Có dáng hình, vọng từ xưa, tháng Mười Một

NDO - Kính tặng thầy Phi Công Việt Mùa mưa năm nay dứt sớm hơn thường lệ. Đã nửa tháng rồi, Sài Gòn khô và nóng như những ngày sau Tết, đầu năm. Có lẽ năm nay là năm nhuận nên mùa khô đã về ngay từ cữ mới chuyển sang tháng Mười Một. Nghe đâu miền tây năm nay không có lũ. Người miền tây chắc buồn nhiều. Lũ về thì nhiều tôm, lắm cá và sau mùa lũ kéo qua, đất đai mới lấy lại được vẻ mơn mởn phì nhiêu. Còn ở ngoài bắc thì cơn bão mới kéo qua, nghe kể Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định dính bão nặng nhất. Có mấy khi bão về vào độ cuối năm như thế này? Phải chăng, cơn bão cuối luôn là cơn bão bất ngờ nhất, nguy hiểm nhất? Thật lạ, ở nơi này thì lũ đồng nghĩa với no mà ở nơi kia, bão lũ về khác nào thảm họa.
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG

Tôi không hình dung nổi bây giờ đang là tháng Mười Một trong cái không khí khô nóng bất thường như thế giữa lòng Sài Gòn. Chỉ có đúng một chút chạng vạng hoàng hôn là đủ kéo tôi về với thực tại thời gian nhất. Chỉ độ năm rưỡi chiều là trời Sài Gòn đã sập tối. Lúc ấy, cái câu “ngày tháng Mười chưa cười đã tối” mới khiến tôi nhớ ra rằng bây giờ đang là cuối năm, là tháng Mười Một, tháng của sự rậm rịch bắt đầu vào mùa Lễ...

Sớm nay, tỉnh dậy, tôi ngồi bên ô cửa sổ uống ly espresso tự mình pha lấy và ngắm nhìn hai cây ớt Arab mới lên mầm mà mình đã cất công gieo trồng, tưới tắm. Trong tiếng nhạc khắc khoải của Damien Rice lấp kín căn phòng nhỏ, tôi chợt cảm nhận được cảm giác của cái lạnh se và ẩm ướt của những ngày cuối năm xa xôi phương bắc. Gã trai Ireland ấy viết những khúc troubadour buồn đến não nề và chúng luôn làm tôi hình dung ra những góc phố xam xám buồn, vắng lặng của một nơi nào đó giữa ngoại ô Dublin của hắn, nơi mà những cậu trai không nhìn thấy một tương lai nào sáng sủa. Chúng ngồi đó, trên những bờ tường cũ, tay cầm những chiếc mũ quăn queo, với những câu chuyện về cuộc đời buồn của người cha như một ám ảnh lên số phận không rõ ràng của chúng. Chúng ngồi đó, nhìn thời gian trôi qua trên từng nếp nhăn của mẹ, nhìn thời gian trôi qua trên từng khuôn ngực gầy, nhìn thời gian trôi qua trên từng vóc dáng ngày một còm cõi hơn của người bạn đồng niên qua ô cửa sổ... Tất cả đều chỉ là tưởng tượng của riêng tôi, nhờ vào những hình ảnh của những khúc troubadour của Damien Rice đã ngấm vào từng giọt máu của tôi cả chục năm nay rồi. Và khi chợt nghe Damien Rice ngân lên “Và tôi tìm về với người bạn Eskimo của mình mỗi khi thất vọng nhất”, tất cả những kỷ niệm tháng Mười Một ùa về quanh tôi, khiến đôi mắt tôi sẫm lại không còn thấy trời Sài Gòn nhiều nắng nữa. Chỉ còn lại sự uể oải của một ngày mùa đông mới chớm, sự uể oải của những gian phòng không tối sầm, sự uể oải của một không gian mầu xám trên những con phố vắng người trải đầy lá sấu rụng, sự uể oải của hơn 20 năm trước, ngày Hà Nội chưa sầm uất như bây giờ, ngày mà những góc vườn hoa của mỗi chiều tôi cùng lũ bạn đốt những đống lửa nhỏ hong tay, nghịch phá, ngày của tuổi thơ tôi, ngày của một thời trẻ trai tôi nữa, khi mới tập tành trở thành người lớn, chiều trốn học cùng bạn bè tụ tập nói chuyện giang hồ vặt vãnh, chuyện yêu đương học đường bâng quơ...

