Nước kiệu ngày Xuân

Nước kiệu, nước đại là tốc độ, chuyển động của ngựa, loài vật có đóng góp, chia sẻ nhiều mặt cho cuộc sống con người. Tết cổ truyền là dịp để chúng ta sống chậm. Sao không bắt đầu “nước kiệu” từ ý nghĩ của mình?

Minh họa: Nguyễn Thị Hiền
Minh họa: Nguyễn Thị Hiền

Cuối năm dương lịch hay nguyệt lịch đều là thời điểm bận rộn, việc dồn. Áp Tết là áp lực “định kỳ” của mua sắm, sửa sang, thăm mồ mả. Làm nhiều, đi nhiều, sự hối hả ấy cốt để dịp Tết được “sống chậm” với gia đình, họ hàng, bè bạn. Khu phố cổ trung tâm Thủ đô hay tắc tứ mùa, vì đường hẹp người đông, đã có không khí Tết từ cuối tháng 11 âm lịch ta.

“Lõi” thành Thăng Long là những phố tên “Hàng”. Trên phố Hàng Buồm thuở xưa bán vải buồm vì kề sông, thời hiện đại kinh doanh bánh kẹo mứt, heo - ngỗng quay nổi tiếng, có hai địa chỉ đáng chú ý: Số 19 - trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và số 76, đền Bạch Mã - đền duy nhất ở Hà Nội thờ Ngựa. Thần Ngựa trắng này được coi là Thành hoàng làng. Gần đó, trên phố nhỏ Hàng Giầy, có một tượng ngựa đá trong ngõ bên dãy chẵn. Con ngựa này đã ám khói bụi, sau vài chục năm ngõ được gia đình nghệ sĩ Phạm Bằng trưng dụng làm chỗ đun nấu và bày biện bán “lục tàu xá, chí mà phù”, ngựa bị đặt lên lưng nào rổ, chậu; bị tựa, bị kê đồ đến sứt sẹo. Làm ngựa đá vẫn còn khổ, nói gì đến ngựa sống!

Ngựa ở Việt Nam, ngoài vài con trong vườn Bách thú an nhàn, hầu hết bị khai thác sức kéo đến kiệt lực. Những con ngựa vùng cao chật vật thồ hàng, leo dốc, những con ngựa đồng bằng ì ạch kéo xe gạch. Ngựa là nguồn sợi sống như thành viên của gia đình vùng cao. Chúng tải việc nặng, chung lưng san sẻ cô đơn, vất vả, âu lo với chủ. Đa số chúng đều gày còm, bộ dạng mệt mỏi, buồn bã. Những cô gái buộc tóc đuôi ngựa dửng dưng đi qua con ngựa gày nhẫn nhục xác xơ đuôi.

Đạo diễn Việt làm phim lịch sử “trốn” đại cảnh vì không có ngựa cường tráng. Nếu có cảnh chỉ huy, thủ lĩnh nào cưỡi ngựa xuất hiện trên màn ảnh lớn nhỏ, thì cứ “gây cười” ngoài ý muốn, bởi ngựa còi thảm hại, chạy xiêu vẹo, phi lon ton.

Ngựa châu Âu ở chuồng trại, được chăm sóc ăn, ngủ đầy đủ, được sưởi ấm và ngủ đệm cỏ mùa đông, tắm rửa, chải lông do điều kiện vật chất và từ văn hóa yêu thiên nhiên, loài vật của người xứ sở này. Ngựa nuôi làm cảnh, để cưỡi dạo, đi săn, để đua hay làm du lịch, đều không bị đánh đập, hành hạ. Tôi ấn tượng giống ngựa to lớn, bờm lông đen mượt, đứng trước cỗ xe cổ ở lâu đài Chambord danh tiếng bên sông Loire (Pháp). Bao du khách khắp thế giới đến đây, chụp ảnh riêng, chung với tuấn mã. Alexandre 3, cầu đẹp nhất Paris, cột trụ đầu cầu là điêu khắc thiên thần cưỡi ngựa vàng có cánh, toàn thân dát vàng. Ngựa cùng Napoléon chinh phạt châu Âu sang Ai Cập, ngựa cùng ông vào tranh trong Bảo tàng Louvre, Cung điện Versailles.

Ngựa vào nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc ở châu Âu rất nhiều, và còn được tôn vinh: Thần Nhân mã (đầu người mình ngựa).

Ở Việt Nam, ngựa xông pha trận mạc trong lịch sử, ngựa dốc sức giúp con người trong đời sống, nhưng chúng chưa được đối xử xứng đáng, công bằng.

