tác xã vẫn tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tuy nhiên, trong điều kiện phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến các kênh phân phối hàng hóa nông sản, nhất là việc thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản cũng gặp khó, thương lái cũng hạn chế thu mua, nên nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng trong dân với số lượng khá lớn, cần được tiêu thụ sớm.
Mặt khác, theo dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh, khả năng sản xuất nông sản trong tháng 8 tới của Hậu Giang khoảng hơn 262 nghìn tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh chỉ gần 21 nghìn tấn nông sản các loại. Do đó, áp lực cung ứng, tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân càng nặng nề.
Ngoài ra, một số địa phương như thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ hiện đang thiếu máy thu hoạch lúa hè thu, trong khi nhiều cánh đồng đã đến ngày thu hoạch. Nhiều hộ dân đang sinh sống ở địa phương này nhưng lại có đất sản xuất ở địa phương khác, nên gặp khó trong việc đi lại vì bị lực lượng chức năng kiểm tra….
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên vừa có cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh.
Theo đó, giao ngành công thương và nông nghiệp tỉnh hỗ trợ các địa phương trong việc thành lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân, để thuận tiện trong việc liên kết tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố có nhu cầu.
Trong đó, cần vận động sự tham gia của tình nguyện viên là các đơn vị đoàn thể của địa phương và phải bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên tổ chức các điểm thu mua nông sản tập trung trên các tuyến “luồng xanh”, kể cả đường bộ lẫn đường thủy của Trung ương và của tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển. Tổng hợp nhu cầu nông sản cung cấp cho các điểm cách ly tập trung trên địa bàn.
Các địa phương cần đặc biệt quan tâm trong quá trình sản xuất phải bảo đảm an toàn thực phẩm, không để vì nhu cầu thị trường mà sử dụng phương thức canh tác không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ đạo bộ phận chuyên môn có báo cáo hằng ngày về tình hình thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ nông sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng liên kết tiêu thụ kịp thời. Sở Công thương tiếp tục cập nhật số liệu ngành nông nghiệp cung cấp để đưa lên các ứng dụng mua bán nông sản của tỉnh; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối các doanh nghiệp có kho lạnh phục vụ nhu cầu tạm trữ nông sản.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm điều phối các máy cắt từ địa phương này sang địa phương khác có nhu cầu để khẩn trương thu hoạch lúa hè thu cho người dân, hạn chế thất thoát và cố gắng chỉ đạo thu hoạch xong vụ lúa hè thu trong tháng 8 tới.
Riêng về khó khăn trong việc đi lại của người dân từ địa phương này sang địa phương khác để san xuất, thu hoạch trong thời gian thực hiện giãn cách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, sẽ có báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh để có sự chỉ đạo chung trên phạm vi toàn tỉnh.