Kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2009)

Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm

Không ai không xúc động đến trào nước mắt, khi thấy các di vật được lấy lên cẩn trọng, hoặc vẫn cứ thắp hương mà để yên đấy. Từ độ sâu 3-4 m dưới lòng đất, qua những tầng văn hóa nâu đen, đỏ gạch các mầu, chồng chất lên nhau suốt mười mấy thế kỷ, những di vật hoặc cả di cốt nữa, của những lớp tiền nhân đã sống ở và qua các lát cắt thời gian, mang tên Ðại La, Thăng Long, Ðông Ðô, Ðông Kinh... trên đất Hà Nội xưa.

Có một buổi chiều mù sương, một đoàn khách nước ngoài, phần đông mang họ "Van Cam" - Robert Van Cam, Louis Van Cam... tìm đến bên các hố khai quật khảo cổ, và... khóc ở đấy. Bất ngờ, những giọt nước mắt tưởng như "rất Hà Lan (họ Van Cam)" này, lại là của cháu chắt cụ Kỳ Ðồng- Nguyễn Văn Cẩm. Trăm năm trước, cụ Văn Cẩm là nhà yêu nước bị thực dân ngoại bang bắt đi đầy biệt xứ. Nay, hậu duệ của cụ tận bên trời Tây, nghe tin ở quê nhà phát lộ Hoàng Thành giữa Thủ đô, thế là đánh đường tìm về...Lại có một sớm tinh sương, một đoàn chiến sĩ công an dẫn đầu là một vị tướng - cũng đến đây nữa, để nhìn đăm đăm vào một khẩu giếng gạch phát lộ ở độ sâu 3m - tầng văn hóa thời Lý đấy - sau 10 thế kỷ bị vùi, thế mà nước mạch, khi bây giờ được khơi ra, lại vẫn trong vắt như nghìn xưa. Họ liền trịnh trọng múc nước lên, và... uống!

Những lắng đọng vật thể của hồn thiêng đất nước, ông cha nghìn năm ở một huyệt điểm của Thăng Long xưa, đã và đang dẫn đến những ứng xử cụ thể như thế, ở Hà Nội bây giờ.

Và, vật thể càng cụ thể, thường bao giờ cũng dễ nhìn nhận. Tuy nhiên, còn bàng bạc ẩn hiện, trên từng tấc đất kinh kỳ - thủ đô, vô cùng nhiều điều diệu kỳ nữa, nhưng vì là trừu tượng phách hồn nên vừa không dễ nhận ra, lại vừa dễ thành nơi chỗ bị người ta lơ đãng "lãng nhách", hoặc tản phân tục phàm mà trổ ra những ứng xử chẳng đáng chút nào.

Không phải ai cũng biết, nhưng đích thực là: ở trên một cao điểm giữa vùng trung tâm châu thổ sông Cái - sông Mẹ, Hồng Hà - hai nghìn năm trước còn thấp lầy, vì thế mà cao điểm trở thành linh điểm và tiêu điểm, với tên gọi là núi Long Ðỗ (Rốn Rồng), ngay từ buổi đầu Công nguyên, đã mọc lên một ngôi làng cổ, được coi là làng - Hà Nội- gốc, với tên gọi là hương Long Ðỗ, và với vị già làng khả kính- vì đã biết hết lòng dạy con dân trong họ ngoài làng ăn ở thuận hòa, tương thân tương ái - tên là Tô Lịch.

Ðấy chính là vị "Long Ðỗ thần quân Tô Lịch Ðại vương", mà nghìn năm sau, đã thành đối thủ thắng tuyệt đối trong trận chiến tâm linh huyền kỳ, nhân danh miền đất và người Hà Nội ở thời tiền - Thăng Long, đối đầu với kẻ "Kinh lược sứ" cáo già kiêm phù thủy cao tay của đế chế xâm lược và đô hộ nhà Ðường: Cao Biền. Ngay lúc đương thời - năm 866 sau Công nguyên - vị thần thành hoàng của ngôi làng - Hà Nội - gốc này, đã khiến được kẻ thủ ác và thủ bại - mặc dù đây chính là "Quan toàn quyền"- cai trị cả miền tiền - Thăng Long họ Cao phải fair play "chơi đẹp" mà ứng xử: "chào thua" bằng cách xây luôn ngôi đền cổ nhất - đến nay vẫn còn - của lịch sử Hà Nội - là đền Bạch Mã - để kính tôn phụng thờ.

