Nơi in đậm dấu ấn của tuổi trẻ

Cuối năm 1970, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng thí điểm mô hình Khu kinh tế thanh niên. Khu kinh tế thanh niên là mô hình đặc thù thí điểm đưa thanh niên miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi, vừa sản xuất hàng hóa xuất khẩu, vừa đào tạo lớp cán bộ chi viện cho chiến trường miền nam, cho quân đội và cho các ngành, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Quyết định số 268 ngày 23/12/1970 do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký cho phép Trung ương đoàn huy động 500 đoàn viên ưu tú đi xây dựng kinh tế mới.
Quyết định số 268 ngày 23/12/1970 do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký cho phép Trung ương đoàn huy động 500 đoàn viên ưu tú đi xây dựng kinh tế mới.

Ngày 23/12/1970, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã ký Quyết định số 268 cho phép Trung ương đoàn huy động 500 đoàn viên ưu tú từ các tỉnh: Nam Hà, Hải Hưng, Vĩnh Phú (cũ) và Thái Bình, đồng thời chọn cử 100 cán bộ kỹ thuật từ các cơ quan nhà nước tham gia. Ngày 23/2/1971, Khu kinh tế thanh niên được thành lập trên địa bàn 7 xã của huyện Thanh Sơn (nay thuộc huyện Tân Sơn), trong đó xã Minh Đài là trung tâm. Theo Quyết định, Khu kinh tế thanh niên có nhiệm vụ xây dựng thí điểm mô hình đưa thanh niên miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi, trồng cây nông sản xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu để đổi lấy hàng hóa phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tiên phong xây dựng kinh tế mới

Với tinh thần nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, những thanh niên ưu tú năm ấy đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung phong lên đường làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, học tập văn hóa, rèn luyện chính trị. Thông qua lao động sản xuất đào tạo lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” theo công thức 8+2+2 tức là 8 giờ sản xuất, 2 giờ học tập, 2 giờ luyện tập quân sự.

Sau một năm vượt khó khăn, gian khổ, cuộc sống tạm thời ổn định thì ngày 20/9/1972, máy bay Mỹ đã tập kích bất ngờ Khu kinh tế thanh niên bởi chúng cho rằng đây là một nơi huấn luyện cán bộ cho chiến trường miền nam. Sau nửa giờ bắn phá, máy bay Mỹ đã ném 128 quả bom tấn, phóng nhiều tên lửa vào trung tâm khiến 45 cán bộ đội viên thanh niên xung phong hy sinh, 26 người bị thương. Ngay sau sự kiện trên, ngày 30/9/1972 Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã gửi thư chia buồn tới Khu kinh tế thanh niên.

Dù đã ở tuổi ngoài 70, nhưng ký ức về những ngày đầu rời quê hương Phủ Lý, Nam Hà (cũ) nay là tỉnh Hà Nam để tình nguyện ngược lên rừng vẫn hằn nguyên trong trong tâm trí ông Bùi Duy Nghĩa. Ông Nghĩa cho biết, đúng dịp Tết cổ truyền năm 1971, ông cùng hàng trăm thanh niên xung phong hăng hái lên đường đi khai hoang, làm kinh tế khi mới 19 tuổi. Khi mới đặt chân lên đây cái gì cũng bỡ ngỡ nhưng với quyết tâm của tuổi trẻ, lớp lớp thanh niên chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. Nhất là sau khi hứng chịu những đợt bom ném xuống khiến nhiều thanh niên hy sinh.

Sau sự hy sinh, mất mát của đồng đội, tập thể cán bộ, công nhân Khu kinh tế thanh niên đã biến đau thương thành hành động, không ngại nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, tuyển quân bổ sung, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác tư tưởng và đẩy mạnh sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao. Đến năm 1975 đã có 927 thanh niên ở 41 tỉnh, thành phố trong cả nước lên tham gia xây dựng Khu kinh tế thanh niên.

Nơi in đậm dấu ấn của tuổi trẻ ảnh 1

Tấm bia ghi dấu tích ngày 20/9/1972 đế quốc Mỹ ném bom xuống Khu kinh tế thanh niên khiến 45 thanh niên xung phong hy sinh.

