Trong xóm nhỏ Chi Lăng
Giờ này yên ả quá
Tôi ngồi bên ổ rạ
Rút từng bó rơm vàng
Và thả xuống cầu thang
Cho bò ăn thêm nữa
Bóng trăng in lổ đổ
Qua kẽ liếp sàn nhà
Thả những ngôi sao nhỏ
Lên lưng chú bê vàng
Có ai đó dịu dàng
Nhìn tôi qua cửa sổ
Chợt thấy tôi bỡ ngỡ
Em ngoảnh nhìn ánh trăng...
Nguyễn Đình Chiến
Bài thơ đọc thoáng qua, chẳng thấy có gì. Mà đọc kỹ, ngẫm kỹ cũng vẫn thấy... chẳng có gì. Mấy lò thuốc lá tỏa khói, và cái chuyện cho bò nhai rơm thì có gì mà hay ho và hấp dẫn? Đã thế Nguyễn Đình Chiến lại kể bằng những lời mộc mạc nôm na:
Trong xóm nhỏ Chi Lăng
Giờ này yên ả quá
Đấy là câu nói cửa miệng. Một lối nói thông thống không có ngôn ngữ và hình tượng thơ ca. Nhưng cái đáng biểu dương, cái đáng khích lệ của tác giả ở bài thơ này là anh đã lấy “nước lã mà vã nên hồ”. Một chút khói, một ít sương và một cặp trai gái mới lớn trong xóm núi. Chỉ có thế mà tác giả đã dựng được một bức tranh lụa khá huyền ảo. Đó là bức tranh thiên nhiên. Ở đây, trăng lồng lộng ngự trị ôm trùm cả trời đất. Nhưng trăng lại bị con người quên lãng. Chính tác giả cũng quên, nên anh chẳng dành cho nó một câu thơ nào thật sự có sức nặng nghệ thuật. Các nhân vật trong bài thơ cũng thế. Cô gái ngắm trăng mà không để ý đến trăng. Ấy là khi cô phát hiện ra mình đã lớn. Còn chàng trai thì lại lơ đễnh, ngốc nghếch đến nỗi chẳng biết có vầng trăng vằng vặc trên trời, cả vầng trăng lồng lộng dưới đất, ngay bên trong khung cửa sổ kia, lại say mê, đắm đuối ngắm trăng ở... lưng bò.
Nhưng ai bảo đây không phải là bức tranh lụa đẹp? Chí ít, nó cũng làm ta yêu những giây phút thanh bình, những cảnh vật dung dị ở nơi thôn dã. Nếu hiểu như thế thì sự tĩnh lặng của Chi Lăng, một vùng chiến trường đẫm máu xưa kia tự thân nó đã có một ý nghĩa. Nhưng bài thơ không đi theo hướng này. Và như thế, Chi Lăng thành cái tên vu vơ, có thể thay bằng bất cứ địa danh nào khác. Bài thơ khá tiêu biểu theo phong cách Nguyễn Đình Chiến, một tác giả từng đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ. Thơ Chiến giản dị, mộc mạc, có khi mộc mạc đến nôm na. Anh không chuộng lạ, cũng không quan tâm đến việc cách tân hình thức thơ. Anh cũng chẳng muốn bạn đọc phải giật mình sửng sốt vì ý tưởng táo bạo hay ở tài nghệ thao tác cấu tứ. Thơ anh viết tự nhiên. Câu trước gọi câu sau. Bài thơ hết thì tự nó kết thúc. Đọc thơ Nguyễn Đình Chiến, có cảm giác như đi trong một vùng sáng bàng bạc. Đó là ánh trăng suông mềm mại, dịu dàng, chẳng biết nó tỏa ra từ đâu và kết thúc ở đâu? Ở làn sương tím giăng trên cánh đồng hay ở những ngọn khói xanh vờn trên mấy lò thuốc lá? Chịu! Ta chỉ biết ta đang bình thản đi với nhịp tim đập cũng bình thản. Chung quanh ta là những đường nét nhờ nhờ nhàn nhạt như trong chiêm bao. Nhưng ai dám bảo đấy không phải là một dạng ánh sáng?