Tháng Mười Một, mùa bắt đầu lạnh, chúng tôi hay đến thăm thầy cô trong một ngày gần cuối tháng. Lúc còn bé thì rủ nhau đi bộ, xa mấy cũng đi, đi thành đoàn, đi cả lớp đông vui. Lớn chút rồi thì đạp xe chở nhau đi, đi theo nhóm, nhóm nào thân nhau thì đi cùng nhau. Những tình cảm không nằm trong những viếng thăm ấy và tôi nghĩ các thầy, các cô chắc cũng hiểu thừa lũ “ma” chúng tôi nghĩ gì. Nhưng sau này, lớn rồi, khi không còn được đi học nữa, khi bị cuộc đời nó dạy dỗ lên xuống cho vài lần với cái tấm áo mưu sinh mà nó khoác lên mình, tôi mới biết thật ra tình cảm của chúng tôi với đặc biệt một vài thầy cô nào đó rất lớn mà với tôi, thầy Việt, người thầy của ba năm cấp trung học là ấn tượng nhất. Và cũng thành lệ từ đó, ngày của thầy chúng tôi không nhất thiết phải ghé thăm nữa mà có khi chỉ cần gọi điện cho thầy là đủ. Đơn giản, chúng tôi có thể thăm thầy quanh năm, bất kỳ lúc nào chúng tôi muốn, nhà thầy luôn rộng cửa cho lớp chúng tôi, lớp cuối cùng thầy làm chủ nhiệm trước khi thầy rời bục giảng để về làm một công việc khác mà tôi đoán chắc thầy không hề thích nó bằng việc đứng đó, trước một lũ nhí nhố như chúng tôi, với đầy đủ những cáu giận, nghiêm khắc, hân hoan, hiền từ và độ lượng như những ngày xa nào...

Tôi không bao giờ quên cũng một ngày tháng Mười Một, năm tôi học lớp Mười Một. Buổi ấy tôi mắc bạo bệnh và qụy ngã ngay trong giờ học đầu. Cái dáng thầy nhỏ bé đạp xe chở tôi về trên chiếc xe Eska cũ kỹ vẫn còn rõ mồn một đâu đây. Tôi nhận ra sự hiền từ của thầy từ ngày ấy và những khoảng cách xa vời giữa thầy với trò cũng đã bị rút gọn lại từ ngày ấy. Tôi đã cởi mở hơn với thầy, bắt đầu biết để ý và quan tâm đến những điều thầy nói cũng từ ngày ấy. Đến bây giờ, ngồi cà kê với chúng bạn, tất cả chúng tôi đều phải thừa nhận rằng phương pháp của thầy không phù hợp với môi trường giáo dục ngày đó và nó chính là lý do đẩy thầy xa khỏi bục giảng. Nhưng chính cách thầy dạy chúng tôi đã biến cả lớp chúng tôi thành những người tử tế. Có thể chúng tôi chẳng thành đạt huy hoàng như ai nhưng là người tử tế còn khó hơn là người thành đạt. Và đã có lần, bọn tôi rơm rớm nước mắt khi nghe người bảo vệ già của trường cũ kể lại, có những ngày, khi mới xa bục giảng, thầy nhớ không khí của trường, quay về, chỉ để nghe tiếng trống tan buổi trưa...

Thầy bây giờ đã yếu nhiều rồi. Tết năm vừa rồi về thăm thầy, thấy chân thầy tập tễnh vì gãy xương do tai nạn giao thông, nhìn dáng thầy chầm chậm đi lấy rượu cho chúng tôi uống, anh em tôi mới thấy chính mình đã già. Tuổi trẻ không còn ở lại nữa. Chúng tôi đã ở cái tuổi mà ngày đó, thầy bắt đầu những viên gạch đầu tiên để dạy chúng tôi làm người tử tế. Con trai thầy ngày ấy còn bé xíu và bây giờ nó cũng đã trở thành một người tử tế nhờ một thầy giáo nào khác. Ôi, cuộc đời là những chuyến đò đi luân phiên và chuyển tiếp nhau không vết đứt nhưng cũng không vạch nối. Nó vô hình, như khuôn mặt thầy tôi đã nhiều nếp nhăn, như tóc chúng tôi đã điểm mầu những sợi bạc, như chén rượu thầy châm đầy rồi lại vơi, như những bàn chân đi mỗi ngày mỗi chậm lại. Chỉ có nụ cười của thầy là vẫn thế, hồn hậu. Chỉ có đôi mắt thầy là vẫn thế, ánh lên những ánh sáng dí dỏm và nhiều hy vọng. Chỉ có cách thầy gọi chúng tôi một cách thân tình “thằng này, thằng kia, chúng mày dạo này thế nào?” là vẫn thế. Và cả căn nhà nhỏ của thầy nữa, nó cũng vẫn vậy; rất ấm, rất gần gụi, rất thân quen như thể mấy chục năm rồi nó chẳng đổi thay gì bất chấp mỗi lần chúng tôi đến chơi, bản thân chúng tôi đã khác đi rất nhiều vì sự trượt đi của thời gian quá mạnh...

Tháng Mười Một này tôi không về thăm thầy được như mọi tháng Mười Một khác nhưng điều đó không có gì phải khiến tôi băn khoăn vương vấn cả. Tôi biết, ở một ngày khác, một tháng khác, một mùa nào khác, khi tôi bước chân lên ngưỡng cửa của căn phòng nho nhỏ ấy, thầy sẽ vẫn rạng rỡ đứng đó nhìn tôi, như thể đó chính là tháng Mười Một của 20 năm trước, như thể đó chính là tháng Mười Một của hôm nay đây, như thể đó chính là thầy và tôi, giữa giảng đường, đối diện nhau bất chấp biên độ nghiệt ngã nào của thời gian vây quanh...