Những thay đổi tích cực trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

NDO -

NDĐT - Dư luận xã hội trong thời gian vừa qua đã dành sự quan tâm cho các trường hợp án oan sai, đặc biệt là án hình sự đã thi hành nhiều năm. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là những người được minh oan sẽ được bồi thường như thế nào sau khi phải chịu hàng chục năm giam giữ?

Cơ quan chức năng sẽ bồi thường bằng những hình thức nào? Căn cứ nào để định lượng khoản bồi thường? Nguồn bồi thường sẽ được lấy từ đâu? Đây đã không còn dừng lại ở những tranh luận xã hội mà nó còn trở thành những ý kiến trái chiều ngay cả với các cơ quan chức năng của Nhà nước. Sự thiếu đồng nhất này bắt nguồn từ những hạn chế của các quy định pháp luật về bồi thường án oan sai đã tồn tại.

Ngày 1-7 tới đây, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) 2017 sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế hoàn toàn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Đây được coi là là công cụ để tháo gỡ các khúc mắc, cản trở đang còn tồn tại trong việc giải quyết quyền lợi cho những người phải chịu án oan sai.

Nếu như tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 thì đối tượng được quyền yêu cầu bồi thường trong luật chỉ quy định là người bị thiệt hại mới có quyền yêu cầu bồi thường (Khoản 1 Điều 4) thì theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đối tượng được quyền yêu cầu bồi thường đã được quy định một cách cụ thể và mở rộng hơn. Theo đó thì “Người yêu cầu bồi thường là người có văn bản yêu cầu bồi thường thuộc một trong các trường hợp: người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.” ( Khoản 3 Điều 3, Điều 5).

Như vậy với việc mở rộng đối tượng yêu cầu bồi thường thì đã có thể khắc phục được sự hạn chế về việc đòi bồi thường khi người bị thiệt hại không thể đứng ra yêu cầu bồi thường do rơi vào trường hợp không đủ năng lực hành vi hoặc đã chết. Bên cạnh đó nó cung cấp địa vị pháp lý cho những người liên quan có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện việc yêu cầu bồi thường cho người bị hại. Thí dụ như ông A là người chịu thiệt hại do một bản án oan nhưng đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Sau này nếu vụ án được lật lại và chứng minh được ông A hoàn toàn vô tội thì nếu như trong Luật năm 2009 thì vợ con, người thân của ông A khó có thể đứng ra yêu cầu bồi thường về danh dự cũng như vật chất còn theo luật mới thì họ hoàn toàn có tư cách pháp lý để thực hiện điều này.

Một thay đổi cũng rất đáng chú ý khác Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 đó chính là việc quy định việc tạm ứng bồi thường cho người bị thiệt hại (Điều 44). Theo nhiều ý kiến thì đây là một đột phá và có nhiều tính nhân văn trong việc xây dựng luật. Chúng ta đều biết các quy trình bồi thường sẽ tốn không ít thời gian và thủ tục trong khi người bị hại bởi án oan sai là những đối tượng không chỉ chịu tổn thất về mặt vật chất mà còn có thể cả về mặt tinh thần và danh dự. Việc nhanh chóng bồi thường cho các đối tượng này không chỉ giúp họ khắc phục các khó khăn trong đời sống sinh hoạt mà nó còn phần nào xoa dịu các tổn thương tinh thần, giúp họ tin vào pháp luật và Nhà nước.

Cũng về vấn đề bồi thường cho người bị hại thì theo luật mới, Cơ quan tài chính có nhiệm vụ cấp kinh phí khi có hồ sơ từ các cơ quan giải quyết bồi thường chuyển tới và không có chức năng kiểm tra, rà soát các hồ sơ thủ tục của các cơ quan giải quyết bồi thường như luật cũ. Đây là một cải cách hành chính đáng hoan nghênh bởi nó vừa giúp các cơ quan tài chính làm đúng các chuyên môn thủ tục của mình, lại giúp giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bị hại, không khiến cho hồ sơ của họ bị xét đi xét lại nhiều lần – một yếu tố gây nhiều ức chế cho những người vốn đã chịu thiệt hại do oan sai.

Nếu nhìn vào thời hạn để tiến hành giải quyết việc bồi thường thì chúng ta cũng có thể nhận thấy sự rút ngắn đáng kể so với luật cũ. Nếu như trước đây thời hạn thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường là 5 ngày (Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2009) thì theo luật mới sẽ chỉ còn 2 ngày (Khoản 2 Điều 43 Luật TNBTCNN năm 2017). Việc xác minh thiệt hại cũng đã được rút xuống từ tối đa 40 ngày (Điều 18 luật TNBTCNN năm 2009) xuống còn tối đa 15 ngày và 30 ngày nếu vụ việc phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm (điều 45 Luật TNBTCNN 2017).

Luật TNBTCNN năm 2017 đã thực hiện rút ngắn số ngày giải quyết trong tất cả các bước, từ thụ lý, tiến hành xác minh, thương lượng, ra quyết định bồi thường, cấp và chi trả tiền bồi thường, tổng thời gian giải quyết bồi thường chỉ còn từ 41 ngày - 71 ngày. Trong khi đó nếu theo Luật TNBTCNN 2009 thì tổng thời gian có thể kéo dài 95 đến 125 ngày, như vậy đã rút ngắn được một nửa thời gian.

Những thay đổi của Luật TNBTCNN 2017 còn nằm ở rất nhiều các quy định khác như về hồ sơ, thương lượng hay ra quyết định bồi thường và tất cả những thay đổi này đều hướng đến giúp việc bồi thường cho những người bị hại được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Điều cho thấy lập pháp của chúng ta đang có những bước phát triển hoàn thiện và quan trọng hơn là nó cho thấy quyết tâm xây dựng một Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Việt Nam. Bên cạnh đó nó còn giúp người dân, đặc biệt là những người đã phải chịu những tổn thất mất mát do những quyết định không đúng đắn của một số quan chức, có niềm tin vào pháp luật.