Ngay từ khi hoa mai, hoa đào còn đang ở dưới gốc cây, chưa mò lên đến cành, các nghệ sĩ đã lên kế hoạch khẩn cấp mừng xuân, đón xuân và kinh doanh xuân.
Đầu tiên là đón các giải thưởng. Chả ai bảo ai, chả có cơ quan, ban, ngành nào ra luật lệ, tự nhiên các giải thưởng cứ ào ào nhè gần Xuân mới ra đời. Nghệ sĩ có tiếng tăm thì giải thưởng chất đầy trên bàn, không còn chỗ treo, thậm chí còn phải cất dưới gầm giường. Những nghệ sĩ trẻ đang lên, vớ được giải như trẻ con vớ được bánh kẹo, cười khoe hàm răng cạnh cúp giả vàng lấp lánh.
Ở đâu có giải thưởng, ở đó có cãi cọ, giận dỗi, nói xấu nhau và nói xấu những người trao giải. Cho nên không khí báo chí có dịp rộn ràng, các bài nói qua nói lại ra vào tấp nập như trảy hội.
Tất cả những ai chỉ cần ở trong "sô bít" mười ngày cũng hiểu nhiệm vụ cao cả của mình là phải chủ động mang xuân đến mọi nhà dù chủ nhà có mời hay không. Xuân cứ nên xộc thẳng vào, không cần gõ cửa. Hậu quả là từ tháng Mười trở đi, nghệ sĩ thi nhau ra các đĩa tấu hài, đĩa ca nhạc mừng xuân, nếu thực phẩm có rau nào sâu nấy thì mùa xuân theo nguyên tắc đơn giản, năm con gì ăn thịt con ấy. Thí dụ, năm nay chắc chắn con ngựa sẽ lên mâm hoặc lên thớt, bài "lý ngựa ô" không mở đầu thì chắc chắn cũng kết thúc một chương trình băng đĩa lậu.
Băng đĩa mừng xuân gần như một món không thể thiếu cho mọi gia đình, nên mọi thành phần "sô bít" đều cố hết sức tham gia để mấy ngày Tết len lỏi vào từng nhà. Nếu có chẳng may vì lý do gì không xuất hiện cũng đừng quá tuyệt vọng, vì các đầu nậu băng đĩa có khả năng xào xáo phi thường, gom những tiết mục từ xuân... kiếp trước trộn đều lên, rắc thêm vài câu chúc tụng là một đĩa mới ra đời. Bà con mua phải tuy hơi bực mình nhưng cũng chẳng kêu ca.
Không hẹn mà nên, trước Tết nửa tháng, các xe đẩy bán băng đĩa, như những con thuyền chở đầy văn hóa thập cẩm giương buồm đẩy bằng chân đi vào từng con hẻm nhỏ, mở nhạc xuân tưng bừng hoa lá khiến tất cả những ai có chút tâm hồn, ngồi trong căn nhà nhỏ đang nhai một đĩa cơm nhỏ chợt thấy nhói một cái sau đó thấy thổn thức trong lòng.
Dân hôm nay, dù còn đói nghèo, vẫn biết chơi Tết quan trọng hơn ăn Tết, mà chơi có nghĩa là xem. Một "sô bít" thành danh đều nhìn vào lịch diễn Tết của mình và của người khác để biết nhiệt độ văn hóa và để biết mình hiện "hót" hay không. Các ngôi sao đích thực ba ngày Tết diễn không kịp thở, từ sân khấu chuyển thẳng đến bệnh viện truyền nước biển sau đó lại từ bệnh viện mò lên sân khấu đến kiệt sức nhưng kỳ lạ thay chưa ai lìa đời, rõ ràng sức xuân cho mỗi người vô tận. Nghệ sĩ hẩm hiu nhất là nghệ sĩ bình yên ăn Tết ở nhà. Nghệ sĩ trứ danh tối giao thừa hát ở Cà Mau, chiều mồng Một hát ở Sài Gòn, tối mồng Một hát ở Phan Thiết, chiều mồng Hai thều thào ở Hà Nội, còn tối thở không ra hơi ở Hải Phòng, như thế mới chính cống là xuân.
