Tôi thấy mình, từ trước, bấy nhiêu năm...

NDO - Bây giờ là những giờ cuối cùng của ngày cuối cùng của năm 2012. Những năm qua, như những con số đi, đôi khi là vòng lặp nào đó, đôi khi là hứa hẹn gì đó, chút mới. Buổi chiều Sài Gòn nắng bắt đầu thấp xuống và gió bắt đầu trườn qua những con phố cũ nho nhỏ vắng người. Sài Gòn luôn đẹp vào dịp lễ. Đẹp vì sự vắng vẻ khác thường của nó, vắng như mười mấy năm trước, ngày tôi mới đặt chân lên thành phố này, ngày của sự yên tĩnh len lỏi trong những phố phủ bóng cây dầu, loại cây thẳng tắp, vươn cao và cô đơn...
Minh họa: TRƯƠNG TIẾN TRÀ
Minh họa: TRƯƠNG TIẾN TRÀ

Tôi ngồi một mình không khái niệm của kỳ nghỉ lễ. Tôi đã không có ngày nghỉ từ lâu rồi, khi công việc của tôi làm không thể dừng lại ở bất kỳ một ngày nào trong năm. Chủ nhật, thứ hai hay tháng Sáu, tháng Giêng đều như nhau, đều tăm tắp như những vòng lặp quen thuộc và nhàm chán. Chỉ có sự vắng vẻ lạ thường của Sài Gòn mới nhắc tôi nhớ hôm nay là ngày nghỉ lễ, một đợt nghỉ kéo dài. Người ta cũng kéo nhau đi về những kỳ nghỉ đâu đó, biển hay núi, theo nhịp trôi của những ngày lễ ấy, để trả lại cho Sài Gòn sự bình yên của nó, sự bình yên mà nhiều khi trong một chiều tan tầm, ai cũng chợt bật ra điều ước ngày nào Sài Gòn cũng nghỉ lễ...

Tôi nhìn thấy mình trong cái nắng xuống chiều hôm của hơn mười năm về trước, cũng trong một chiều cuối năm như thế này. Tôi đang ngồi đó, trong cái quán nhỏ của con đường đó, không có những cây dầu mà chỉ có hoa điệp vàng, quán cũng vắng không và tĩnh lặng. Tôi không có một gia đình để vui cuối năm như người ta. Cha mẹ đều ở bắc, một mình mình, ngồi thấm một cuối năm.

Tôi nhìn thấy mình của ngày trẻ trai ấy, mái tóc ngắn, khuôn hình gầy, rít những hơi thuốc khô khốc để giết thời gian đang trôi qua rất nhanh mà với tôi thì quá chậm. Những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, tiền không có nhiều, một chuyến về thăm nhà nhiều khi phải tính toán cho kỹ. Ở lại Sài Gòn buổi cuối năm, cái buồn tê của kẻ cô đơn một mình là người bạn cuối cùng còn ở lại bên tôi. Những cuộc vui hôm qua, hôm kia, tuần trước, tháng trước, đã về với mái ấm riêng của họ. Tôi không có chốn nào để về. Căn gác trọ vắng không sẽ chỉ thêm âm u và não nề khi chiều tắt nắng và đêm bắt đầu phận sự của nó. Tôi đi, lang thang, giữa lòng phố, một mình, lặng lẽ...

Đêm qua tôi mơ thấy mẹ. Giấc mơ bình thường về một ngày thường. Mẹ mặc cái áo mầu xanh, kho cho tôi nồi cá và tôi ngồi đó ăn hết chén cơm này đến chén cơm khác, mãn nguyện. Ít khi tôi mơ thấy mẹ, nhất là khi tôi đã khác tôi mười năm trước với một cuộc sống riêng của mình, không còn trốn trọ nữa. Chắc tại mấy bữa Giáng sinh mẹ vô thăm, sống bên cạnh người dăm bữa, từ vô thức tôi mơ thấy người vẫn còn ở đó.

Tự dưng tôi nhớ những ngày mùa đông Hà Nội. Buổi chiều màu xám; căn nhà mầu xám; đôi mắt nhìn cũng xám. Trong cái nhập nhoạng của những giờ như thế này, tôi đã ở đâu đó, bước chân vội vã qua những con phố nhỏ: Liên Trì; Trần Quốc Toản; Hàm Long... Rồi ngập ngừng dừng lại ở căn nhà có hàng rào sắt trồng mấy bụi cúc tần nhìn vào ô cửa nhỏ có ánh đèn vàng. Dưới ánh đèn vàng kia, có một cô gái bé bỏng của một thời đi học. Cuộc tình chóng vánh không may đã bị trao vào tay tôi, một kẻ hay quên, dễ đổi thay và nhiều tự ái. 20 năm trôi đi quá nhanh và nếu quay lại 20 năm ấy, liệu tôi có làm gì khác? Không chắc chắn; không rõ ràng; không hiểu nổi. Thằng trai 17 tuổi quay trở lại chắc vẫn là thằng trai 17 tuổi xưa cũ. Để rồi mấy năm sau, một lần gặp lại, chút ân hận cuối cùng bừng thức tỉnh nhưng cũng không cứu vãn được gì. Tôi đã nhìn một lần nữa người con gái ấy bước đi, bước chân tội nghiệp, cam chịu và không trách móc, nhìn một lần nữa trước khi tôi rời xa hẳn mùa đông; rời xa hẳn những con đường cũ; rời xa hẳn một thành phố cũ, như trốn chạy...

