Cùng suy ngẫm

Nỗ lực xóa bỏ bạo lực giới

Tình trạng bạo lực giới (bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó) hiện vẫn diễn ra khá phổ biến cả trong gia đình và ngoài cộng đồng. Nạn nhân của bạo lực giới rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là trẻ em gái và phụ nữ. Đây cũng là những đối tượng chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực giới gây ra. Trong đó, nhiều trường hợp dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhìn rộng ra, bạo lực giới còn ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nỗ lực xóa bỏ bạo lực giới

Bình đẳng giới nói chung, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan không ngừng quan tâm và cam kết thực hiện.

Về mặt pháp lý, Việt Nam tích cực trong việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Điều này được thể hiện qua nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan như: Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2016)....

Nhiều chương trình, kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực giới được xây dựng và thực hiện như: Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025...

Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp về mặt thể chế, chính sách, truyền thông, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Để giải quyết các khía cạnh khác nhau của bạo lực trên cơ sở giới, Việt Nam đã thông qua các cơ chế phối hợp liên ngành - một trong những giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả và có giá trị thực tiễn.

Tuy có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng bạo lực giới nhưng thực tế cho thấy, công tác này ở nước ta vẫn còn không ít thách thức. Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực giới khá đủ và toàn diện nhưng trong nhiều văn bản pháp luật lại chưa đưa ra định nghĩa về bạo lực giới hay bạo lực trên cơ sở giới.

Trong khi đó quy định về những hành vi bạo lực trên cơ sở giới nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến khó xử lý. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực và kỹ năng của cán bộ. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa thật sự thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng chất lượng công tác hỗ trợ cho nạn nhân và gây tâm lý e ngại cho người dân khi cần hỗ trợ.

Đáng nói, nhận thức về bạo lực giới của một bộ phận người dân còn hạn chế; phần lớn nạn nhân của bạo lực giới thường tự mang định kiến, chấp nhận im lặng và ít tìm sự trợ giúp từ các dịch vụ chính thức hoặc chính quyền địa phương.

Để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cần sự vào cuộc, kết nối, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan ở cấp trung ương, địa phương. Các đơn vị chức năng cần tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành và nhân rộng mô hình này, bảo đảm nỗ lực phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được toàn diện và xuyên suốt; mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực... Từ đó, nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời, có chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bạo lực giới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để cộng đồng có thể nhận diện những hành vi bạo lực, kịp thời ngăn chặn, tố cáo những hành vi này.