Những tấm gương - lời

NDO - Loài người ngày càng đông, Trái đất ngày một ồn hơn vì tiếng nói. Tỷ lệ nghịch là tiếng nói bản nguyên, những lời nói thật ngày một thay đổi, ít dần.

Trên khắp các đô thị toàn cầu, âm thanh, tiếng ồn chủ yếu từ động cơ vận chuyển, dây chuyền công nghiệp, các thiết bị, tiện nghi và thoại của người. Thăng Long - Hà Nội là kinh thành cổ, song mới được người Pháp kiến trúc đô thị gần 1,5 thế kỷ. Theo GS Trần Quốc Vượng, Thủ đô ta như cái làng lớn. Ông quát luận thế từ hàng chục năm trước, nay càng đúng, khi Hà Nội bao trọn Hà Tây. Tập quán sinh hoạt, đi lại, thói quen và tiếng rao biểu lộ bộ mặt đô thị thường nhật. Từ những tiếng rao, tôi nghĩ về giọng người. 20 năm trước, chú bưu tá khu nhà tôi vẫn đạp xe, gọi tên trước cổng: “Ra lấy thư này!”. Mấy năm nay, bưu tá toàn thanh niên, chạy xe máy, chẳng nói gì, cứ thả thư báo vào sân, trừ lúc cần chữ ký thư bảo đảm. Trước kia, nhiều người bán hàng rong, làm công việc thủ công hơn. Hễ tháng Chạp mới có tiếng đàn ông: “Mài dao kéo đi!”, “Ai đánh verni giường tủ bàn ghế nào!”. Rượu nếp, bánh đa kê, bánh đúc lạc - mấy thứ quà quê xưa có hàng rao, nay ngồi chợ cóc, hoặc xe đạp rong buộc biển trưng khỏi cần lời cân sức khỏe, keo dính chuột, tạp hóa phát băng quảng cáo thu sẵn, giọng líu lô, xôi lạc, bánh đúc, bánh mì ban đêm đều phát loa. Tiếng rao bền bỉ hằng ngày, chỉ là cô, chị, em ”đồng nát”. Đôi lúc đi đường Láng, lại có cậu choai lao ra “chặn xe” mời mọc đống trái cây để vỉa hè: “Sòi Nha Trang (Xoài Nha Trang) chị ơi!” làm tôi nhớ tiếng cô đồng nát quen: “Ai séc (sách) báo cũ bán đơi!”.

Tiếng nói, dấu hiệu nhận biết xuất xứ, nguyên quán, bị biến đổi theo quá trình di dân. Trên phạm vi quốc tế, tiếng Anh của người Anh, người Mỹ, người Úc phát âm khác nhau. Tiếng Pháp Paris thanh thoát, ở Marseille (thành phố cảng biển miền nam) thì nặng thổ âm, âm sắc, phương ngữ đặc thù bản quán mất dần, thậm chí mất hẳn khi dân nhập cư hòa nhập môi trường mới. Người ta cố “chống xâm thực đô thị” bằng việc hồi phục tiếng gốc khi gặp đồng hương, về quê. Quê nào cũng có hội đồng hương, mà khó lập “Hội đồng hương Hà Nội”.

Ngôn ngữ biến đổi, chuyển động, du nhập, gọi là sinh ngữ. Có một số thứ ngôn ngữ ít người sử dụng, bị “chết” hoặc quên lãng. Tiếng nói tiết lộ sinh quán có thể đổi thay. Song cách nói phản ánh tính cách, chất mỗi người, cao hơn, việc sử dụng ngôn ngữ thể hiện đẳng cấp văn hóa, giai tầng xã hội.

Thời “thế giới phẳng”, công nghệ IT toàn cầu, người ta có nhiều cách nói với nhau, không cần duy nhất phát âm lời “nói” bằng tin nhắn (message) điện thoại, chat... Ngôn ngữ sinh hoạt, khẩu ngữ vỉa hè tiếng nói của đám trẻ, dân chơi đường phố bắt đầu lấn vào báo in, văn chương và cả phát ngôn của các nhân vật tên tuổi của một số lĩnh vực.

Có phải loài người ngày càng ít lời nói thật? Từ thuở chế ra mũi tên đá, đồng đến mũi tên theo ngón trỏ bấm chuột máy tính, nhân loại đã tiến hóa, tiến bộ nhảy vọt. Từ bảy loại hình nghệ thuật cơ bản, lại có rất nhiều nghệ thuật sinh ra. Trong nghệ thuật ngoại giao, giao tiếp hội thoại quan trọng hàng đầu. Con người tôn trọng sự thật, số đông không phải luôn “chịu được” sự thật, nên mới có nghệ thuật thuyết khách, kỹ nghệ truyền thông và “chiến thuật” ngôn từ, mới cần nhắc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, rằng “người khôn ăn nói nửa chừng”. Đời phức tạp lắm thay, biết đâu thực sự là khôn là dại, thôi cứ sống thẳng ngay, lương thiện, dù chịu thiệt thòi. Một lời nói từ người có vị trí cao, quyền lực lớn, được ví có sức mạnh bằng một đội quân. Ý muốn của mỹ nhân hay được kẻ si tình chiều thành sự thật, chỉ bằng câu nũng nịu. Lời nói cho người ta vui sướng, thăng hoa, ủi an, kết nối, có thể khiến người kia chịu sỉ nhục, đau đớn thậm chí hủy hoại cuộc sống của mình. “Lời nói gói bạc”, “lời vàng ý ngọc”, “lời nói đọi máu”.

