Những cặp mắt kính mùa đông

NDO - Từng nhịp thở, xa dần, không thành tiếng Tôi cũng như ngày, tôi phải trôi… (HQM)
Minh họa: VI THANH
Minh họa: VI THANH

Tôi đứng đó, lặng lẽ, nhìn qua ô cửa sổ căn hộ nhỏ ở Place d’Italie, quận 13, Paris. Lúc này là 7 giờ sáng. Thành phố còn chìm trong giấc ngủ nhưng những ló rạng của một bình minh mới đã mấp mé, đâu đó, cuối đường chân trời. Tôi mở cửa sổ, mồi một điếu thuốc và cảm nhận cái se se lạnh của Paris, một lần cuối, trước khi ra phi trường trở về Việt Nam. Những cơn gió nhẹ nhẹ táp lên mặt, tê tê, nhưng không buốt giá. Những vòm cây ngoài kia xao xác như tiếng xao xác nào mà tôi từng nghe, từng sống, từng nếm trải. Phải, đó là cái xao xác của buổi chuyển mùa Hà Nội, thời khắc cuối thu chớm sang đông hân hoan mới lạnh, cái hân hoan của chăn mới, mền mới, áo mới; của một đổi thay định kỳ, một đổi thay từ cách ăn mặc cho tới cách sống của một Hà Nội rất xa…

Bây giờ đã là cuối thu ở Hà Nội rồi. Dường như thời điểm rằm Trung thu đánh dấu một mốc thời gian kỳ lạ nhất ở xứ bắc. Sau rằm Trung thu sẽ là lúc bắt đầu những đợt lạnh, nhẹ nhàng thôi, mơn man về quanh thành phố. Cái dấu ấn thời gian thường niên ấy đậm nét không khác gì dấu ấn của buổi giáng sinh. Bắt đầu từ giáng sinh, Hà Nội sẽ trở nên lạnh cực điểm, cái lạnh mà nhiều người phải rên lên: “Sao mà rét thế”. Lúc ấy, niềm hân hoan của buổi mới đón mùa đông đã biến tan đâu hết, để cho cái thái độ thường nhật bắt đầu lấn át. Mà thường nhật thì gắn với mưu sinh, người ta không thích sự mưu sinh ấy bị làm phiền bởi bất kỳ lẽ gì, nhất là thời tiết.

Trong thoáng giây, những hình ảnh cũ bỗng lướt qua mắt tôi thật nhanh, như thể một đoạn phim flash-back lại tất cả những gì đã trải qua, từ mới đây nhất cho tới xa xôi nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái dáng lao đi về phía trước trong đêm muộn hôm qua của Long, người bạn học đã định cư tại Pháp 14 năm nay, cái dáng đi của một Parisien bình thường như muôn vàn Parisien khác. Không còn là một thằng Long bất cần của ngày đại học nữa mà thay vào đó đã là một người đàn ông mực thước, tảo tần. Tôi còn nhớ, đêm qua, khi nó thẳng bước đi về phía chỗ đậu xe tôi còn cố quay lại nhìn nó lần nữa. Hình như mắt lúc đó cay cay nhưng rồi tôi cũng quyết quay lưng đi, thật nhanh, để không phải thấy những điều phải thấy. Tôi và nó, ngày đi học, không quá thân nhưng cuộc tái ngộ sau 15 năm ở đất khách quê người đã kéo hai thằng xích lại gần nhau hơn, và tôi thấy thương nó hơn…

Tôi nhớ hình ảnh của “chế Sương” (tôi gọi chế theo cách của người Hoa kiều thay cho chữ chị) lật đật mỗi sớm lao ra ga xe điện ngầm để đến sở làm việc. Chế đã sống như thế năm năm nay, kể từ khi Philip ra đi. Người đàn ông của đời chế, người mà chế cho rằng là một Parisien cực bolsevich đã ra đi mãi mãi từ năm 2007 để chế lủi thủi một thân giữa đô thị phồn hoa bậc nhất thế giới này. Mấy chục năm ở Pháp, chế cũng đã là một parisien thực thụ nhưng cảm giác lạc lõng của chế tôi vẫn nhận ra, một cảm giác có thực mà đôi khi chính chế cũng không nhìn thấy. Nhưng nó cứ hiện ra mồn một, nhất là trong những buổi café chiều giữa tôi và chế trên đường phố khu trung tâm Paris, khi chế cứ hồn nhiên hồi tưởng lại “Chế thích ngồi café bistro thế này. Ngày xưa Philip biết gần như hết tất cả những bistro ở đất Paris này. Chỉ cần hẹn ông ấy ở đâu đó, đi xem phim hay đi concert chẳng hạn, ông ấy sẽ nói ngay tại đó có cái café này, tiệm bistro kia… như thể ông ấy lưu trữ cả cái bản đồ café Paris trong đầu mình”.

