Ký sự Hà Thành

Nổi chìm câu hát xẩm

NDO - Lâu quá rồi, đến mức tưởng như chưa hề được nghe tiếng nhị, tiếng phách cuốn chặt vào tiếng hát xẩm buồn nao lòng. Bụi thời gian phủ lên, che mờ tất cả. Những câu hát xẩm rơi rụng ở bến tàu, bến xe. Ở những góc chợ, ven đường túm tụm dăm người bộ hành nhỡ bước, nhỡ chuyến. Nhất là những làn điệu xẩm lẫn trong tiếng tàu điện nhẩn nha, chậm rãi trên những phố cổ Hà Nội thưa vắng người...
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu (người thứ nhất từ trái sang) trong một buổi biểu diễn tại CLB Thăng Long.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu (người thứ nhất từ trái sang) trong một buổi biểu diễn tại CLB Thăng Long.

Chẳng ngờ đêm nay, ngay cạnh bến tàu điện ngày xưa, không còn dấu vết đường ray đã hằn sâu ký ức, lại được nghe tiếng hát xẩm. Dù tiếng nhị, giọng xẩm không còn nguyên "màu thời gian" xưa cũ, nhưng nhắm mắt lại mà nghe, tôi như thấy vẫn giọng hát ấy giữa cái đêm cách đây dễ chừng ngót chục năm.

Ðêm ấy cũng mưa bụi rắc đầy trời như đêm nay. Dưới chái nhà chật hẹp, ở một góc làng, tôi ngồi bên bà cụ mắt đã lòa. Tôi nhìn khắp nhà, bốn bề tuềnh toàng. Gió lạnh luồn qua vách, qua những khe hở. Bà như tàu lá chuối khô run rẩy giữa cơn gió bấc đầu đông. Gần đất, xa trời mà đời bà vẫn nghèo xơ xác và cô độc. Suốt một đời mòn gót khắp chốn cùng quê, góc chợ, bến tàu, bến xe, bà cụ không sao dứt bỏ những câu xẩm. Ám vào từ thuở con gái, rồi bám chặt, đeo đẳng cả chuỗi đời cơ cực. Vừa dập bã trầu, bà với tay lấy chiếc nhị trên tường, bóng mầu mồ hôi.

Bàn tay già nhăn nheo ôm nhị vào lòng, kéo nhẹ, chân dập phách, hát điệu xẩm

Huê tình. Ngoài trời, mưa phùn vẫn rả rích. Giọng bà chậm rãi như những giọt mưa rỏ ngoài mái hiên. Ðôi mắt mờ đục như phủ sương khói, nhưng giọng trong vắt như nước mưa. Dứt câu hát, bà bảo đồ vật dùng lâu thì tự khắc như có xương thịt. Cây nhị này chồng bà đặt người ta làm, định bụng để lại cho con cái nối nghiệp xẩm. Lâu rồi, bà chẳng còn nhớ rõ năm nào. Có một ông cán bộ văn hóa đánh ô-tô về tận nhà "xin" rước cây nhị ra Hà Nội. Nghe nói để trưng bày. Xa nó hôm trước, hôm sau bà bỏ bữa, rồi lăn ra ốm. Dứt lời, bà ôm chặt cây nhị vào lòng như sợ có người giằng lấy mất. Ðôi mắt hấp háy, hắng giọng ca điệu xẩm Hà liễu. Tiếng nhị réo rắt, mỏng như lá lúa, sắc như dao cau, cứa vào lòng:

