Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng

NDO -

Bao lần về Hải Phòng, tôi đều chọn đi tàu hỏa. Để sống chậm. Để mỗi lượt ngang qua ga xép Cẩm Giàng, được nhớ Thạch Lam và hình dung ông trong khu vườn xanh um kia. Tôi vừa đến, và đã gặp.

Tháng 9, độ giữa thu, mùa cưới bắt đầu, cũng mùa hẹn hò nhung nhớ. Nuôi ý nghĩ về Trại Cẩm Giàng từ hồi thiếu nữ, tôi cứ tin Thạch Lam ở đấy, ông vẫn sống với những gì ông thương mến và chờ người yêu văn chương ông. Quá sâu cho một nung nấu này, hay cảm động về mối tương giao trái tim đa cảm và trận mưa sáng Hà Nội tới Cẩm Giàng.

Thạch Lam hình như tuổi 32 hay không tuổi, đang ở khu vườn ấy, chờ tôi. Dáng gầy đang nhả thuốc dưới tán nhãn vươn cao, thỉnh thoảng tay trái đỡ ngực, ghìm cơn ho song khuôn mặt ông thật thanh thản và ánh nhìn dịu dàng.

Men theo lối đi rải đá ven đường xe lửa, tôi như đặt bước lên dấu chân Thạch Lam các anh trai ông và các văn tài hơn 70 năm trước. Thường đi - về Hải Phòng - Hà Nội chuyến sáng - chiều khi đứng cửa toa, lúc tại sân ga, tôi chỉ thấy hàng rào cây um tùm và biển xanh chữ trắng: Tự Lực văn đoàn (1932 - 1942). Bây giờ, tôi đang đứng dưới tấm biển, kề bên là pa-no phối cảnh Công viên lưu niệm Tự Lực văn đoàn (TLVĐ). Lại nhà xây, ao hồ nhân tạo, không còn chỗ lưu giữ khu vườn. Biết còn mấy lần về thăm Cẩm Giàng cũ nữa, mong lần đầu không phải lần cuối, rời xa.

Ông bà Nhu - Sâm sinh bảy con (sáu trai, một gái), thì có ba con trai theo nghiệp văn chương, dù chết trẻ, tiếng tăm để đời: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, 1905 - 1963), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long, 1906 - 1948), Thạch Lam (1910 - 1942). Mất sớm nhất, song tác phẩm của Thạch Lam có sức sống bền tỏa nhiều hơn các anh mình.

Hầu khắp chốn, nơi đâu cũng chật đi vì đông lên. Thị trấn Cẩm Giàng vẫn bé nhỏ và còn yên tĩnh. May thế, hay nhờ 71 năm qua, Cẩm Giàng vẫn Thạch Lam. Bối cảnh các truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn là máu thịt của đời ông, đã thành địa danh lịch sử và huyền thoại.

Tâm hồn nhân ái và thánh thiện của Thạch Lam, đang đón tôi vào khu vườn miên man diệp lục. Không còn ngôi nhà gỗ, cột vuông, lan-can gỗ, cửa quay bốn phía, nhưng “nhà ánh sáng” mà mẹ nhà văn cho xây dựng, ngôi nhà đã vào văn học sử, vẫn hiện dần ra trong sương thu và ánh sáng ven hình ảnh ký ức.

Thạch Lam đã uống rượu cùng Thế Lữ, Khải Hưng, thành viên TLVĐ cùng các thi hữu ở đây Tết Nhâm Ngọ 1942. Men rượu, hòa mùi lá tươi xanh và hương hoa ân cần.

Mỗi chữ Thạch Lam là sương ngọc, từ tâm hồn mẫn cảm, nước mắt cho ta thanh lọc tinh thần. 