Bên cạnh việc sản xuất, Khu kinh tế thanh niên đã mở các lớp dạy bổ túc văn hóa cấp 2, cấp 3, dạy lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp cho cán bộ đội viên; 52 người đã được đi học đại học, 100 người đi học trung cấp nghề, 80 người được đi đào tạo ở nước ngoài; 240 người được đào tạo, cung cấp cán bộ cho nhiều tỉnh phía nam; 92 người được bổ sung cho quân đội, công an, nhiều người đã hy sinh ở chiến trường B,C,K; hàng trăm người là chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, chiến sĩ quyết thắng; có người đã trở thành anh hùng, thành sĩ quan cấp tướng trong quân đội; đồng chí Giám đốc Khu kinh tế thanh niên Nguyễn Công Tạn sau này trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nghĩa cho biết thêm.

Dấu ấn của tuổi trẻ

Biến đau thương thành hành động cách mạng, những người còn sống vừa tiếp tục lao động sản xuất và chiến đấu, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, sức mạnh nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trong thời gian ngắn, 500ha đồi nương đã được khai phá, hệ thống giao thông hồ chứa nước và mương máng thủy lợi được xây dựng; 20.000m2 nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá… được xây mới; 27ha ao hồ được đào mới để chăn nuôi, thả cá; trồng 240ha chuối trên đồi; xây dựng hệ thống tưới tiêu với khối lượng đào đắp 52.000m3 đất, chứa 800.000m3 nước, làm 4km đường trục chính; 20km đường tạm cùng với mạng lưới điện thắp sáng, đài truyền thanh, gây được một số giống kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống chuối tiêu đồi, dứa không gai, ngô lai, cây phân xanh, đàn lợn Móng Cái…

Năm 1976, Khu kinh tế thanh niên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích trồng chè mới tăng 10%, diện tích trồng dứa mới tăng 50%, sản lượng dứa tăng ba lần, sản lượng thịt lợn tăng năm lần, nhà cửa bán kiên cố tăng 50% so với năm 1975…

Theo thời gian, khi cây chuối không còn phù hợp, đồng chí Nguyễn Công Tạn, Giám đốc Khu kinh tế Thanh niên (giai đoạn 1973-1977) nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã thử nghiệm đưa cây chè trồng trên đất đồi. Ba héc-ta chè được nhân giống bằng phương pháp giâm cành lấy từ trại ươm Phú Hộ đã được trồng thí điểm trên đất đồi Minh Đài. Sau hai năm, cây chè đã sinh trưởng, phát triển tốt, chứng tỏ khả năng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Không chỉ mở rộng diện tích cây chè trong khu kinh tế, các kỹ sư còn vận động nhân dân các xã lân cận phát triển cây chè, giúp lập quy hoạch đất đai, hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Tinh thần thanh niên, tác phong làm việc kỷ luật nghiêm túc đã biến các xã miền núi khó khăn trở thành vùng chè trù phú, xanh tươi.

Nơi in đậm dấu ấn của tuổi trẻ ảnh 2

Hằng năm, nhiều cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong về thắp hương tri ân những thanh niên xung phong đã ngã xuống khi xây dựng Khu kinh tế thanh niên xã Minh Đài.

Nhiều năm nay, cùng với sự lớn mạnh của Xí nghiệp chè Thanh Niên, Xí nghiệp chè Tân Phú, Xí nghiệp chè Phú Long thì các tổ, đội sản xuất của Khu kinh tế thanh niên năm xưa vẫn duy trì và phát triển. Trên những nương, đồi chè mà các thanh niên xung phong đã dày công xây dựng, thế hệ con cháu tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập và bảo đảm các chế độ cho người lao động.

Cùng với cây chè, những quả đồi hoang khi xưa nay đã được thay thế bằng những đồi cây nguyên liệu giấy, xen kẽ những nương chè xanh mướt, là nơi yên nghỉ của 45 liệt sĩ thanh niên xung phong dưới chân núi Bụt. Và sau này, mô hình Khu kinh tế thanh niên được nhân rộng ở các địa phương, nhiều cán bộ của Khu kinh tế thanh niên đã trưởng thành và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước.

Địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng

Khu kinh tế thanh niên đã được Chính phủ tặng Huân chương lao động Hạng ba trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; được Bộ Nông nghiệp tặng 300 Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam, 270 Kỷ niệm chương phát triển ngành chè; được Trung ương Đoàn tặng 700 Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong… Đặc biệt, 45 cán bộ đội viên thanh niên xung phong hy sinh ngày 20/9/1972 đã được tặng Bằng Tổ quốc ghi công, 26 người được công nhận là thương binh.

