Một sớm mai thả bộ trên phố cổ, bỗng cơn gió ào tới, lá từ dưới đất cuộn lên, lá từ trời cao lững lờ buông xuống. Cây đang trút bỏ bộ cánh mùa đông để đón những chồi xuân rạo rực. Đó là khoảnh khắc non mềm hiển lộ hình hài tận hiến. Bất chợt trong đầu, những câu thơ Chu Hoạch lại vang lên. Ơ-rê-ca, không lẽ chính là nó?
Nếu bạn để ý quan sát nhiều hàng cây trên lề đường Hà Nội hẳn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy những hình cong queo vặn vẹo đến nhức mắt. Đây là di chứng của các cuộc đại phẫu hằng năm trước mùa mưa bão, người ta lê máy cưa xoèn xoẹt tất cả chỗ nào thấy cần phải cắt. Bởi nếu không cắt bớt cành thì gió giật sẽ làm đổ cây (từng gây nhiều tai nạn thương tâm). Nhưng tại sao cây cứ nhăm nhăm đổ kềnh ra giữa đường chứ không phải chỗ khác. Bởi vì đường đã đè lên một nửa bộ rễ cây, nên người khổng lồ khi mất thăng bằng sẽ luôn ngã về phía bên chân yếu. Nếu bạn nghe ai đó giải thích sự yếu ớt của loài cây rễ chùm thì hãy ghé qua đường Phạm Văn Đồng, quãng gần công viên Hòa Bình, những hàng cây xà cừ cổ thụ khi có đủ đất bám rễ sẽ không cần phải tỉa bớt cành la, cành bổng vẫn trụ vững xanh tươi qua tất cả các mùa bão giông. Bị đường ghè chân đã đành, cây còn bị nhà dân hai bên o ép đến chẳng còn đất sống nếu không vươn... ra giữa đường. Chẳng đi đâu xa, cứ tới phố Hàng Mành sẽ thấy. Chữ hom hem thì ra vẫn là cách nói nhẹ đi của nhà thơ, chứ thẳng thừng phải gọi là những giống loài dị tật! Sự dị tật do con người gây ra. Đã thế, nhiều hàng cây còn gồng gánh trên mình nào dây điện, bóng đèn, đinh, biển quảng cáo chằng chịt... Thưa các nhà quản lý đô thị, quy hoạch, kiến trúc và cư dân Tràng An thanh lịch, những hàng cây thủ đô và chính thủ đô của chúng ta sẽ phải chịu xấu xí thế này đến bao giờ?
Vào những ngày cuối cùng trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống hòn đảo Hiroshima (Nhật Bản). Trong vùng hủy diệt, không thứ gì có thể tồn tại, trừ loài cây bạch quả. Và suốt nhiều chục năm ròng, một “bác sĩ” nông học trẻ, bây giờ có lẽ đã trở thành cụ già ngoài chín mươi vẫn hằng ngày chăm sóc, khám, chữa bệnh cho cây. Sáu trong số những cây bạch quả đó còn sống đến ngày nay. Cây được đối xử như con người, như biểu tượng của sự kiên cường mãnh liệt nhân văn.
Thành ngữ cổ có câu “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” (mười năm trồng cây, trăm năm trồng người). Nghĩa rộng muốn nói tới việc nuôi dưỡng, bồi đắp nhân tài là kế sách của cả trăm năm, không bao giờ được coi nhẹ. Trong thời đại ngày nay, khi môi trường trở thành vấn đề toàn cầu thì việc “thụ mộc”, “thụ nhân” cần phải coi trọng như nhau, thậm chí còn hơn. Bởi con người đã, đang và sẽ phải trả những cái giá khủng khiếp từ thảm họa môi trường. Có một nhà văn tôi không nhớ tên đã viết đại ý rằng, đời người ta làm gì thì làm, nhưng có một việc không thể bỏ trước khi từ giã cuộc sống này, đó là hãy trồng một cái cây. Trong rất nhiều hữu hạn của thế gian, có lẽ mầu xanh của cây luôn trường tồn và tiếp sức cho sự sống. Vì thế người ta bảo, cây cũng có linh hồn và biết buồn, vui.
Nhân một mùa cây thay lá mà bàn lan sang những chuyện to tát thế này có phải là người đa sự không, bạn trả lời giùm tôi nhé! Chỉ xin đừng quên rằng, trong ký ức nhiều chục năm trước, mùa này Hà Nội luôn đẹp ngỡ ngàng.