Nỗ lực giảm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc

Ngày 25/5, tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào đang thăm Mỹ để thảo luận vấn đề thương mại song phương. Đây là cuộc trao đổi cấp nội các đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều tháng qua sau những căng thẳng liên quan thương mại và an ninh quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào. (Ảnh TWITTER)
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào. (Ảnh TWITTER)

Trong thông báo sau cuộc gặp, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, bà Raimondo đã nêu những quan ngại về các động thái của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Raimondo, Bộ trưởng Vương Văn Đào đã bày tỏ những quan ngại về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chất bán dẫn cũng như các vấn đề liên quan kiểm soát xuất khẩu và đánh giá đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, chuyên nghiệp và mang tính xây dựng về quan hệ kinh tế và thương mại song phương cũng như các vấn đề liên quan cùng quan tâm. Hai bên nhất trí thiết lập các kênh liên lạc để duy trì và tăng cường trao đổi về các quan ngại kinh tế và thương mại cụ thể cũng như các vấn đề liên quan hợp tác.

Theo kế hoạch, ông Vương Văn Đào có cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 25-26/5 tại Detroit, Mỹ. Trước đó, trong cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Thượng Hải, trong đó có Johnson & Johnson, 3M, Dow, Merck và Honeywell, ông Vương Văn Đào khẳng định Trung Quốc tiếp tục hoan nghênh các doanh nghiệp có vốn đầu tư Mỹ phát triển ở nước này và mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định căng thẳng Mỹ-Trung Quốc sẽ sớm "tan băng". Ông Biden cho biết các nước G7 đã nhất trí cách tiếp cận với Trung Quốc, đó là tìm cách giảm rủi ro nhưng không tách rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.