Sang đến thời định đô Thăng Long thì chính vị nhân thần làm nhiệm vụ của thần núi sông Long Ðỗ - Tô Lịch này, lại hiển linh thành thần Mặt trời, mang hình tượng Ngựa Trắng mà từ ngôi đền xây đã hơn trăm năm trước bước ra, làm một vòng tuần hoàn - giống như của Mặt trời trên vũ trụ - mà giúp Hoàng đế Lý Thái Tổ xây thành công tuyến đê- thành Ðại La, vây lại vùng đất thiêng kinh kỳ đế đô, vừa mới được mang tên Thăng Long mà chưa được khoanh vùng định phận. Thế là thành và có "Quốc đô định bang thành hoàng đại vương" - vị thần linh sông núi của cả tòa kinh thành tân đô nước Ðại Việt. Và thêm cho đất cùng người nơi này - cộng với huyệt điểm Hoàng Thành - một yếu điểm linh thiêng nữa.

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm, thành ra nơi lắng hồn núi sông ngàn năm (Nguyễn Ðình Thi) bởi thế và nhờ thế. Cùng với bao điều diệu kỳ khác và nữa, nối nhau mà tụ hội, qua các đời, được thanh lọc rồi kết tinh, thành cái phẩm chất nghìn năm văn hiến và anh hùng, của đất và người kinh kỳ - thủ đô Thăng Long - Hà Nội.

Có được cái phẩm chất ấy, là có thể ứng xử đích đáng và xứng đáng, như những "Người Hà Nội" đích thực trong bài ca tuyệt tác của Nguyễn Ðình Thi: giữa "Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa" của Ðồng Xuân năm 1946 - 1947, đã "thét lên xung phong" để "xác thù rơi dưới gót giày" mà tạo ra "Ngày về chiến thắng": 10-10-1954.

Cũng như là của một người - Thăng Long- gốc ở thế kỷ 13 - Trần Quang Khải - giữa ba lần kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên, thấy ở vùng kinh thành quanh chính ngôi đền Bạch Mã: "Lửa bốc ba lần không cháy đến/Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng" đã tìm ngay đến trước ngai thờ có hàng chữ "Long Ðỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã đại vương" khẩn nguyện: "Xin hãy ra tay trừ giặc Bắc/Dựng xây thiên hạ mãi thanh bình".

Lời thơ cùng cách ứng xử văn hiến và anh hùng từ bảy thế kỷ trước của vị thượng tướng thái sư họ Trần ở chính một nơi lắng hồn núi sông giữa Thăng Long- Hà Nội nghìn năm, có vẻ như đến bây giờ, giữa thời buổi làm ăn kinh tế và hội nhập quốc tế, không được nhiều người biết đến, hoặc không được làm cho mọi người nên biết đến. Thành ra mới có, và nên để cho làm sao đấy không có nữa, cái cảnh đại trà những người Hà Nội hiện đại, thế mà lại mang bia lon Heineken và thuốc lá 555, đến đặt trước ngai thờ, vẫn là của "Long Ðỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã đại vương" đấy, nhưng là để... cầu tài cầu lộc cho sự ăn sung mặc sướng, nhà lầu xe hơi, vinh thân phì gia của mình.

Còn, đối với "mỗi tấc đất Hà Nội đượm thấm máu hồng tươi" (Nguyễn Ðình Thi), thì không còn cảnh đầu cơ trục lợi, bòn rút kiếm chác, biến công vi tư, biến thiêng thành tục, cốt sao có được "tấc đất tấc vàng" cho cái sự sang trọng, hoặc giả cả cái oai phong của mình nữa. Chí ít thì cũng là không gặm cắn vào đấy những quảng cáo, tiếp thị nhưng cận thị sỗ sàng kiểu "khoan cắt bê-tông", đang nhan nhản nơi nơi trên từng tấc đất kinh kỳ Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng này.

Nên biết, và cần làm cho mọi người biết rằng: đã phải cần đến cả nghìn năm mới thành được một nơi lắng hồn núi sông nghìn năm của một đất nước và dân tộc cũng phải và đã có mấy nghìn năm lịch sử. Do đó và nếu không, tất không thể nào cứ tự nhiên nhi nhiên mà "Dẫu không thanh lịch cũng (là và thành) người Tràng An" được.