Trâu, bò, ngựa vừa lấy sức kéo, vừa để thịt. Ngựa dùng để nấu cao, ngựa bị cho vào nồi thắng cố, thứ lẩu xương đặc sản của người Hmông, dù ngựa mật thiết với dân tộc Hmông truyền kiếp. Ngựa lầm lũi chịu đựng bị cưỡi, để kéo, thồ nặng nhọc, nên mới có ví von “thân trâu ngựa”. Nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) có truyện ngắn Người ngựa ngựa người (1931) về anh phu chân đất chốn Hà thành kéo xe tay chở người, hộc tốc bắt khách, chấp nhận giá rẻ, chạy rạc cẳng chiều 30 Tết cố kiếm chút tiền còm, vậy mà toàn bị các bà các cô ăn mặc đỏm dáng lừa quỵt tiền xe. Anh chỉ biết cay đắng ai oán cảnh trớ trêu.

Hình như duy nhất, chỉ trong truyền thuyết Thánh Gióng, ngựa được dân gian ghi nhận gián tiếp, có công.

Hệ thống huyền thoại, truyền thuyết Việt Nam thường tạo dựng nhân vật đặc biệt, có tính siêu thường, họ đều không có cha, được sinh ra một cách kỳ lạ. Gióng thụ thai do mẹ giẫm vào vết chân to ở ruộng. Còn ấu nhi, Gióng đã siêu phàm muốn đánh giặc, cả làng góp gạo, rau, cà, tép nuôi Gióng. Gióng lớn như thổi, cưỡi ngựa nhổ tre quật giặc Ân. Mỗi bước ngựa phi, vó nhấc lên để lại ao chuôm chằng chịt. Thắng giặc, anh hùng Gióng và ngựa về núi Sóc, rồi bay về trời.

Đền thờ lễ hội Gióng ở Sóc Sơn đã được công nhận di sản UNESCO. Tôi đã đến khu đền rộng và cổ kính ấy. Ngựa được thờ riêng và thờ cùng Thánh Gióng. Tượng đồng Thánh Gióng cưỡi ngựa tại bùng binh ngã sáu Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Trãi - Lý Tự Trọng giao giữa quận 1 và quận 3, TP Hồ Chí Minh, có từ trước 1975. Ở quận 11, trường đua Phú Thọ từ thời Pháp, nay hoàn toàn biến mất. Khu văn phòng, siêu thị cao cấp Parkson thay thế. Đua ngựa - môn thể thao được yêu thích ở châu Âu và Mỹ, đã vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, do người Pháp. Quần Ngựa may sao, vẫn còn tên, còn tồn tại ở Thủ đô, trên phố mang tên tác giả Quốc ca, dù nó không được dùng đua ngựa, mà thành sân vận động, thỉnh thoảng tổ chức sân khấu tạp kỹ, ca nhạc...

Loài cá biển hình đầu ngựa, tên cá ngựa. Những quân cờ hình đầu ngựa là trò chơi cá ngựa và dĩ nhiên, có “cá ngựa”, cá độ đua ngựa ở trường đua mà nài ngựa không quyết chí về đích với tinh thần thượng võ của kỵ sĩ, chỉ ham hố tiền thưởng, thúc giày vào hông ngựa và vụt roi không thương tiếc.

Ngựa tham gia và góp phần vào đời sống nhân loại theo tiến trình lịch sử. Từ công năng vận chuyển nhanh, ưu việt nhất của loài, ngựa bền bỉ làm “bưu tá” vận chuyển thư nhanh nhất. Thời nay, khi ô-tô, xe máy đã thành phương tiện phổ biến nhất, nhiều nơi vẫn phải dùng ngựa di chuyển vì không thể thay thế gì ưu việt hơn. Ngựa gan dạ, dũng mãnh trong chiến tranh và tận tụy thời bình, bằng tư chất thông minh, trung thành. “Khuyển mã chi tình”, ngựa, chó đều là loài vật khôn, giúp người, ngựa hội tụ nhiều ưu điểm hơn. Vũ khí của chúng là cặp chân, giận lắm thì đá hậu, bất kham thì lồng lên hất người cưỡi xuống. Vậy thôi, chúng cơ bản hiền, biết nghe, chịu khó.

Thế mà ở thế giới âm phủ, bọn “đầu trâu mặt ngựa” là lính của Diêm Vương, bắt lũ có tội trên dương gian, chịu hình phạt tra tấn, bỏ vạc dầu, đày xuống địa ngục.

Vẻ đẹp của ngựa, những chàng chăn ngựa đã vào nhiều tác phẩm đủ loại, nhất là trong các sáng tác về vùng miền núi Liên Xô trước kia, nơi giáp ranh Trung Á.

Cảm hứng nghệ thuật từ ngựa trong đời sống, hiển hiện nghệ thuật lâu dài. Trên hết, ngựa là một trong số ít loài mang phẩm tính nhân bản, thậm chí có lắm kẻ rõ ràng là “con người” mà không sống với nhau còn xa mới bằng “khuyển mã”.