Tôi quay lại với cái chớm lạnh kiểu đầu đông Hà Nội khi bắt đầu thấy hừng đông lấp ló cuối đường chân trời. Cái lạnh lướt ngang qua tôi kéo theo cả những hình ảnh cũ sắp xếp không theo một thứ tự nào nhưng lại nối mạch với nhau như những toa tàu lướt vội qua một cái ga xép. Ga-xép-tôi, ngẩn ngơ, đứng nhìn từng toa tàu một, có chút hồi hộp, có chút bâng khuâng, có chút nuối tiếc và có cả chút thỏa mãn. Và rất lạ, tôi thấy, tất cả các toa tàu, đều cùng mang một cặp mắt kính, những cặp mắt kính mùa đông…

Những cặp mắt kính trên khuôn mặt những cô gái từng mang ấn tượng đặc biệt trong tôi. Hấp dẫn và cuốn hút vô ngần. Cặp mắt kính cận đầu tiên trong đời, là P., cô gái học dưới tôi một khóa thời đại học. P. của cặp mắt kính cận xưa ấy đã khác nhiều với P. hôm nay. P. giờ thực tế hơn, khéo một cách “giả nai” hơn và đôi khi khiến tôi bực bội khi tiếp xúc. Tôi biết, cặp mắt kính mùa đông năm nào, cặp mắt kính đưa đón tôi về những đêm tôi “bỏ nhà ra đi” ở Hà Nội đã không còn nữa. P. hình như đã chữa mắt, để không còn đeo kính. Có thể, với nhiều người em sẽ đẹp hơn nhưng đối với tôi, không còn cặp mắt kính cận, P. cũng trở nên vô hồn…

Rồi đó bỗng là L., cặp mắt kính cận chẳng có một kỷ niệm mùa đông nào với tôi cả. Tôi mới biết L. chưa lâu và tôi không thể quên nổi một đêm mùa hè Hà Nội, tôi và L. đi bên nhau với những câu chuyện riêng-chung như thể cả hai cùng chạm vào nhau ở một điểm nào đó của cảm xúc. Đêm mùa hè đó Hà Nội mới qua cơn bão, trời còn mưa rả rích và bỗng dưng se se lạnh. L. quàng chiếc khăn mỏng nhẹ nhàng, xõa tóc ngồi đó, bên tách trà nghi ngút khói. Chúng tôi đã suýt nữa dựa vào nhau, không chỉ là đêm ấy mà có lẽ sẽ còn lâu dài đến mãi tận sau này nhưng rồi những ngại ngần nào đó khiến cả hai dừng lại. Mà thật ra không phải là sự ngại ngần đã ngăn tôi và L. Đó chính là nỗi sợ hãi đời thường, nỗi sợ hãi của những hệ lụy đã qua, những mường tượng sẽ tới đã ngăn tôi chạm vào em, ngăn em dựa vào tôi dù rằng đã có lúc hai bàn tay đan vào nhau, xiết chặt. L., với tôi, như một đài sen nở muộn mà tôi ngẫu nhĩ được gặp buổi trái mùa, muốn chìa tay ra hái về mà lại không nỡ. Cuộc hạnh ngộ ấy hoang đường như chuyện nàng ba hoa sen của Bồ Tùng Linh; mơ hồ, ẩn hiện, không có gì là rõ rệt mà lại như tất cả được dàn trải ra đó rất cụ thể…

Rồi cả cặp mắt kính mùa đông Hà Nội cách đây 10 năm của U. Tôi đã cõng em đi trong đêm Hà Nội giáng sinh với niềm hân hoan của một tình yêu mới bắt đầu. Và tôi đã mơ ước được cõng em đi suốt cả những quãng đời còn lại của mình, ở Sài Gòn, ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, ở Đà Lạt… như đêm giáng sinh Hà Nội ấy. Nhưng rồi những va đập của cuộc đời đã khiến tôi và cặp mắt kính ấy rời xa nhau. U. bây giờ cũng không còn đeo kính nữa, giống như P., U. cũng đã thay đổi nhiều, giống như P. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cặp mắt kính trắng có cái gọng mầu xanh thẫm của nàng. Nó nhìn xuyên suốt một thời trẻ trai của tôi, buồn tê tái và thấm đẫm những dằn vặt đeo mang.

Tôi đứng lặng nhìn tàn thuốc rơi vào không trung. Paris sắp bắt đầu một ngày hối hả và tôi cũng chuẩn bị trở về TP Hồ Chí Minh để hối hả mỗi ngày. Những toa tàu kia lướt nhanh qua, có bao giờ sẽ trở lại, trong một ngày nào đó, ở một ô cửa sổ nào đó, giữa một bình minh nào đó hay không? Những cặp mắt kính trắng, mãi mãi vẫn là nỗi ám ảnh tôi một cách vô tình, như một cảm thức đeo mang từ thiên mệnh.

Chế Sương khẽ gọi phía sau “trễ rồi đó Minh ơi” để tôi giật mình quay lại. Thôi, trở về thôi, để nhận ra rằng tôi cũng như ngày, tôi phải trôi. Mùa đông không còn ở gần tôi nữa kể từ ngày tôi trôi vào phương nam ấm nắng. Chỉ biết giữ lại cho mình, một khoảng chi chít những hình ảnh lộn xộn của từng địa tầng ký ức; hình ảnh của những cái tên; những tấm khăn choàng kiêu hãnh bay trong gió; những mái tóc xõa gợi mở; những mùi da thơm đã ngả đầu vào ngực tôi; những đôi má se lại vì cái lạnh của gió bấc; những cặp mắt kính trắng của mùa đông, nhìn tôi, soi tôi, ngẩn ngơ đứng giữa chiều, lồng lộng…

Paris October 2012