Nơi “giữ nhịp” dòng nước mát ngọt cho phía Tây Thành phố

Cách đây 20 năm, ngày 23/7/2004, một ngày đi vào lịch sử của ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh, khi dòng nước sạch mát ngọt của Nhà máy nước Tân Hiệp, đã chính thức hòa vào mạng lưới nước sạch của Thành phố. Đây cũng là Nhà máy cấp nước lớn thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành sau Nhà máy nước Thủ Đức có tuổi đời gần 70 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy nước Tân Hiệp, cung cấp dòng nước mát ngọt cho phía Tây Thành phố
Nhà máy nước Tân Hiệp, cung cấp dòng nước mát ngọt cho phía Tây Thành phố

Cuối năm 2001, tình trạng thiếu nước sạch trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu hộ dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, càng trở nên bức thiết. Trước tình hình này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn cấp xin phép Chính phủ tiếp tục dự án cấp nước sông Sài Gòn. Chính phủ đồng ý và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng khởi động lại dự án vào tháng 6/2002, với mục tiêu giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân thành phố. Chỉ thị hoàn thành nhà máy trong 24 tháng, và khi đó tại Việt Nam chưa từng có một nhà máy nước có công suất 300.000 m3/ngày nào do người Việt xây dựng.

Sau hai năm nỗ lực xây dựng, ngày 10/04/2004, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh phát nước thô từ Trạm bơm Hòa Phú về Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp. Sau hơn ba tháng vận hành thử. Ngày 23/07/2004, dòng nước sạch đầu tiên chính thức hòa vào mạng lưới cấp nước của thành phố, trong niềm vui vỡ oà của người dân vùng ven thành phố, đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho các quận, huyện khu vực Tây và Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà máy nước Tân Hiệp cũng được xem là nhà máy nước đầu tiên do chính người Việt Nam xây dựng có công suất lớn tại thời điểm đó.

Hiện công suất phát nước của Nhà máy là 300.000 m3/ngày đêm và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang tiếp tục đầu tư, nâng công suất phát nước của Nhà máy. Việc nỗ lực thời gian qua của CBCNV giúp nhà máy đạt được sự ổn định và liên tục, nhờ vào mô hình quản lý hiệu quả và chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự. Có thể kể đến một số cải tiến hệ thống và thiết bị đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Nhà máy như:

- Giai đoạn 2010 - 2015: Đầu tư mới một số trang thiết bị. Việc đầu tư mới vào các trang thiết bị như: bơm nước thô, bơm nước sạch và các biến tần trung thế đã nâng cao hiệu quả cung cấp nước an toàn và tiết kiệm năng lượng.

- Giai đoạn 2015 - 2024: Nhà máy đã nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới vào quy trình xử lý nước, đồng thời đầu tư thiết bị hiện đại. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch trong bối cảnh thách thức từ nguồn nước suy giảm và ô nhiễm môi trường.

Để đáp ứng nhu cầu cấp nước an toàn và liên tục, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và Nhà máy nước Tân Hiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp như: Tăng cường giám sát nguồn nước Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng nước tốt hơn: Công nghệ lọc sinh học; Công nghệ cát lọc mangan; Công nghệ lắng lamemla; Công nghệ khử trùng bằng ozone/UV. Đồng thời, nghiên cứu các điểm khai thác nước thô mới, các nguồn nước mới từ hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phù hợp theo xu thế chuyển đổi số; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với năng lực chuyên môn đòi hỏi ngày càng cao khi nhà máy từng bước tự động hóa. Những nỗ lực này khẳng định cam kết của Nhà máy nước Tân Hiệp trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng, nhất là trong bối cảnh thách thức từ nguồn nước suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Nơi “giữ nhịp” dòng nước mát ngọt cho phía Tây Thành phố ảnh 1

Thi công Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất 300.000 m3/ngày do người Việt Nam xây dựng, đưa vào khai thác hòa vào mạng lưới cấp nước của thành phố tháng 7/2004.

Ông Trần Quang Minh- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nhấn mạnh: “Trong quá trình hình thành và phát triển, mặc dù gặp không ít khó khăn và thử thách, nhưng với sự nỗ lực, tình đoàn kết quyết tâm, làm việc với trái tim đầy nhiệt huyết, toàn thể CBCNV nhà máy cũng như sự chỉ đạo, điều hành của Ban Giám đốc Nhà máy nói chung và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nói riêng đã cùng vượt qua mọi thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra. Mục tiêu hướng đến xuyên suốt vẫn là cung cấp nguồn nước sạch đạt chất lượng an toàn, liên tục cho người dân phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả đạt được của Nhà máy nước Tân Hiệp, điều trăn trở của ban lãnh đạo ngành cấp nước là chiến lược an ninh nguồn nước. An ninh nguồn nước cũng chính là bảo đảm sự ổn định, lâu dài cho việc cung cấp nguồn nước chất lượng bất kể những yếu tố như khan hiếm nước từ thiên nhiên, ô nhiễm, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa...”

Hai mươi năm, thời gian đủ để một hạt giống ươm mầm thành cây xanh cao lớn. Hai mươi năm, một hành trình đủ dài để những dòng nước sạch bơm ra từ Nhà máy nước Tân Hiệp dần khẳng định được tên tuổi, vị thế, uy tín và chất lượng…