Tôi đến gần Thạch Lam, nhìn sâu đồng tử ông, nắm chặt đôi bàn tay ngón dài mềm ấm. Đang Thu, tháng 9 mùa tựu trường, chúng tôi nhớ thời hoa niên đi học. Heo may vấn tóc sao bỗng “gió lạnh đầu mùa”. Tiếng chim hót trong veo, không gian trinh tĩnh quá, chạm cả hơi thở nhẹ. Dù viết về những phận nghèo, thị dân hay dân áo ngắn lam lũ phố huyện, văn Thạch Lam vẫn đậm chất thơ. “Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đầy xót thương” (1). Mỗi chữ Thạch Lam là sương ngọc, từ tâm hồn mẫn cảm, nước mắt cho ta thanh lọc tinh thần. Truyện không có chuyện mà chữ có hồng cầu, Thạch Lam như Ivan Bunin (1870 - 1953) của Nga, văn khiết tình, thê mỹ. Thạch Lam dắt tôi tới hôm qua, hồi học Hai đứa trẻ. Khoảnh khắc, chúng tôi là đứa trẻ. Chị em Liên và An, trông quầy hàng xén gần ga xép phố huyện buồn. Nguồn vui duy nhất mỗi ngày của họ, là ngóng và ngắm đoàn tàu từ Hà Nội chạy qua. Còi hỏa xa, bánh sắt sình sịch chậm dần... dừng lại, đoàn tàu mang ánh sáng kinh thành qua đây vài phút là chạy về Hải Phòng, Kinh Kỳ kẻ chợ phồn hoa, chị em Liên, An đã sống, nhớ và hằng mong trở lại. Đấy là tái hiện hình ảnh chị Thế và em Sáu (Nguyễn Tường Lân - Thạch Lam) lúc nhỏ, được mẹ giao quầy bán đồ lặt vặt, thuốc lào khi mẹ mải mốt tảo tần, cân gạo quanh vùng; cha mất sớm, anh cả Tường Thụy dạy học ở Tân Đệ (Thái Bình). Một dúm sầm uất là mấy hiệu “khách” - tiệm buôn của người Hoa. Chiều về, phố huyện lộ tiêu điều, buồn tẻ khi chợ tàn. Kìa chị Tí, cả ngày mò cua bắt tép, đã thắp ngọn đèn lờ mờ mở hàng bán nước qua ngày, trông nhờ hành khách ghé thoáng chốc, nhịp sống quẩn quanh, đơn điệu. Bác phở Siêu gánh thức quà xa xỉ càng gợi nhớ Hà thành, chốn lắm hiệu phở mà phở rong vẫn đắt khách, chẳng như đây. Bà Thi điên cười chuệch choạc vào bóng tối. Khu nào, phố nào, làng nào cũng có vài kẻ điên. Tiếng đàn run theo bác Xẩm não nề. Cẩm Giàng tẻ nhạt, lẻ loi chỉ sáng lóe lên nhờ ánh sáng đoàn tàu.

Rồi cậu bé Lân khai tăng tuổi, học nhảy lớp lên bậc thành chung (cấp 2) mong sớm đỡ đần cho mẹ... Ở Hà Nội, bỏ dở Cao đẳng Canh nông, Tường Lân vào Trung học Albert Sarraut học thi tú tài, đỗ phần thứ nhất thì bỏ học làm báo với hai anh.

TLVĐ có tuần báo Phong hóa, Ngày nay thu hút các rường cột của văn chương xứ Bắc, có giải thưởng uy tín riêng mình (trao ba lần 1935 - 1937 - 1939, bảo chứng danh giá cho sự nghiệp của người đoạt giải), tạo ra dòng tiểu thuyết TLVĐ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều cây bút, trong đó có Vũ Trọng Phụng. Thạch Lam viết truyện cho thiếu nhi, truyện dài, tiểu luận, bút ký viết theo lối tuỳ bút; khiến người đọc khóc và nhớ lâu, chính do truyện ngắn. Mọi tác phẩm hầu hết in trên báo của anh em ông, mà Thạch Lam là chủ bút Ngày nay, từ 1935, khi ông lấy vợ lúc 25 tuổi ở Hà Nội. Nhà mái lá của chị gái nhường cho, tại đầu đường Yên Phụ, nơi Thạch Lam trồng cây liễu, sống, viết, tao đàm cùng bạn hữu và từ trần. “Nhà ánh sáng” Cẩm Giàng không còn, “nhà cây liễu” Hà Nội đã mất, Thạch Lam ngủ trong đất thiêng Hà Nội (Nghĩa trang Hợp Thiện, gần Ô Đống Mác) Hè 1942, vì lao phổi. Chào đời, qua đời mùa Hè, mà văn ông “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu” (2).

