Nỗ lực xóa “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới

Có điều kiện an cư lập nghiệp, người dân tự nguyện là “tai”, là “mắt”, là “cột mốc sống” giúp các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên tuyến biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Màn đêm buông xuống, tiếng cười, nói rộn ràng trong các ngôi nhà nhỏ khang trang, thuộc điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Gia đình anh Nguyễn Bá Ngọc và chị Phan Thị Hà cùng bà và ba đứa con nhỏ đang quây quần bên mâm cơm chiều. Anh Ngọc hiện là công nhân cao-su thuộc Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16), còn chị Hà là giáo viên Trường mầm non xã Thanh Hòa. Vợ chồng anh Ngọc cùng 51 hộ gia đình nơi đây đều tình nguyện lên biên giới định cư.

Nhiều năm trước, gia đình anh Ngọc cùng các gia đình khác dắt díu nhau thuê phòng trọ để ở. Do thu nhập thấp cho nên cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Một căn nhà để ở là niềm mơ ước của vợ chồng anh Ngọc và những gia đình làm công nhân, lao động tự do từ nhiều vùng quê đến đây sinh sống. Bởi mọi người lao động cật lực cũng chỉ tạm đủ chi tiêu cho gia đình ăn uống hằng ngày.

Từ khi Quân khu 7 và địa phương có chủ trương xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, người dân tình nguyện làm đơn đăng ký lên biên giới sinh sống. Với năm căn nhà ban đầu (năm 2019) do Quân khu 7 đầu tư xây dựng, địa phương cùng vào cuộc, đến nay điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa đã có 51 căn nhà, hiện có 51 hộ dân với 181 nhân khẩu sinh sống ở đây; mỗi hộ dân được bố trí 480 m2 đất ở, trong đó diện tích nhà ở là 72 m2 diện tích còn lại dành cho chăn nuôi, trồng trọt; kinh phí xây dựng mỗi căn nhà trong điểm dân cư là 120 triệu đồng do Quân khu 7 và địa phương hỗ trợ.

Nhiều gia đình còn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mở rộng nhà bếp, lát gạch sân, làm mái che, hàng rào, cổng ngõ kiên cố, khang trang và một số công trình phụ khác tôn tạo cho căn nhà của mình được khang trang, sạch, đẹp, ổn định cuộc sống lâu dài.

Địa bàn Quân khu 7 có hàng trăm ki-lô-mét chung đường biên giới với nước bạn Campuchia đi qua ba tỉnh: Long An, Tây Ninh, Bình Phước. Trên địa bàn rộng lớn này không có dân cư sinh sống, đất đai hoang hóa, một số nơi có các công ty trồng cây

cao su, nhưng lực lượng công nhân làm việc không ổn định. Cùng với việc xây dựng đường tuần tra biên giới, năm 2019, Quân khu 7 thực hiện đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, đến nay đã xây dựng kiên cố hóa được 63/65 chốt dân quân biên giới đất liền; 58 điểm dân cư liền kề chốt dân quân và đồn, trạm biên phòng biên giới, với 521 căn nhà và hàng nghìn nhân khẩu sinh sống; đồng thời hỗ trợ các hộ dân trong điểm dân cư 148 con bò giống… với hàng trăm tỷ đồng. Trên cơ sở hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới giai đoạn 1 với 267 km và đang thực hiện giai đoạn 2 với hơn 40 km kết nối với đường dân sinh, đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế-xã hội vùng biên, từng bước xóa “vùng trắng” dân cư trên tuyến biên giới qua địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước.

Sau nhiều năm Quân khu 7 triển khai chủ trương “Địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận tích cực hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các tỉnh biên giới Bình Phước, Tây Ninh, Long An, đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng từng bước hoàn thành.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá, các điểm dân cư ở khu vực biên giới đã làm thay đổi diện mạo của đường biên giới; người dân ở các điểm dân cư đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, mốc giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ…; qua đó góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh Bình Phước có kế hoạch sẽ phủ sóng điện thoại, internet đến tất cả các chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng cũng như các điểm dân cư liền kề; cố gắng bảo đảm điện thắp sáng cho tất cả các vị trí để đồng bào lên cư trú, sinh sống ở khu vực biên giới được bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tốt.

Diện mạo nông thôn vùng biên giới ở các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 đến nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Khi cuộc sống người dân dần vơi bớt khó khăn, họ tự nguyên là tai, là mắt giúp các lực lượng biên phòng, công an, dân quân bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi biên giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.