Vấn nạn này khiến nhiều hành khách hết sức bức xúc, uy tín của các hãng hàng không bị suy giảm nặng nề và gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Hơn nữa, còn gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng an ninh, những yếu kém trong công tác quản lý rất đáng lo ngại.
Theo thống kê, năm 2013, tính riêng sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất có tổng số 205 khiếu nại của hành khách về việc hư hỏng, mất cắp tài sản ký gửi, trong đó có 141 vụ liên quan chuyến bay quốc tế; năm 2014 tăng lên 301 khiếu nại (178 vụ liên quan chuyến bay quốc tế); sáu tháng đầu năm 2015 có 168 vụ (111 vụ liên quan chuyến bay quốc tế)...
Ðược biết, quy trình ký gửi một kiện hành lý phải qua một số khâu: Hành khách mang hành lý ký gửi đến quầy làm thủ tục của hãng hàng không. Hành lý được soi chiếu an ninh qua máy do nhân viên sân bay thực hiện rồi được đưa ra khâu bốc xếp để nhân viên chuyển lên máy bay. Dịch vụ vận chuyển hành lý tại sân bay do các công ty vận chuyển mặt đất thực hiện. Vậy, có thể thấy rất rõ rằng, việc trộm cắp hành lý ký gửi gần như chỉ xảy ra trong quy trình đó. Một vị nguyên lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định, "hiện tượng mất trộm này gần như 100% là do người "trong nhà" thực hiện".
Thực tế, việc trộm cắp được thực hiện chắc chắn có sự tham gia, móc nối của nhân viên hàng không, nhất là bộ phận soi chiếu mà bằng chứng là những vết rạch hành lý rất đúng chỗ để đồ vật có giá trị để lấy trộm - như một lãnh đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) chỉ rõ. Những nhận định nêu trên càng thuyết phục, có cơ sở hơn khi hầu hết những vụ việc vi phạm được lực lượng công an phát hiện, bắt giữ đều liên quan đến người "trong nhà". Ðó là những nhân viên sân bay, những người đáng lẽ phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với hành lý nhưng lại trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc trộm cắp tài sản của khách.
Trước kiến nghị của các hãng hàng không, Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) vừa qua đã kiểm tra quy trình vận chuyển hàng hóa, hành lý ký gửi của hành khách tại sân bay, tổng rà soát dây chuyền phục vụ hành lý, từ khâu làm thủ tục, soi chiếu, xếp dỡ hành lý đến khi đưa lên máy bay nhằm phát hiện những lỗ hổng trong quy trình. Tuy nhiên, cho đến nay, việc trộm cắp tài sản ký gửi vẫn liên tục tái diễn mà không ai phải chịu trách nhiệm, có chăng chỉ là những khoản bồi thường thiệt hại rất nhỏ so với giá trị tài sản mất cắp mà khách hàng nhận được.
Ngăn chặn vấn nạn này không phải là việc khó khi ngành hàng không thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ. Trước hết, tăng cường các biện pháp an ninh, nhất là kiểm tra người, phương tiện nội bộ ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay, tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát khu vực đảo hành lý, khu vực kiểm tra, giao nhận hành lý, hàng hóa. Ðáng chú ý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ "đầu vào", "đầu ra" của dây chuyền vận chuyển hành lý tại các khu vực liên quan hàng hóa của khách và khu vực hầm hàng, tất cả các công đoạn ký gửi, bốc xếp, vận chuyển…hàng hóa phải được giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, triển khai hệ thống ca-mê-ra giám sát bí mật tại các "điểm mù", thiết bị theo dõi hành trình… đối với những nhân viên, phương tiện liên quan trực tiếp việc phục vụ hành lý, hàng hóa. Nếu mất mát, hỏng hóc xảy ra ở công đoạn nào phải phát hiện được và gắn với trách nhiệm của công đoạn đó. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trước việc mất cắp đồ thuộc phạm vi quản lý, đó là các nhân viên hàng không, người giám sát việc xử lý hành lý, hàng hóa, người đứng đầu tổ, đội, ca, kíp, đứng đầu hệ thống xử lý hàng hóa.
Hơn nữa, ngành hàng không cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các quy trình, nội quy, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa trong toàn bộ dây chuyền phục vụ đã lỗi thời để sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ và phân định trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan trong từng công việc.