Nội dung số: nên quản lý như báo chí hay như một ngành công nghiệp?

NDO -

NDĐT – Bộ Thông tin – Truyền thông đang băn khoăn không biết nên quản lý lĩnh vực nội dung số như quản lý nội dung của báo chí hay quản lý một ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Đường: "Cơ quan quản lý băn khoăn về việc quản lý nội dung số".
Ông Nguyễn Trọng Đường: "Cơ quan quản lý băn khoăn về việc quản lý nội dung số".

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cho biết tại Hội thảo “Hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và Kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đã qua thời “hoàng kim” của công nghiệp nội dung số?

Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, công nghiệp nội dung số là một trong những ngành còn non trẻ nhưng đã có tiềm năng phát triển và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam, đặc biệt đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy chỉ chiếm 10% tổng doanh thu công nghiệp CNTT nhưng xét về tốc độ phát triển, công nghiệp nội dung số là ngành có mức tăng trưởng rất ấn tượng, khoảng 20 – 40%/năm trong gần 10 năm qua. Riêng năm 2011, ngành này đã có mức doanh thu đạt trên 1 tỷ USD, thu hút sự tham gia của khoảng 500–600 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động.

Ông Nguyễn Trọng Dường cho biết thêm, với doanh thu tăng 40%/năm, giai đoạn từ 2008-2010 là giai đoạn khẳng định nội dung số thực sự là một ngành công nghiệp và mọi người cũng hy vọng nó sẽ tạo ra bước đột phá trong giai đoạn tiếp theo. Nhưng đến cuối giai đoạn này bắt đầu xuất hiện những “điểm đen” như thé rác, tin nhắn rác và một số chiêu kinh doanh không lành mạnh như nhắn tin xem bói hoặc nhắn tin không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

“Những loại hình như thế mặc dù không nhiều nhưng nó tác động đến nhà làm chính sách. Ngoài ra, mặt trái của game online, của mạng xã hội gây ra không ít quan ngại về nội dung số và ngành công nghiệp nội dung số”, ông Đường nói.

“Và ngành công nghiệp nội dung số từ một ngành rất được quan tâm thúc đẩy giống như công nghiệp phần mềm, lại trở thành một ngành khiến cơ quan quản l‎ý Nhà nước bắt đầu băn khoăn e ngại không biết thúc đẩy nó theo hướng nào”.

Đến giai đoạn 2010-2012, doanh thu ngành công nghiệp nội dung số không còn thời “hoàng kim” như giai đoạn trước, và giảm dần từ 40% năm 2009 xuống 25% năm 2010, 20% năm 2011, và mặc dù chưa thống kê nhưng dự kiến doanh thu năm 2012 còn tăng trưởng thấp hơn nữa. Năm 2011, doanh thu nội dung số đạt 1,1 tỷ USD thì năm 2012 chỉ đạt khoảng từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD.

Cũng theo ông Đường, các doanh nghiệp nội dung số ở Việt Nam cũng hoạt động theo kiểu vừa sản xuất sản phẩm vừa cung cấp dịch vụ là phổ biến, chứ không có những nhà sản xuất nội dung số lớn như ở nước ngoài. Điều này cũng gây khó khăn trong việc áp dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lĩnh vực này.

Bộ TT-TT cũng đang xây dựng chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020, trong đó công nghiệp nội dung số cũng là một nội dung thúc đẩy phát triển trong giai đoạn này. Nhưng những quan ngại trên đây khiến nhà quản lý đang không biết phải tập trung hỗ trợ những loại sản phẩm nào trong nội dung số, loại nào thì phải hạn chế? Dịch vụ nội dung số nào nên ưu đãi, còn dịch vụ nào thì phải cấp phép và có hình thức quản lý chặt chẽ? Và quản lý nội dung số nên theo hướng quản lý báo chí hay coi nó như một ngành công nghiệp và cho nó phát triển theo định hướng một ngành công nghiệp? Vì ở Việt Nam, nếu coi nó như báo chí thì sẽ được “chăm sóc” khá cẩn thận, quản lý chặt chẽ, còn coi nó như một ngành công nghiệp phương thức quản lý sẽ khác đi.

Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam hụt hơi đuổi theo các “ông lớn”

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VNG Lê Hồng Minh thừa nhận, trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thua kém các đối thủ về công nghệ và tốc độ phát triển nhưng "đây thực sự là cuộc chạy đua với những người khổng lồ".

Theo ông Minh, lĩnh vực nội dung số, ngay cả ở Việt Nam hiện cũng đang bị Google và Facebook thâu tóm. Còn ngay cả ở Hàn Quốc thì doanh nghiệp nội cũng chỉ giữ được mảng tìm kiếm, còn mạng xã hội sau ba, bốn năm “đánh nhau” với doanh nghiệp trong nước, Facebook cũng đã thắng thế.

“Nhiều doanh nghiệp không thể tham gia vào cuộc chơi này. Nếu có thì chỉ phân phối nhỏ lẻ, chứ không thể có gái trị lớn và lâu dài được. Chịu thua Google và Apple đang là xu thế diễn ra ở hầu hết các nước”, ông Lê Hồng Minh nói.

Còn với doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Minh, thiếu cả về chất lẫn về lượng. Ông Minh minh chứng luận điểm này bằng chính thực tế công ty của mình, khi game lịch sử Thuận Thiên Kiếm của VNG được ra mắt rất hoành tráng nhưng phát hành lại thất bại thảm hại. Một câu chuyện khác được ông Minhg đưa ra liên quan đến một hợp đồng mà chính công ty ông được một công ty Nhật Bản thuê ngoài để vẽ thiết kế game. Mặc dù người Việt có tiếng vẽ đẹp, nhưng những bản vẽ của Việt Nam khi sang đến Nhật Bản thì bị công ty bạn bỏ đi hơn một nửa. Và đến khi chỉ còn ba tháng nữa là hết hạn hợp đồng, không còn cách nào khác, VNG đành phải sang Nhật Bản tìm một đối tác để thuê lại.

Đó là về chất lượng, còn về số lượng, theo ông Minh, trong khi ở Việt Nam chỉ có khaorng trên dưới 1.000 người làm game thì con số này ở Hàn Quốc là khoảng 100.000 người, còn ở Trung Quốc là 300,000, tức gấp đến hàng nghìn lần.

Không những thế, doanh nghiệp Việt Nam đã chạy đua không nhanh lại luôn phải vượt qua nhiều chướng ngại vật rất lớn trong việc sản xuất nội dung, điển hình như game, hay là về các hoạt động phân phối.

Và ông Lê Hồng Minh cho rằng một trong những khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội dung số nói riêng đang gặp phải chính sách tại Việt Nam không rõ ràng. Chính sách về internet và game đã trình dự thảo để lấy ý kiến nhưng sau 2,5 năm vẫn được ban hành. Và nguyện vọng của một doanh nhân trong lĩnh vực nội dung số như công Minh là: “Chúng ta thua về nhiều mặt, nhưng đừng thua về chính sách”.

Tại hội thảo, ông Choi Youn Chel - Đại diện cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc với kinh nghiệm của mình đã đưa ra hai đề xuất trong quản lý nội dung số ở Việt Nam. Đó là, thứ nhất, đừng nên lưỡng lự phát triển DN vừa và nhỏ đặc biệt trong lĩnh vực nội dung số để tạo nhiều cơ hội cho DN dù có thất bại thì vẫn phải tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này. Thứ hai, khả năng thị trường nội dung số lớn nhưng tính rủi ro cao. Giai đoạn đầu có tính đối ứng trước cho rủi ro của thị trường này. Thử thách và phấn đấu thì thành công ngày càng cao.

Trong đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT-TT đang triển khai xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai, trong đó, ngành công nghiệp nội dung số là một trong bốn trụ cột của chương trình này. Bộ khuyến khích phát triển các sản phẩm nội dung số trọng điểm, mang thương hiệu Việt Nam, và mở rộng phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Mục tiêu phát triển công nghiệp nôi dung số dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 20%/năm và doanh thu vào năm 2015 đạt khoảng 2 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, công nghiệp nội dung số đã thu hút lực lượng lao động hơn 60 nghìn người. Doanh thu bình quân của ngành công nghiệp này đạt hơn 19.000 USD/năm.

Nội dung số: nên quản lý như báo chí hay như một ngành công nghiệp? ảnh 1

Ông Lê Hồng Minh: "Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam thua trên sân nhà".