Sự ác hiểm, nọc độc trong tiếng người. Bao trí tuệ, tinh hoa, xúc cảm, sáng tạo đều có thể diễn đạt qua tiếng nói. Nghĩ - nói - viết không đồng nhất, âu đành chấp nhận lẽ thường. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, các giao diện, môi trường tiếp xúc khác nhau, rồi phải cân - lựa vô số hoàn cảnh, mục tiêu, tham vọng để nói, viết thế nào cho hiệu quả, nào ai cũng biết.

Đâu chỉ các tấm gương làm từ thủy tinh tráng thủy ngân mới có thể soi mặt người!

Nghe lời nói, cách nói, ai tinh tế sẽ hiểu được “tầm” của người đối thoại. Lại có nhiều thứ, loại ngôn ngữ không cần bằng lời, ngôn ngữ âm nhạc, âm thanh, ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ hình thể,... và ngôn ngữ của im lặng.

Vương quốc Anh có nhật báo Daily Mirror (Tấm gương), ra đời từ 1903, nay vẫn ăn khách. Nhân Dân là nhật báo vị thế quan trọng hàng đầu Việt Nam. Thời sự văn hóa, xã hội phản ánh mỗi ngày qua những tờ nhật trình nổi tiếng là những “tấm gương” đáng tin cậy. Lời của nhà báo, người viết là uy tín của mỗi tòa soạn. Chức năng và sứ mệnh đầu tiên của báo chí là đưa thông tin trung thực đến mọi người. Khi báo mạng, sách điện tử thành thế mạnh, tôi vẫn trọng báo in, những cuốn sách in và muốn duy trì chúng. Tôi tin có hàng tỷ người đồng cảm, muốn truyền tiếp hệ giá trị kinh điển, cổ điển, hay gần gũi hơn, là đọc sâu, lưu giữ sau khi những thông tin, bài viết được biên tập, kiểm soát bởi barrier đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và văn hóa.

Đạo diễn Ấn Độ Tarsem Sight vừa cho ra mắt bộ phim Mirror Mirror, ngôi sao điện ảnh Mỹ Julia Robert thủ vai hoàng hậu độc ác. Trong truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn, hoàng hậu thường soi gương và hỏi: “Ai đẹp nhất trần?”. Gương thần biết nói tiếng người,vẫn là gương phản chiếu sự thật: “Ngày xưa bà đẹp nhất trần/ Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn”. Con người thích khen, thích lời ngọt ngào có cánh, như hoàng hậu kia cứ soi gương khắc biết bà đẹp mức nào, vẫn cần gương nói dối. Chẳng khác thực tế, đám háo danh, thích phỉnh, bất tài hay ngộ nhận, hào hứng nghe khen nịnh và nghiện tự khen mình. Lại có kẻ dùng lời nói để khích bác, kích động mâu thuẫn, chiến tranh, thù hận.

Những tấm gương ấy, lộ ra thói tật, nhân cách mỗi người. Nói chuyện, đối thoại, giao lưu trực tiếp luôn truyền cảm dù ở thái cực nào. Đối diện để nhìn thẳng mắt nhau, để tiếp nhận sự thật xúc cảm, tâm trạng của nhau.

Soi vào mắt nhau, những đôi mắt trong, ta thấy nhiều điều thú vị, đáng yêu vượt khỏi một gương mặt đối diện.

Gương mặt cho ta tự thấy mình.

Một tiếng ân tình, lời âu yếm, chỉ bảo lưu trong ký ức, cho ta nhớ về những con người - kỷ niệm. Gương - lời hiện ra chuỗi chân dung, từng gương mặt. Có những chân dung trẻ mãi, bất tử trong tâm hồn ta; có những bộ mặt, cái tên khuất chìm, bị xóa.

... Một hôm loài người ngừng lời, chỉ nói bằng mắt, mắt lương thiện, chan hòa, mắt chia sẻ, trìu mến, tin cậy yêu thương.

Chỉ có âm nhạc, tiếng gió, lá hoa quấn quýt nhau.

Lời thành âm vọng dịu êm

Ngày ấy - cổ tích tương lai - một tưởng tượng êm dịu.

Tôi ước mơ có ngày nhân loại dành cho nhau những gương - lời trong sáng, nhân hậu, thật thà, chỉ trong một tiếng ấy, thành “giờ trái đất”, “giờ hòa bình”. Có ngày ấy không? Bằng lăng bùng tím, phượng rừng rực đỏ. Lời tháng Năm là màu hoa, tiếng ve.

Lời trong ý nghĩ là âm bản chân dung mỗi con người.