Nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên

NDO - Ngày 17/3, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức buổi Tọa đàm kỷ niệm 10 năm công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết khánh thành, đưa vào sử dụng và trao bằng xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh quảng trường Đại Đoàn Kết (TP PleiKu, Gia Lai).
Toàn cảnh quảng trường Đại Đoàn Kết (TP PleiKu, Gia Lai).

Quảng trường Đại Đoàn Kết, nằm ở vị trí trung tâm của thành phố PleiKu (Gia Lai) được xây dựng từ sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân trong tỉnh và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương. Ngay từ tên gọi, Quảng trường đã hàm chứa ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn với văn hóa, lịch sử của vùng đất cao nguyên.

Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng trong 5 năm (2007-2012) với tổng diện tích hơn 12ha gồm các hạng mục: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, đền thờ Bác Hồ, bộ cồng chiêng, phù điêu hình hoa sen bằng đá phản ánh cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên; Tháp đá gồm 54 khối đá bazan hình trụ, biểu thị tinh thần đoàn kết, gắn bó của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Quảng trường được xây dựng nằm trong quần thể hài hòa, gắn kết với các công trình: Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh Gia Lai; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; tượng Anh hùng Núp; phiến đá khắc nội dung Thư Bác Hồ gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam” ngày 19/4/1946…Ngoài ra, quần thể còn có trên 2.000 cây xanh với nhiều loại cây bản địa được các địa phương trong cả nước gửi tặng; phần sân có diện tích hơn 23.000m2 gồm 205 ô cỏ, bảo đảm cho những sự kiện tập trung hơn 50 nghìn người trong cùng một thời điểm…

Nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên ảnh 1

Quảng trường Đại Đoàn Kết là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng.

Sau khi khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 9/12/2012, quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình xác lập nhiều kỷ lục: Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận đây là quảng trường có “Tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất” theo công nghệ gò ép hiện đại (cao 10,8m); “Bộ cồng chiêng lớn nhất”, “Bức phù điêu bằng đá lớn nhất” (diện tích 600m2).

Hội Đá quý Việt Nam công nhận Quảng trường có cột đá ghép nhiều trụ đá nhất; bức thư “Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam” năm 1946, tạc trên tảng đá nặng nhất (135 tấn). Bộ Xây dựng công nhận công trình đạt huy chương vàng về chất lượng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 10 sự kiện về văn hóa nổi bật nhất của năm 2012. Ban Tuyên giáo Trung ương công nhận Quảng trường đạt giải A về công trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2017, Quảng trường Đại Đoàn Kết tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai…

Suốt 1 thập kỷ qua, Quảng trường Đại Đoàn Kết cùng với Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã chứng tỏ vai trò, vị trí trung tâm trong tổng thể công trình, điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc đô thị Pleiku. Quảng trường là nơi kể lại những câu chuyện văn hóa, lịch sử sinh động qua những lễ hội, hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa; là nơi thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của đồng bào Tây Nguyên đối với Bác Hồ kính yêu.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho rằng, Quảng trường Đại Đoàn Kết là địa điểm có vị trí đặc biệt về cảnh quan, môi trường, bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học, nơi tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, được người dân địa phương yêu mến, tự hào và du khách đánh giá cao.

Ngoài ra, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại nơi đây có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn, đó chính là biểu tượng thiêng liêng và vô giá không chỉ đối với người dân Gia Lai; người dân Tây Nguyên mà còn đối với nhân dân cả nước có dịp đến thăm Gia Lai.

Nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên ảnh 2

Tượng “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” là công trình quan trọng, tạo điểm nhấn cho quần thể Quảng trường Đại Đoàn Kết.

“Tại đây còn ghi lại các giá trị lịch sử quan trọng của địa phương, thể hiện rõ nét tinh thần đại đoàn kết các dân tộc như trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam ngày 19/4/1946 họp tại Pleiku. Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng trường hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí để công nhận là loại hình di tích danh lam thắng cảnh”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, trong 10 năm qua, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã đón rất nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan; nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, triển lãm... đã diễn ra ở đây; cảnh quan không gian xanh, rộng rãi rất lý tưởng để tổ chức các hoạt động.

“Việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh, Quảng trường Đại Đoàn Kết sẽ là địa chỉ quan trọng quảng bá cho du lịch Gia Lai, trong bản đồ du lịch của Tây Nguyên và cả nước”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai khẳng định.