Thạch Lam tuyên ngôn: “Văn chương là thứ khí giới thanh cao, đắc lực vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối, tâm ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. 

Tất cả các cuốn sách của Thạch Lam đều in NXB Đời nay, tuyệt phẩm tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943) bất hủ cho Hà Nội phồn hoa có những phận nhỏ nhoi như bác Dư phu xe phố Hàng Bột, có Thanh và Nga với bà nội và cây hoàng lan ở làng ngoại ô, những phố nghề, cửa hiệu trứ danh, những giai nhân, nếp thanh tao, nhã thú diễn tả bằng thứ văn tinh tế vô cùng duy mỹ, duy tình, điềm tĩnh mà chất chứa yêu thương con người, cuộc sống. Thạch Lam tuyên ngôn: “Văn chương là thứ khí giới thanh cao, đắc lực vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối, tâm ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Trái tim nhân hậu giàu tình cảm ấy, bằng văn tài độc đáo, khiến phố huyện, quê nghèo cũng trở nên sang sạch vì sự che chở, sẻ chia nhờ hóa thân của Thạch Lam vào nhân vật, bên họ mỗi cảnh đời. “Cô hàng xén” Tâm chịu đựng, hy sinh đang đến, vỗ về cảm thông “Nhà mẹ Lê” đông con, cơ cực. Tấm áo bông khi “gió lạnh đầu mùa” vẫn ấm tay người. Độ lượng, lãng mạn chất tỏa theo dòng văn đập mạch yêu thương vào sâu nội tâm chúng ta, lưu lại và thức cùng ký ức. Năm 1954, vợ ông đưa các con vào Sài Gòn. Thế Uyên, con chị gái Nguyễn Thị Thế và Tường Giang, con út Thạch Lam, mồ côi cha lúc lọt lòng, đều thành nhà văn trên đất Mỹ. Bà Tường Nhung, con gái Thạch Lam nay 75 tuổi, đã vài lần trở lại Cẩm Giàng, thăm chốn quê thơ ấu. Nhưng mãi mãi, chị em Nhung - Giang chẳng thể là “hai đứa trẻ” như cha và bác thuở nào. Bao nhiêu lượt, đoàn tàu đã qua ga xép này, nào ai đếm nổi?

Ga đời không tính chuyến.

Găng chín, duối vàng, mùi cây thoảng dịu an ủi triệu gương mặt nhòa - rõ của album trần thế. Bối cảnh với những con người là nguyên mẫu truyện Thạch Lam, là ga, là phố, là trại, là không gian nghệ thuật phá vỡ giới hạn địa lý, để lưu danh văn học sử, theo trí nhớ các thế hệ độc giả.

Phố Quán Thánh, Hà Nội đường một chiều, tôi ngược vỉa hè bên trái, dừng chân trước nhà 80, trụ sở báo Phong hóa, Ngày nay, NXB Đời nay 80 năm trước. Hoa sữa lắng, đưa say hương hoàng lan. Thạch Lam bước ra, rẽ trái, rảo tới ga Long Biên. Sắp đến chuyến tàu chót 18 giờ 10 khởi hành về Hải Phòng; 18 giờ 40 chuyến ngược lại. Hai đoàn tàu sẽ tránh nhau tại ga chính Hải Dương, qua ga xép Cẩm Giàng.

Chúng tôi im lặng. Đâu cần nói gì. Hạnh phúc tôi nhòa lệ. Còi hỏa xa rất gần hồi hồi giục giã. Thạch Lam mãi tuổi 32 sắp dắt tôi về gặp hai đứa trẻ, vẫn quầy hàng xén cổng trại Cẩm Giàng, bên ga Không - Thời gian.

________________________

(1), (2) Nhận định của Nguyễn Tuân.