Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Chiều 12/8, tại thành phố Cần Thơ, tiếp tục chương trình khảo sát thực tế tình trạng sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình và các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Phát biểu ý kiến gợi mở thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến rất phức tạp. Chính phủ rất quan tâm giải quyết vấn đề này. Hai hôm nay, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành đã đi khảo sát thực tế các khu vực bị sạt lở ở các tỉnh ĐBSCL.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó xác định mục tiêu trước mắt, lâu dài là gì để phát triển ĐBSCL; đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp; phải có nguồn lực để thực hiện công tác này. Thủ tướng mong các nhà khoa học đóng góp ý kiến gợi ý các nhà quản lý thực hiện nhiệm vụ trước mắt là bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình của Nhà nước, bảo đảm sinh kế của nhân dân phải “thuận thiên”, phát triển nhưng phải bền vững, là những vấn đề lớn đặt ra cho vùng ĐBSCL.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Quyết định của Chính phủ về vấn đề này nhưng tình hình chưa chuyển biến nhiều. Do đó phải tiếp tục các công việc để rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, tìm cách làm hiệu quả.

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình và giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn.

Theo Thủ tướng, những chỗ cấp bách phải làm ngay; nếu không làm nhanh thì những chỗ xoáy lớn gây sạt lở thì sẽ sạt lở nặng nề hơn. Nhiều nơi như Vĩnh Long nếu không làm nhanh thì sẽ sạt lở, mất cả dải đất; hay như ở Đồng Tháp “bên lở, bên bồi”, do đó chúng ta phải tìm cách giải quyết hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần của các bộ rất kiên trì, nghiên cứu, tìm giải pháp, tìm nguồn lực của Trung ương, xã hội để phòng chống sạt lở; các tỉnh, thành phố trong khu vực rất quyết liệt trong việc này.

Thủ tướng cũng nêu rõ, một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này nhưng chúng ta phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Thủ tướng cũng nêu rõ, tinh thần phát triển hệ thống tuyến cao tốc của vùng ĐBSCL rất tốt, được triển khai nhanh; từ bài học kinh nghiệm này cho thấy chúng ta suy nghĩ phải chín, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phân cấp, phân quyền; ai làm tốt hơn thì phải được phân cấp, việc này phải được kiên trì.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyến khảo sát và làm việc này nhằm tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Thủ tướng nêu rõ, sau khi đi khảo sát, 8 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị những điểm đã đi khảo sát thì phải có giải pháp xử lý ngay; yêu cầu các tỉnh hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem xét, quyết định xử lý ngay những điểm sạt lở. Các tỉnh cũng chọn những dự án cấp bách trên tinh thần sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dự trữ của địa phương, phần còn lại thì Trung ương sẽ căn cứ khả năng để xử lý có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm.

Thủ tướng đề nghị với 5 tỉnh còn lại chưa đi khảo sát trong dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng, khảo sát cụ thể các điểm, hoàn thiện hồ sơ, xử lý ngay trong tháng 8 này.

Về một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, từ Hội nghị COP21 đến COP27 vừa qua, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và hết sức phức tạp trên khắp thế giới. Ở nước ta, diễn biến nắng nóng, lụt lội, lũ ống, lũ quét, sạt lở liên tục, phức tạp. Vấn đề sụt lún, sạt lở, ngập úng tiếp tục xảy ra tất cả các nơi, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp.

Nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của khu vực, Thủ tướng nêu rõ, muốn Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững thì phải nhận diện đúng khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp hiệu quả. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng có nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Theo một số nghiên cứu cho rằng, nước biển dâng 0,35 cm/năm và Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng bị tác động mạnh nhất. Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn Mekong (đập thủy điện, dự án chuyển nước) dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ tại một số thời điểm, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long, thay đổi lưu lượng dòng sông.

Về tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 10 năm (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm), đặc biệt tại một khu vực ven biển (nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức, chất tải xây dựng…). Vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường xảy ra ở nhiều đô thị. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng; diện tích rừng ngập mặn suy giảm dẫn đến xói lở.

