Ninh Bình chú trọng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

Nhằm khắc phục những nhược điểm và khó khăn của diện tích đất trồng lúa như điều kiện tưới tiêu, địa hình không bằng phẳng, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình quan tâm, chú trọng đến chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng ổi ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh.
Mô hình trồng ổi ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh.

Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được tỉnh Ninh Bình thực hiện từ năm 2016; giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 4.870 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là hơn 325 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm là 24,16 ha; diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 21,51 ha; diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản là 257,92 ha.

Là một trong những hộ đi đầu của xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), thực hiện chuyển đổi từ đất ruộng trũng sang trồng ổi từ năm 2016, ông Hoàng Văn Hà (Xóm 9) cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu cấy lúa theo phương thức truyền thống, năng suất và hiệu quả không cao. Từ khi xã Khánh Thành phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai đưa cây ổi lê Đài Loan vào trồng ở địa phương, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa sang trồng ổi, với mỗi sào 30 cây.

Hay như mô hình trồng nho và dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới của anh Nguyễn Văn Quyên ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, trước đây gia đình anh chuyên canh cây lúa, nhưng năng suất và hiệu quả không cao. Từ năm 2016, gia đình anh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Đến năm 2022, gia đình tiếp tục chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao trồng cây dưa lưới trong nhà màng.

Cùng lúc này, Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô triển khai Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025" và anh nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Nhờ đó, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 nhà màng (mỗi nhà có diện tích 1.000 m2), trong đó, theo đề án, ngân sách của huyện hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt nhà màng, tương đương 300 triệu đồng/nhà màng. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 8.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới và nho, đem lại doanh thu khoảng 2,5-3 tỷ đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện, sản phẩm của anh có mặt ở các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Quyên phấn khởi chia sẻ thêm, công nghệ nhà màng, nhà lưới giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Nông dân có thể chủ động được vụ trồng mà không phải phụ thuộc vào thời tiết như sản xuất truyền thống; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô Nguyễn Thị Len cho biết, bên cạnh tập trung tái cơ cấu cây lúa, cây màu theo hướng nâng cao tỷ lệ lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, huyện đã có phương án quy hoạch vùng có thể chuyển đổi sang các cây hàng hóa có giá trị cao.

Cùng với chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Yên Mô đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, năm 2022, huyện đã ban hành Nghị quyết số 04 về phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghệ cao; trong đó, có chính sách hỗ trợ nhà màng, nhà lưới để người dân đầu tư xây dựng mô hình mới.

Đến nay, huyện đã có 23.000 m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại cây ăn quả, trung bình đạt khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm. Từ lực đẩy của chính sách đã tạo điều kiện để người dân tích cực triển khai và nhân rộng diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện, toàn huyện Yên Mô đã chuyển đổi được hơn 916 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới, như: Trồng cây hằng năm, cây lâu năm, cấy lúa kết hợp với nuôi thủy sản, thâm canh cá trên ao nổi... Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác sau chuyển đổi đạt từ 250-500 triệu đồng/ha, cao gấp 3-5 lần so với cấy lúa.

Với nhiều hình thức chuyển đổi, nông dân tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Điển hình như hình thức chuyển đổi sang trồng cây hằng năm (bí xanh, mướp, dưa chuột, lặc lày, cà chua, dưa lê, dưa bở, các loại rau ăn lá, ngó khoai môn ngọt, cây sen, cây dược liệu hằng năm...) đã mang lại hiệu quả trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm tại các huyện Yên Mô, Yên Khánh, thành phố Tam Điệp. Hay hình thức chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư với các con nuôi thủy sản là các loài cá truyền thống (cá trắm, chép, chạch sụn...) mang lại giá trị sản xuất 200-450 triệu đồng/ha/năm...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, đầu ra của các sản phẩm tiêu thụ thuận lợi ở trong và ngoài tỉnh, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ. Qua đó, góp phần hình thành các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hoạt động hiệu quả như hợp tác xã ngành hàng, các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được tăng cường; là điều kiện tốt để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 587,56 ha đất trồng lúa; trong đó, chuyển đổi sang cây hằng năm là 70,42 ha; chuyển đổi sang cây lâu năm là 79,65 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 357,84 ha.

Để việc chuyển đổi đúng quy định, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình cần hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi; thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, các cơ quan liên quan của tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương hướng dẫn người dân lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp điều kiện của từng vùng; quan tâm xây dựng và nhân rộng những mô hình mới, hiệu quả kinh tế-xã hội cao,...