Thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này, dành chỉ người được đào tạo, có năng lực sư phạm, dạy ở trường các cấp phổ thông và lên/ trên đại học, trường nghề. Đời ai cũng có thầy. Số lượng thầy phản ánh sự học của ta.
Thầy, cô giáo - cách gọi chia theo giới tính giáo viên, cho ta cận cảnh những người thầy theo ký ức.
Không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên giáo viên của quãng đời đi học.
Không trò nào gọi điện, thăm hỏi, tặng hoa đủ các thầy.
Tình nghĩa thì nuôi nhớ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam có từ 1982, nhưng truyền thống trọng thầy đã vài ngàn năm, là một giá trị của văn hiến Việt Nam. Ơn cha mẹ, nghĩa thầy là đạo lý căn bản của đạo làm người. Từ xa xưa, tục ngữ lưu truyền: “Không thầy, đố mày làm nên”, cùng câu ca dao thành lời ru: “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Xưa, chưa có ngày nhà giáo, trò đáp nghĩa thầy bằng sức lực lúc nhà có việc, có đám, khi ốm đau, dịp Tết sum vầy. “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”.Thuở ấy, nhà giàu có, quyền thế nuôi thầy trong nhà, dạy chữ, dạy võ, đàn - họa cho con. Đâu hiếm trò nghèo, được thầy cho ở trọ, thiếu tiền đóng học thì làm lụng trả ơn. Thầy xem sự học, nết ăn ở ưng, có khi còn gả con gái cho. Sau này làm quan, về thăm thầy, xuống ngựa từ đầu làng, vẫn chịu nghe thầy dạy như khi về nhà cũ, cha dạy, vung roi.
Chẳng riêng Khổng Tử, được tôn vinh là thánh ở Trung Hoa, điều ông dạy thành Đạo, ảnh hưởng còn ra ngoài châu Á, những người thầy kiệt xuất còn là nhà khai sáng, phát minh, nhà tư tưởng.
Nước Việt qua biến thiên, dân gian tồn tại nhiều nghề, một số công việc tâm linh được gọi thầy: thầy cúng, thầy bói, ông thầy mo, thầy phong thủy. Chỉ chữa bệnh và dạy học được xã hội mọi thời trân trọng hàng đầu: trọng việc và trọng người làm việc ấy: Thầy giáo và Thầy thuốc.
Thành lập từ 1945, Liên hợp quốc có nhiều ngày quốc tế phong trào hiệu triệu nhân loại: Quốc tế hội trường, chống hút thuốc lá, chống vũ khí hạt nhân, v.v. Với con người, ba đối tượng được đề cao, đúng theo tinh thần phương Tây: Thiếu nhi, Phụ nữ, Người cao tuổi.
Sự đúng mực, tròn bổn phận của người hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, biết trân trọng thầy - biểu thị của công dân có giáo dục, văn hóa, nề nếp gia phong. Con người ấy sẽ sống tín nghĩa, thủy chung, trung thành yêu nước.
Thầy như cha, nên có từ “sư phụ”.
Bố tôi khai tâm, là thầy đầu tiên và suốt đời tôi. Ngoài tình cảm bổn phận, nghĩa vụ, bản năng, không phải cha mẹ nào cũng có được con để tự hào, không phải ai cũng có đấng sinh thành khiến con hãnh diện. Từ đấy, mở rộng sang quan hệ thầy - trò.
Không trò nào nhớ hết các thầy đã dạy trong nhà trường, thầy tài nào nhớ nhiều ngoài những trò giỏi, thành đạt... Có trò tiếng tăm, nổi danh, thì uy tín, ảnh hưởng thầy tăng lên. Mỗi khóa, những tên sinh viên xuất sắc sẽ được các thầy nhớ, và độ bền của sự nhớ này thẩm lọc qua thời gian. Trò ra trường, làm nghề, sự ưu tú của trò làm thầy nở mày nở mặt. Đâu còn là điểm tổng kết hay điểm luận văn, mà là tay nghề, tài năng, đóng góp được xã hội công nhận. “Con hơn cha, nhà có phúc”, cái phúc này không khu biệt trong nhà, trong họ, mà ở phạm vi rộng hơn. Sự học như những nấc thang tri thức mà mỗi người, tùy sức học, hoàn cảnh, qua được, lên cao. Trò giỏi hơn thầy là phúc lớn của đời nhà giáo.
Người đời ví nhà giáo như người chèo đò, một hình ảnh đương đầu, vất vả. Mỗi môn học một thầy, một đời học, ta có hàng trăm thầy “chèo đò”. Đưa trò sang bờ kia, bờ kiến thức đòi hỏi tùy mức của “sông” (cấp học), thầy trở về bắt đầu chuyến đò khác- niên khóa mới. Em thầm hát Bụi phấn, thuộc từ hồi lớp 2 trường Dịch Vọng: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy. Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm”...
Vâng, các thầy của tôi có người đã mất, đa số tóc bạc trắng đầu khoảnh khắc bụi phấn làm bạc tóc thầy mà em nhớ, là yêu sự lao động, tâm huyết, trí tuệ và kiến thức thầy tích lũy và dốc ra truyền thụ cho học trò. Mồ hôi lao động ấy đẹp, như mồ hôi của các nghệ sĩ lúc tập luyện từ nhỏ đến lúc trưởng thành, tập đàn, tập múa vất vả suốt quãng đời hành nghề biểu diễn, tập hàng tháng chỉ cho mấy phút hay vài chục phút trên sân khấu.