Tất cả "sô bít" đều diễn trên sân khấu, diễn trong nhà và diễn trên báo chí. Do đó ai cũng thông báo xuân này chỉ dành cho sum họp người thân, bằng chứng là mua hoa, mua bánh mứt đầy nhà chụp ảnh có thắp hương, có khấn vái sì sụp thành kính, nhưng hở ra là tót lên sân khấu hoặc lên truyền hình, vợ con cứ việc ôm bánh chưng ăn đến sưng cả bụng.
Kìa, mùa xuân đến rồi. Mở màn ảnh nhỏ, tỉnh nào cũng có Táo quân tỉnh ấy, tuy ai cũng chán Táo nhưng ai cũng xơi Táo như xơi tái. Nhiều nghệ sĩ đóng Táo cả chục năm bất ngờ không đóng nữa hoặc chuyển sang đóng Cam, đóng Bưởi khiến bà con ngơ ngác hoặc thở phào. Biết đâu đằng sau những vai diễn đó có cả đống chuyện lôi thôi.
Ở đâu chả biết, chứ ở Sài Gòn, cách chơi Tết chủ yếu của bà con "sô bít" là đánh bài và tụ tập nhà nhau, mồng Một nhà ai, mồng Hai nhà ai và mồng Ba cho tới mồng Năm nhà đứa nào đã lên lịch từ nghìn năm trước. Hàng xóm được một phen chỉ trỏ, ngưỡng mộ, chủ nhà được một phen vênh váo khi các ngôi sao đi xe ầm ầm đậu trước cửa nhà ta, khệnh khạng bước xuống. Mâm cỗ bày ra, trăm lần như một, có rượu, có bánh chưng, thịt gà, củ kiệu, nem rán, nếu nghệ sĩ vừa diễn ở Tây thì thêm sô-cô-la
và kẹo cao-su. Ăn là phụ, uống là chính, chơi bài còn chính hơn nữa, thắng thua vài chục triệu là chuyện nhỏ nhoi, khi hát một bài cũng vài chục triệu.
"Chạy sô" là danh từ mọi "sô bít" ngày Tết khắc sâu vào tim. Những ngày xuân, sân khấu có ca nhạc, phòng trà có ca nhạc, vườn hoa có ca nhạc và hội chợ càng có ca nhạc. Ngôi sao hát kiểu ngôi sao, mặt trời hát kiểu mặt trời, đom đóm hát kiểu đom đóm, ai cũng cố sức "cày", không phải do quá ham tiền mà cái chính là ham có nhiều khán giả biết mình.
Trong các kiểu người chơi xuân, đi lại mừng xuân, chen chúc ngoài đường chắc chắn đang có anh hay chị "sô bít" hớt hải "chạy sô". Ô-tô gần như kẹt cứng nên đại ngôi sao cũng ngồi xe ôm cho đàn em chở, cũng đội mũ bảo hiểm méo mó cười nhăn nhó như ai. Nếu có gì giống nhau thì hầu như tất cả nghệ sĩ đều mê tín, dù có bận đến mấy cũng không dám bỏ viếng chùa. Vào mồng Một, mặt mũi phờ phạc vì hát suốt đêm, nhưng sáng vẫn thất thểu bước sau con heo quay to như con voi hoặc vác những que nhang dài như cây gậy lên chùa thành kính chắp tay, nom cực kỳ trẻ con và dễ thương.
Tin nhắn có dịp tràn lan. Nếu mỗi tin nhắn nhỏ như hạt bụi thì chắc chắn nhiều bà con chết ngạt vì nó bay lơ lửng khắp ngày xuân. "Sô bít" chúc nhau đủ mọi thứ, và không khi nào chúc vi phạm để bị phạt cấm diễn.
Kìa, Xuân đã về. "Sô bít" chạy ào vào hội trường, vừa thay quần áo chuẩn bị ra cánh gà, vừa thò cổ ra chúc nhau "một đóa xuân ngời" trong khi đang xỏ quần vào chân.
Tất cả “sô bít” đều diễn trên sân khấu, diễn trong nhà và diễn trên báo chí. |