Tôi nhìn thấy tôi mười ngàn ngày trước. Thằng bé con chưa qua tuổi lên 10, trên chuyến tàu về thăm ngoại, mùa đông. Con tàu đi xuyên qua những làng quê trải dài hun hút, hun hút. Từ năm ấy, tôi đã luôn tự hỏi mình “Có gì buồn hơn một cánh đồng chiều mới gặt xong chỉ còn trơ cuống rạ và khói rơm khe khẽ cuốn nhẹ về trời”. Tại sao tôi hình dung ra điều đó? Phải chăng vì những vần thơ Kinh Bắc của ông Hoàng Cầm ba đã đọc tôi nghe từ thuở nhỏ? Hay tại vì những giai điệu quan họ đã thấm vào trong từng hạt máu tôi từ lúc nào? Tôi không biết; tôi không chắc và tôi không hiểu...

Tôi thấy mình đã chợt thức trên những toa tàu ngày xưa khi nhìn thấy những trẻ chăn trâu trạc tuổi tôi ngồi nghiêng đầu nhìn toa tàu qua một cách thẫn thờ. Bao giờ nó sẽ lên một toa tàu như thế và rời xa hẳn luống mạ bờ đê? Bao giờ nó sẽ ngồi bên một ô cửa sổ lướt đi như ô cửa kia để về một thành phố nào xa xôi hứa hẹn??? Kể từ đó, tôi vẫn luôn thấy mình, ở một thời gian nào khác, đã ngồi đó như những đứa trẻ chăn trâu kia, ở một đồng chiều trơ cuống rạ nào đó. Phải chăng đó là tiền kiếp tôi, từ bao nhiêu năm rồi không ai biết được? Tôi không hiểu, tôi không chắc nhưng tôi biết vẳng bên tai tôi luôn là câu hát “bèo dạt, mây trôi...”.

Rồi từ ấy, đời tôi thay đổi, tôi biết mình sẽ gắn liền với một cuộc thiên di...

Tôi thấy mình cũng cả ngàn ngày đã xưa. Đứng đó, thổn thức, nửa hân hoan; nửa bồi hồi khi nghe tiếng còi tàu rúc lên từng nhịp. Và nhắm nghiền mắt lại, tưởng tượng ra cảnh mình đang đứng giữa Sài Gòn. Tôi hình dung thấy tôi, ở đó, giữa những năm rất cũ, những bài thơ cũ, những giai điệu cũ, những lời nói cũ... Tôi đã hình dung ra Sài Gòn từ thuở ấy, hình dung ra mình sẽ ở trong nó bất chấp việc không thể nghĩ ra nổi bằng cách nào mình sẽ rời xa gia đình để tới với nó. Đôi khi người ta nghĩ mình cần một cơ hội. Nhưng thực ra, không phải là một cơ hội. Người ta cần một hình dung thì đúng hơn, như một déjà vu rất sớm.

Ngày tôi bước chân vào Sài Gòn, qua ô cửa kính văn phòng buổi chiều tàn, nhìn cơn mưa xối xả ngăn bước mình về nơi ở trọ, trong tiếng hát cũ kỹ của một bài hát Pháp, tôi đã để nỗi buồn xâm chiếm tôi với câu hỏi “Tại sao mình đến chốn này?”. Lúc ấy cũng là cuối năm, tôi thấy nhớ cha, thương mẹ kinh khủng. Và tôi thèm về nhà. Giờ này, mùa đông, ăn xong bữa cơm tối, tôi có thể nằm dài trong phòng của mình, tắt đèn và suy ngẫm. Nhưng tôi sẽ nghĩ gì đây khi nằm trong căn nhà nhiều hơi ấm ấy? Tôi sẽ lại nghĩ về mình ở một nơi thật xa, một mình thôi, cô đơn, như chính déjà vu từ những con tàu, những ô cửa, những đứa trẻ chăn trâu tôi đã từng lướt qua...

Tôi thèm gia đình nhưng tôi cũng muốn một mình. Nỗi cô đơn, nỗi buồn có vẻ đẹp riêng lung linh đến lạnh người. Chạm vào nó, tôi thấy mình tê đi, tôi thấy mình mê man và tôi thấy mình như mộng du trong một không gian khác.

Chiều đã bắt đầu tàn ngoài kia phố nhỏ. Sài Gòn bắt đầu lên đèn và những người còn ở lại với Sài Gòn bắt đầu đổ ra phố chờ thời khắc giao thừa. Những lúc này, người ta hay nói về gia đình, về ngôi nhà của nhiều thế hệ. Nhưng nếu đã trở về với ngôi nhà của mình, thường người ta lại lao ra đường để tìm những cuộc vui tạm bợ với cái lý do để kỷ niệm một năm đã qua đi và một mùa sắp sửa tới. Tôi không thể dối lòng rằng tôi cũng như họ, cũng có ham muốn về nhà nhưng rồi lại sống trong ham muốn bỏ lại căn nhà để lao ra ngoài phố. Con người ta thường hay mâu thuẫn với chính mình.

Thế thì thà tôi ở đây, bên cạnh nỗi cô đơn, nghĩ về mẹ và giấc mơ bữa cơm chiều còn dang dở đêm trước; nhìn lại mình những ngày tháng cũ đã qua còn hơn trở về trong cái vỏ của hình thức. Tôi đã từng thấy mình như thế, từ trước đây, bấy nhiêu năm rồi, như thế. Để rồi, từ trong hình dung ấy, những dằn vặt; những xót xa; những nhớ thương; những ham mê; những thất vọng; những rộn ràng; những cãi vã; những cảm thông; những trách hờn; những âu lo; những tiếc nuối; những ân hận; những lãng quên; những vô tâm; những tủi thân; những dại dột; những tính toán; những ăn năn... sẽ nhào lẫn vào nhau, như những cặp mắt sâu, để tôi nhìn thấy tôi, về, bên mẹ...