Triền miên nhiều năm, nghề giáo lương thấp, nhà giáo gắn với “nhà nghèo”. Làm giáo viên, viết phấn bảng, bụi phấn bay vào miệng khi đang giảng, hại sức khỏe, nên các thầy cô tự trào nghề mình là “bán cháo phổi”.
Hơn một thập niên qua, các trường có điều kiện vật chất, đã đầu tư bút dạ bảng, micro cho giáo viên, chính sách giáo dục cải thiện, cùng nhu cầu học đòi hỏi bằng cấp thành tiêu chí bắt buộc - giấy thông hành vào đời, yêu cầu bắt buộc của sự nghiệp, thăng tiến. Đời sống người thầy khá lên, thầy cô môn chính còn giàu có. Nghề sư phạm được coi là “hạng A”, đỉnh mẫu một thời, ước mơ của nhiều bé gái, tiêu chuẩn kết hôn (không riêng bộ đội muốn lấy vợ giáo viên). Những năm gần đây, Nhà nước khuyến khích ngành giáo dục, sinh viên học trường sư phạm miễn học phí. Vậy mà, điểm đầu vào đại học thấp, vẫn ít sinh viên, khiến chất lượng giáo viên ra trường giảm.
Lớp trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn ngành nghề, sư phạm không được coi là trường hạng A, lựa chọn hàng đầu nữa. Lựa chọn nghề thời nay gắn với tính thực dụng, thời thượng hơn là ý nghĩa tinh thần. Thời nào, lứa tuổi nào cũng cần học. Ngạn ngữ phương Tây khuyên: “Người ta nên chứa học vấn thay vì của cải”. Đúng, nhưng trong nhịp “sống gấp”, đám đông không coi đấy là tôn chỉ.
Thầy của chúng ta không chỉ các thầy dạy nhà trường, mà số lượng nhiều hơn, dài lâu hơn, là trong trường đời. Đó là ông bà, cha mẹ ta, là đàn anh, đàn chị, bạn tốt. Mỗi lĩnh vực, đều có những người trình độ, năng lực bậc thầy. Khái niệm “thầy” được mở rộng theo khát vọng tri thức, hiếu học, cầu tiến, nên nghề giáo - học trò” đâu hẹp trong nhà trường, qua việc dạy - học trực tiếp.
Có những tác giả, nghệ sĩ chưa / không hề gặp, lại dạy chúng ta qua sách, tác phẩm của họ. Tác phẩm chiết xuất từ trí tuệ, vốn sống, máu, nước mắt, mất mát, trả giá khiến độc giả rung động, thức ngộ, ảnh hưởng ghi nhớ... là những bài học vô giá.
Y học tiến bộ cho biết, có thể giáo dục đứa bé từ lúc mang thai. Hồ Chí Minh, khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nhận thức sâu sắc vai trò trí thức. Người kêu gọi những trí thức Việt Nam du học Pháp trở về.
Chiến lược xây dựng nước nhà mở đầu bằng diệt giặc đói, giặc dốt...
Phổ cấp giáo dục tiểu học là nền, phải tiến tới người nâng cao dân trí “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Đúng như khẳng định của F. Burke: “Giáo dục là sách lược giữ nước ít tốn kém nhất”. Hồ Chí Minh yêu con trẻ và nhấn mạnh: “Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây đúng cách, sẽ lên cây tốt. Dạy trẻ tốt, sau này các cháu thành người tốt”.
Người tốt, không chỉ lòng tốt, cần có ích. Muốn rạng rỡ danh từ Việt Nam trên trường quốc tế, công dân không chỉ cần tốt, phải có khao khát vươn lên, cống hiến, hun đúc mình trong ước mơ thuộc hàng ngũ tinh hoa, tuấn kiệt.
Từ thuở chập chững biết đi, học nói, vào lớp “vỡ lòng” đến ngày về lòng đất yên nghỉ, con người biết sống là không ngừng học và tầm sư.
Sự khai sáng, nâng cao hiểu biết của nhân loại, nhờ tiếp thu, kế thừa các bậc thầy, và còn nhờ tự giác, giáo dục, tự học.
Năm 1985, chú Vi Kiến Thành dắt tôi đến lớp vỡ lòng của cô giáo Hằng.
Người dạy tôi nét chữ, nét vẽ đầu tiên là chú út.
Hè năm 1997, bố tôi đưa tôi đi thi tốt nghiệp tú tài.
Từ cấp 1 đến đại học, tôi đều học trường gần nhà. Trong đời mình, tôi may mắn được học thầy giỏi, những người thầy ở Học viện Báo chí. Dù công danh vinh hoa đến mấy, dù công việc là đồng nghiệp, chức vụ có thể cao hơn, người hiểu lẽ đời, đạo nghĩa chỉ nhận mình học trò của thầy cũ. Hãy để thầy “khoe” thành quả đời mình, là nhắc tên các trò ưu tú, niềm vui ấy đền đáp công ơn các thầy.
Tôi đang trở về Thu 1985, ước được ấu thơ lần nữa! Tôi học theo cách của Solon: “Bí quyết trẻ mãi là mỗi ngày học một điều mới”. Bằng lao động, mỗi ngày tôi đều học cách trân trọng, nhớ ơn những người thầy của đời mình.
Từ thuở chập chững biết đi, học nói, vào lớp “vỡ lòng” đến ngày về lòng đất yên nghỉ, con người biết sống là không ngừng học và tầm sư. |