Thủ tướng nhấn mạnh cần kiên trì cần tìm ra công nghệ mới trong xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở (sử dụng bê-tông, đá hộc), cùng với đó là giữ phù sa, giữ rừng, phát triển đất.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khẩn trương có giải pháp xử lý: tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội chủ yếu dựa vào sông nước (hầu hết nhà cửa, các tuyến đường giao thông đều bám sát ven sông, rạch). Do vậy, khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp người dân, giao thông.

Theo Thủ tướng, chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch, không gian sinh tồn, phát triển của người dân. Sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp, nhanh, quy mô rộng, trong khi khả năng ứng phó không kịp thời, không hiệu quả; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa; nhiều địa phương đã xác định khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng không có kinh phí để đầu tư, khi xảy ra sạt lở rồi mới di dời dân cư, đầu tư công trình khắc phục sự cố sạt lở rất tốn kém, có nghĩa là bị động, chưa chủ động. Một số công trình phòng ngừa chưa căn cơ, bền vững.

Bên cạnh đó, chưa huy động được nguồn lực phòng chống sạt lở, chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Trung ương. Công tác duy tu bảo dưỡng sau đầu tư chưa được chú ý, đầu tư thỏa đáng. Đến nay còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng đến người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng cần xử lý với tổng chiều dài 204km, nhu cầu đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng nhưng chưa có nguồn để xử lý.

Các chủ trương, chính sách đều đã có, nhưng thực hiện vẫn là khâu yếu, do đó chúng ta phải chọn trọng tâm, trọng điểm, cái nào cấp bách cần phải làm thì phải làm ngay, không được để dàn trải, với phương châm suy nghĩ phải chín, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. “Cần phải rà soát lại những điểm nào cấp bách ảnh hưởng tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân thì phải ưu tiên làm ngay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng đề nghị tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bảo vệ, khai thác bền vững đất rừng, tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, sắp xếp không gian sinh tồn, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Về quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và hậu quả nặng nề của vấn đề sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hơn sự lãnh đạo chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền, huy động nguồn lực, sự tham gia của nhân dân và doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.

Đồng thời, phải có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài. Giải pháp trước mắt là các vấn đề cấp bách, phải khẩn trương phê duyệt dự án đúng quy định, chống lãng phí, tiêu cực; lâu dài là phải có các dự án để vừa phải bảo vệ và vừa phát triển nhanh và bền vững; huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, địa phương, nhân dân và các nguồn hợp tác công tư, nguồn hợp pháp khác; tăng cường tự lực, tự cường, vươn lên của địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; cải cách thủ tục hành chính.

Về phương châm, phải nắm chắc dự báo tình hình; nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong xử lý; huy động tổng thể nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất.

Về công việc cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quan tâm nhân dân những chỗ sạt lở, bố trí tái định cư; chủ động di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, tránh bị động, bất ngờ, thiệt hại tính mạng và tài sản; tiếp tục xử lý các khu vực bị sạt lở; huy động nguồn tăng thu, giảm chi của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, kinh phí dự phòng.

Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị phải làm tốt công tác quy hoạch, rà soát kỹ thực tế, phát huy thế mạnh của thiên nhiên, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải những hạn chế, bất cập, không thuận thiên.

Các giải pháp phi công trình như trồng rừng, cây đước, bán chứng chỉ carbon; thực hiện giải pháp quan trắc; nghiên cứu một số biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường; nghiên cứu đánh giá kỹ về nguyên nhân sụt lún, sạt lở, ngập úng, từ đó xác định rõ giải pháp trước mắt và lâu dài; kiểm soát kỹ quy hoạch, kiểm soát tình trạng xây dựng nhà sát ven sông, ven biển dễ dẫn đến bị ảnh hưởng do sạt lở; chủ động di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, ngăn chặn khai thác cát sỏi tại các khu vực có thể dẫn đến sạt lở.