Ngựa có thể khóc vì thương chủ, lao vào lửa đạn, chịu lạnh thấu xương, nhịn đói khát mà xả thân bằng sự tận trung. Bàn về thủy chung tình nghĩa, chắc nhiều người phải học loài ngựa. Ngựa bạch (trắng), ô (đen), hồng, nâu là điểm nhấn sinh động trong rừng, trên thảo nguyên, là niềm đam mê khiến Từ Bi Hồng trút thần bút, thành danh họa lớn.

Ngựa chứng kiến buồn vui, thanh bình, tao loạn của người. Xe song mã, tam mã, tứ mã lúc chậm, lúc nhanh ở các thời điểm khác nhau, do cách cầm cương điều khiển, đâu hùng hục tuân theo, ngựa có bộ não bén nhạy để sống có ích và không bao giờ phản chủ, phụ người tốt với mình. Dù có khi bị dồn phải thực hiện nhiệm vụ tra tấn “tứ mã phanh thây”, bị ách, bị cương không vùng thoát được, ngựa vẫn là con vật của hòa bình và nhân ái. Voi, chó, ngựa, khỉ là các loài biểu cảm bằng mắt rất tốt. Mơ hồ, tôi cảm nhận vô số cặp mắt ngựa hiện ra dưới mỗi chữ tôi viết. Mắt ngựa mở to buồn nhức nhối. Chúng hỏi tôi về tự do và yêu thương.

Tiếng vó ngựa dập dồn thức động quá khứ, tung vó thời gian. Ngựa giúp trai tài thành anh hùng và nuôi sống gã trai tầm thường, bạo tàn (cả hắn lẫn gia đình hắn), bằng sức lực ròng rã, dù bị đói lạnh, bạc đãi, vẫn cố sống bằng bản năng sinh tồn, vẫn lụi cụi nhẫn nại. “Ngựa quen đường cũ”, đường vất vả đến đâu vẫn gồng lưng chở hàng, cõng chủ say ngất, bị thương, trở về.

Có lẽ không nghệ sĩ nào yêu ngựa như Từ Bi Hồng (1985 - 1953). Khác Việt Nam, ngựa là đề tài quen thuộc, được yêu chuộng ở Trung Quốc lâu đời và đạt đỉnh cao ở Từ Bi Hồng. Chỉ lòng thương quý ngựa, tài năng xuất chúng mới làm nên những kiệt tác như ông.

Trung Hoa có nhiều họa sĩ vẽ ngựa được truyền tụng. Đời Đường có Tào Bá, Hàn Cán, Vi Yến; thời Tống có Lý Công Lân (Long Miên); thời Nguyên là Triệu Mạnh Phủ, thời Thanh là Lang Thế Ninh. Ở thời Thanh, nhà văn Bồ Tùng Linh có truyện ngắn ly kỳ Hoạ mã (trong tập Liêu trai chí dị), kể về con ngựa thoát xác từ tranh của Triệu Mạnh Phủ xuống trợ giúp anh thư sinh thoát cảnh nghèo.

Lịch sử loài người thay đổi, sắp xếp lại do những cuộc chiến tranh, thuở nào cũng phải “chiêu binh mãi mã” (chiêu mộ, tập hợp lực lượng). Chẳng gì điêu đứng khốn khổ hơn cảnh “binh hoang mã loạn” (thời loạn, chiến tranh liên miên, quân sẽ tan hoang). Có thành ngữ phải biết văn học cổ mới hiểu được, như “Văn quân tư mã”, từ tích nàng Trác Văn Quân và chàng Tư Mã đẹp đôi, chỉ mối tình đẹp.

Quanh năm, chúng ta lao động, lo lắng, gánh vác đủ công việc, trách nhiệm, đến khi Đông sắp tàn, Xuân đến, mới có cơ hội hoài niệm, sống lại ký ức của mình, dân tộc mình. Xuân đến hay Xuân về, Tết trở lại là Tết mới, sự thiêng liêng của giao hòa sâu hơn trong tự tình. Ai tra khắc bạc, thắng yên vàng ngựa ô đen rước nàng về dinh? Thời gian chạy bằng xe tứ mã, tuấn mã sóng đôi, hay độc mã tung bốn vó nước đại đời người để nước kiệu Xuân Giáp Ngọ.

Những lời chúc mang hình ảnh tinh thần đẹp của ngựa, ý nghĩa không riêng năm ngựa, là luân lưu mùa mùa. Chúc “Long mã tinh thần” là chúc sức lực và trí tuệ được kết hợp mạnh mẽ, sung mãn. Chúc “Mã đáo thành công” là chúc ngựa phi đến đâu thành công đến đó, ngựa báo điềm may mắn cho tất thảy nhân quần.

Thế mà ở thế giới âm phủ, bọn “đầu trâu mặt ngựa” là lính của Diêm Vương, bắt lũ có tội trên dương gian, chịu hình phạt tra tấn, bỏ vạc dầu, đày xuống địa ngục.