Năm 2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xếp hạng Khu kinh tế thanh niên xã Minh Đài là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh với tổng diện tích hơn 2ha, gồm phân khu nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ. Hiện, Nhà tưởng niệm được xây dựng trong khuôn viên của Xí nghiệp Chè Thanh niên (nay là Công ty Chè Phú Đa). Đây là nơi làm việc của Khu kinh tế thanh niên (đã bị giặc Mỹ ném bom hủy diệt vào trưa 20/9/1972).

Nhà tưởng niệm còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, phía bên ngoài có dựng một tấm bia hình trụ khắc chữ: “Nơi đây ngày 20/9/1972 máy bay Mỹ đã ném bom, bắn tên lửa, đạn rốc-két dữ dội có tính chất hủy diệt, giết hại nhiều người trong đó có 45 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong và thiêu hủy toàn bộ trung tâm Khu kinh tế thanh niên”.

Sau khi các cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh, Ban lãnh đạo Khu kinh tế thanh niên đã cho xây dựng nghĩa trang dưới chân núi Bụt thuộc khu Minh Tâm, xã Minh Đài là nơi an nghỉ của 45 liệt sĩ thanh niên xung phong. Đây hiện cũng là khu nghĩa trang an táng cho các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hạng mục khu di tích đã xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa, cải tạo. Đặc biệt, toàn bộ diện tích đất Khu di tích đang thuộc quản lý của Công ty Chè Phú Đa, nên huyện Tân Sơn chưa thực hiện được các thủ tục đầu tư nâng cấp, cải tạo. Ngoài ra, Khu nghĩa trang có diện tích khoảng 2,0ha. Đây là nơi an nghỉ của 45 liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh ngày 20/9/1972 và đây cũng là khu đất nghĩa trang an táng cho các liệt sĩ, người thân đã mất của cán bộ, công nhân Công ty chè Phú Đa và của người dân trên địa bàn xã Minh Đài.

Nơi in đậm dấu ấn của tuổi trẻ ảnh 3

Nối tiếp truyền thống vẻ vang, Nhà máy chè Thanh Niên, xã Minh Đài ngày càng phát triển khẳng định dấu ấn của Khu kinh tế thanh niên.

Do vậy, diện tích khu nghĩa trang hiện nay rất chật hẹp không thể mở rộng, do toàn bộ diện tích đất khu nghĩa trang đang thuộc Công ty Chè Phú Đa quản lý. Ban Liên lạc Khu kinh tế thanh niên, người thân của cán bộ, công nhân Công ty chè Phú Đa và người dân các khu dân cư trên địa bàn xã Minh Đài mong muốn đề nghị Công ty chè Phú Đa trả phần diện tích đất nêu trên giao về xã Minh Đài quản lý để mở rộng, cải tạo, nâng cấp cho phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn Nguyễn Xuân Toản cho biết, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn đã làm việc với xã Minh Đài, Công ty chè Phú Đa và Ban Liên lạc Khu kinh tế thanh niên. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty Chè Phú Đa đồng ý việc giao phần đất trên cho địa phương. Ủy ban nhân dân huyện đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi diện tích đất Khu Di tích lịch sử thanh niên xung phong và diện tích đất Nghĩa trang liệt sĩ Minh Đài giao địa phương xã Minh Đài quản lý.

Đối với người dân xã Minh Đài nói riêng và huyện Tân Sơn nói chung, Khu kinh tế thanh niên từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt vào ngày 20/9 hằng năm, xã Minh Đài còn tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ - những người bị sát hại trong đợt ném bom của đế quốc Mỹ năm xưa. Thông qua các hoạt động thiết thực này đã giúp nhân dân địa phương hiểu rõ giá trị của di tích, hiểu được những mất mát hy sinh của các liệt sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc - ông Toản chia sẻ.

Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, địa điểm Di tích Khu kinh tế thanh niên đã được ghi nhận trên nhiều trang sử cách mạng Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của lực lượng thanh niên xung phong, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, huyện Tân Sơn, huyện Thanh Sơn.

Do vậy, việc xếp hạng di tích trung tâm Khu kinh tế thanh niên xã Minh Đài là di tích lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục khẳng định giá trị, vai trò của di tích, thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha ông đi trước, tiếp tục giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với các thế hệ trẻ. Với ý nghĩa to lớn đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm công nhận địa điểm trung tâm Khu kinh tế thanh niên xã Minh Đài sớm trở thành di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.