Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), ông Akinwumi Adesina (A.A-đê-xi-na), cho rằng châu lục này cần chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu thực phẩm và dược phẩm hay lương thực. Tuy nhiên, đây là bài toán khó và châu Phi cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Nhận định của Chủ tịch AfDB được đưa ra tại thời điểm ngân hàng này đã phê duyệt việc thiết lập một nền tảng công nghệ dược phẩm và bắt đầu xử lý các yêu cầu viện trợ lương thực. Chủ tịch Adesina nhấn mạnh, châu Phi không nên tự làm tổn thương chính mình bằng cách phụ thuộc quá mức vào các châu lục khác, cho dù đó là vắc-xin hay lương thực. Trên thực tế, việc phụ thuộc sẽ chỉ khiến "lục địa đen" rất dễ tổn thương trước bất kỳ cú sốc nào. AfDB đã phê duyệt khoản tài trợ 1,5 tỷ USD tạo thuận lợi cho việc sản xuất lương thực khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực ở châu lục. Dự kiến, số tiền này sẽ được giải ngân để hỗ trợ 20 triệu nông dân sản xuất 38 triệu tấn lương thực.
Những "cú sốc" về hệ thống lương thực do thời tiết khắc nghiệt, dịch hại xâm nhập, bất ổn chính trị và xung đột ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng ở châu Phi, khiến nhiều người bị mất an ninh lương thực hơn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang làm gia tăng thêm những tác động này khi làm gián đoạn thị trường cung ứng lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu. Ethiopia, quốc gia có gần 22,7 triệu người bị mất an ninh lương thực do hạn hán. Madagascar có 7,8 triệu người cũng đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do đợt hạn hán lịch sử ở miền nam đất nước.
Nhằm giúp tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực cũng như giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đang ngày càng gia tăng ở châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã thông qua một chương trình trị giá 2,3 tỷ USD để giúp các quốc gia ở phía đông và nam châu Phi chống lại tình trạng mất an ninh lương thực. Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông và Nam Phi Hafez Ghanem (H.Ga-nem) cho biết: "Bảo đảm sự điều phối trong khu vực để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu, biến động thị trường và nhu cầu cải cách chính sách lương thực là những ưu tiên hàng đầu". Ethiopia và Madagascar là hai quốc gia được ưu tiên trong giai đoạn đầu của dự án.
Một số quốc gia ở châu lục này cũng nằm trong danh sách nhận được sự hỗ trợ quốc tế nhằm tăng cường khả năng bảo đảm an ninh lương thực. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) vừa phê duyệt 18 triệu USD hỗ trợ ba dự án do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) triển khai tại năm quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ Latin. Các dự án mới của FAO tại Nigeria, Venezuela cùng nhóm các nước Malawi, Mozambique và Uganda tập trung vào đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước. Các dự án sẽ nâng cấp hơn 8,3 triệu héc-ta tại các khu bảo tồn, cải thiện quản lý 10.000ha đất và khôi phục 24.000ha rừng và đồng cỏ tự nhiên. Qua đó, hướng tới giảm 4,3 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ trực tiếp cho gần 92.000 người bản địa và các cộng đồng địa phương. Dự án khu vực tại Malawi, Mozambique và Uganda sẽ tập trung vào việc quản lý bền vững nguồn nước ngầm để bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ sinh kế, hệ sinh thái và đầu tư ở châu Phi. Trong khi đó, dự án ở Nigeria sẽ hỗ trợ cải thiện việc bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi cảnh quan hơn một triệu héc-ta rừng bị đe dọa nghiêm trọng tại 12 khu bảo tồn rừng và vườn quốc gia Okomu, các khu vực thuộc vùng đất thấp.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất giải ngân các khoản tiền chưa sử dụng trong các dự án phát triển ở châu Phi để hỗ trợ các nước trong châu lục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đề xuất của EC, nếu được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí, sẽ cho phép giải ngân 600 triệu euro để tăng cường hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng khẩn cấp về lương thực ở châu Phi. Các nhà lãnh đạo EU cũng có kế hoạch hỗ trợ sản xuất phân bón ở châu Phi nhằm giúp châu lục này tăng cường khả năng chống chịu trước nguy cơ mất an ninh lương thực.