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần

Làm thân con nhện mấy lần vương tơ

Biết đâu trong đục mà chờ

Hoa mà hết nhụy nương nhờ vào đâu

Khuôn mặt bà cụ nứt nẻ, khô khốc như gốc cây gạo. Giọng ca vẫn mượt như tơ. Ðứt câu hát, bà quờ tay lấy cơi trầu nhờ tôi giã hộ. Dập cối trầu, bà cấu thêm nhúm thuốc lào, vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa hát. Giọng ca nghe có vị nồng, vị chát. Như trầu cay quyện với cau tươi. Như vôi bạc ngấm vào từng thớ vỏ hồng đào. Bà thủng thẳng cắt nghĩa xẩm là hát rong kiếm cơm thiên hạ nơi bến đò, bến xe, xó chợ. Giờ bà vẫn nghe rõ tiếng những đồng xu người ta ném vào chậu thau. Cái nghề này bạc lắm, bạc như vôi ấy. Hễ ngơi miệng hát thì mồm cũng nghỉ nhai. Lần hồi sống cũng qua ngày đoạn tháng...

Lúc chiều, khi tôi hỏi đường vào nhà, hàng xóm gọi bà là cụ xẩm, chả ai biết nghệ nhân gì hết. Bà cười buồn bảo nghệ nhân cái nỗi gì, có mà người vàng như nghệ ấy. Hồi xưa, hát xẩm có được ai dạy bảo gì đâu. Người nọ nghe người kia, học truyền khẩu thôi. Một chữ bẻ đôi không biết, được cái bà sáng dạ, nghe vài lần là nhập tâm. Ðến giờ, chả hiểu cớ vì sao mình thuộc như in trăm điệu xẩm. Nào là "Bác mẹ sinh thành", "Tứ hải giao tình". Rồi thì "Sáng cả đêm Rằm", "Trương Chi", "Vọng phu", "Nhị độ mai"... Bố bà vốn lòa mắt, nhưng ngón đàn bầu thì gần xa ai cũng mê mẩn. Mệnh người có hạn, năm bà mười bốn tuổi thì ông cụ đổ bệnh, rồi đi luôn. Còn lại trơ trọi hai mẹ con đành phải dứt áo, bỏ làng tha phương cầu thực. Lang thang hết làng này sang làng khác, đầu đường xó chợ. Tiện đâu ngồi đấy. Trải manh chiếu rách, đặt cái chậu thau bẹp. Miệng chưa kịp thở, tay đã kéo nhị, chân gõ phách. Mới thế mà người ta đã xúm đông xúm đỏ. Bao giờ người mẹ cũng cất tiếng hát trước. Khởi đầu là điệu Hà liễu, rồi tới điệu Thập âm. Chừng nào cảm thấy mẹ đuối hơi, cô con gái liền ghé giọng hát đỡ. Ðiệu "Bậc bảy, bậc ba" lanh lảnh cất lên. Tiền chinh tiền xu ném vào chậu rào rào. Có người chạnh lòng thả nhẹ vào chậu đồng năm xu, khẩn khoản bảo hát "Chuyện anh Khóa". Dân quê ngày ấy, đầu tắt mặt tối, có lúc nào được ngẩng mặt mà nghe. Xẩm là kể lể nguồn cơn kiếp người. Bao cơ cực, cay đắng cất sâu trong lòng, theo tiếng hát, theo nước mắt chảy mãi...

Giờ tôi mới nhìn vào đôi mắt bà cụ, sâu hút, không thấy đáy như thời gian thăm thẳm. Nén tiếng thở dài, bà kể năm tròn mười sáu, run rủi thế nào bà gặp ông chủ gánh hát xẩm. Ông ấy hơn những hai chục tuổi, mắt thì lòa, nhưng ông trời lại bù cho cái tài chơi đủ mọi thứ đàn: bầu, nhị, hồ, tiêu, sáo. Lần đầu nghe giọng cô xẩm réo rắt, ông trùm xẩm phải lòng ngay. Khác nào "chim khôn mắc phải lưới gai", hai mẹ con thân cô, thế cô gặp được ông như cánh bèo dạt vào bè. Bà lại thở dài nói duyên số nó trói buộc, mình gỡ ra chẳng được. Ông ấy là người tử tế, chỉ phải cái tội ghen tệ, ghen hại. Mãi sau này bà mới biết, ông trùm xẩm đã có vài thê thiếp. Ðành cắn răng mà làm lẽ. Ðời này, kiếp này có ai làm phận lẽ cay cực như bà. Ðến khi ông ấy mất, bà mới như trút được tảng đá đè trong lòng. Lúc đó bà ngoài ba chục, xuân sắc còn mặn mà, giọng hát thì không ai ăn đứt được. Kể ra có thể đi bước nữa, nhưng bà ở vậy. Vắt kiệt sức mà hát kiếm miếng cơm bát cháo nuôi con. Bảy lần sinh nở thì bỏ lại bốn đứa con dọc đường vì dãi nắng, dầm mưa, quặt quẹo...