Ngoài ra, cần rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động phòng chống từ sớm, từ xa; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, rút ra bài học kinh nghiệm, các mô hình hay, giải pháp tốt để ứng dụng từng khu vực; tại các khu vực bị xâm thực, cần có giải pháp căn cơ, bài bản; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân; các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, gương người tốt việc tốt; tăng cường hợp tác công tư, nhất là mô hình ở Cà Mau để nhân rộng; huy động nguồn lực quốc tế; kết hợp nguồn lực Trung ương và địa phương để ưu tiên đầu tư; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải đẩy nhanh quy hoạch, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà, rườm rà; đẩy mạnh 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường kiểm tra, giám sát việc này; ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, giải quyết các thủ tục phát triển thị trường bất động sản; sớm ra đời sàn giao dịch khoa học công nghệ.

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tình trạng sạt lở, sụt lún, ngập úng ven sông, ven biển các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bà con nhân dân trong vùng nhân chuyến khảo sát.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế-xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km; bờ biển: 113 điểm/390km). Hiện tại còn 561 điểm: bờ sông 513 điểm/602km; bờ biển 48 điểm/208km; trong đó: điểm đặc nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204km (bờ sông 39 điểm /118km, bờ biển 24 điểm/86km).

Về các nguyên nhân cơ bản gây sạt lở, đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).

Lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Tiền lớn, sông Hậu, khu vực đoạn sông cong, phân nhập lưu cũng nhiều hơn sông Hậu đây là những vị trí sinh ra vận tốc dòng chảy lớn phức tạp. Do vậy số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.

Các khu vực sông ảnh hưởng của cả lũ lẫn triều (vùng giao thoa), thường là có hướng, vận tốc dòng chảy rất phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm triều rút vận tốc dòng chảy tăng lên đột ngột tác động gây xói lòng dẫn và sạt lở bờ sông là rất lớn (điển hình là các sông ở khu vực tỉnh Vĩnh Long). Ngoài ra, có nguyên nhân khác từ các hoạt động kinh tế, xã hội thiếu kiểm soát.

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục sớm tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 6

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại cuộc họp.

Đối với tình trạng xói lở bờ biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vùng bờ biển Đông từ Tiền Giang đến Sóc Trăng là vùng có các cửa sông Cửu Long đổ ra, vì vậy chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát trong sông là rất lớn, xu thế xói bồi bờ biển xảy ra xen kẽ, phụ thuộc theo mùa lũ và kiệt của dòng chảy sông Cửu Long.

Hiện tượng bồi lắng thường xảy ra ở một số vị trí có cửa sông lớn (Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, cửa Định An, Trần Đề …). Hiện tượng xói lở thường là những khu vực trực diện với biển. Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022, mặt cắt khu vực bờ biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 30m/năm; mặt cắt khu vực bờ biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 35m/năm.

Vùng bờ biển Đông từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau: Khu vực này tác động xói bồi phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội, hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ xói lở khoảng 10÷50 m/năm tùy theo vị trí, đặc biệt là khu vực thuộc tỉnh Cà Mau, có một số điểm tốc độ xói lên tới 70÷90m/năm. Vùng bờ biển Tây đoạn từ Mũi Cà Mau đến Rạch Giá xu thế xói lở là chính, bồi tụ rất ít, và một số đoạn xói bồi luân phiên, xen kẽ. Tốc độ xói lở vùng này phổ biến 10-15m/năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý một số vấn đề đáng quan tâm: Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha; xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh). Xói lở nghiêm trọng trên các sông/kênh nối Sông Tiền-Sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi (nước Sông Tiền có xu thế chuyển sang Sông Hậu). Xói lở tập trung nhiều ở Sông Tiền; tập trung ở An Giang, Tiền Giang và Cà mau (tổng chiếm 30%), An Giang 75 điểm, Tiền Giang 65 điểm, Cà mau 86 điểm…