Ngày đã cạn hết, bóng tối trút xuống đặc sánh như mực tàu. Bên ngoài, trời đất âm u. Mưa phùn quẩn trong gió bấc dầm dề không biết đến lúc nào. Bà cụ khẽ buông câu xẩm: "Gió đưa cây cải lên trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay". May phúc, bà không có đứa con nào vướng vào kiếp hát xẩm. Bà chỉ vu vơ vào bức vách dán tấm giấy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và chi chít bằng khen, giấy khen đã bạc phếch cả tên tuổi, ngày tháng. Người mù chữ, mắt lòa, nhìn vào cũng như nhìn bức vách. Ðời bà chỉ còn một thú vui độc nhất là chén rượu suông. Bất chợt bà cười móm mém khoe, ngày xưa bà uống tợn lắm. Uống cho hòa loãng cay đắng, cơ cực. Uống cho khổ đau chìm xuống đáy lòng. Giờ thì sức yếu đi nhiều, mỗi ngày chỉ dám uống hai nghìn rượu. "Ngọt bùi, cay đắng, vinh nhục đều lắng cặn dưới đáy chén này", bà nói. Bà có tật nói nhịu. Vậy mà lúc cất giọng chẳng nhịu một chữ nào. Tôi gặng hỏi, bà có còn nhớ được ghi âm bao giờ chưa. Bà xua tay, có nhớ mang máng, hình như có một ông giáo sư người Việt tận bên Pháp về, nhất quyết tìm bằng được bà. Người ta đánh xe về đưa bà lên Hà Nội. Ông ấy ngồi nghe bà hát xẩm suốt cả đêm, ghi âm mấy cuộn băng không hết. Ðôi mắt bà hấp háy như lóa ánh đèn, giọng nhấm nhẳng, vô khối cô đào trẻ cứ cạy cục, van vỉ bà dạy cho dăm điệu xẩm làm vốn liếng. Bà chối đây đẩy, sung sướng thì làm sao thấm thía được kiếp người lam lũ mà hát xẩm nổi cơ chứ!

Góc nhà tối lờ mờ, nhưng tôi vẫn nhận ra những giọt nước ứa từ hố mắt bà sâu hun hút. Chầm chậm lăn trên gò má nứt nẻ, khô cằn như vỏ cây già cỗi. Tôi nắm nhẹ bàn tay bà, mà chân không muốn rời. Chẳng còn biết đến ngày nào mới được gặp lại bà, được nghe bà hát, tôi nghẹn ngào. Bà gượng cười, làm cái "anh" Xẩm sướng nhất là được đi tứ xứ, biết đủ mọi loại người. Giờ chả còn sức đâu mà đi, nhưng vẫn hãy còn hơi sức hát. Giá mà được trẻ lại, bà vẫn theo nghiệp xẩm này. Người đời thì bảo "xướng ca vô loài". Nó bạc trắng như vôi ấy, thế nhưng mà làm sao bỏ được. Rồi bà cao giọng, tiễn chân tôi đôi câu xẩm:

Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca,

Mênh mang trời đất vốn không nhà,

Người ơi, mưa đấy hay sênh phách...