Email lúc 0 giờ:

Mà trong lẽ phải có người có ta

Một chiều đầu tháng 12, chúng tôi có mặt tại Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, đúng vào ngày tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào. Vừa hay, đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến. Trò chuyện với người dân trước khi vào tham quan nhà tưởng niệm, Chủ tịch hỏi vui: Bà con ở đây có ai thuộc hết Truyện Kiều không? Một vài người đáp có. Chủ tịch tươi cười căn dặn: Quên câu nào thì quên, nhưng nhất thiết phải nhớ câu này Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Mà trong lẽ phải có người có ta

Hai câu thơ trên ở vị trí 3.247 và 3.248 trên tổng số 3.250 câu thơ trong Truyện Kiều, được Nguyễn Du dùng như lời kết chuyện; hẳn là ông có chủ ý. Đã có rất nhiều lời bàn về chữ Tâm như tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều, viết ra dễ đến cả ngàn trang sách, nhưng tôi tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử. Theo ông luận giải, chữ Tâm này không hoàn toàn đồng nhất với chữ Tâm của nhà Phật, nơi đó là chân như, trong suốt, tĩnh tại, vô sai biệt, là phật tính. Chữ Tâm ở đây là sự gặp gỡ hai phương diện tương đồng của Phật giáo và Nho giáo, là lòng trắc ẩn, biết đồng cảm thương người, ý thức thị phi, phải trái, biết lễ nghĩa, biết điều khinh trọng, biết sỉ nhục, hổ thẹn, biết trung dung... Theo nhận thức của tôi, phải chữ Tâm ấy thì mới gấp ba lần chữ Tài được! Tuy thiện căn có sẵn trong lòng mỗi người, nhưng học được, theo được chữ Tâm của cụ Nguyễn Du thật khó lắm thay! Trước ý nghĩa sâu xa, thâm thúy của bậc tiền nhân, kẻ hậu sinh không dám lạm bàn, chỉ giới hạn suy nghĩ về chữ Tâm trong ứng xử hiện nay.

Nếu như theo được, hiểu được cái lẽ ấy, chắc hẳn những xung đột không chỉ trong những câu chuyện bé nhỏ đời thường mà ở cả tầm quốc gia, dân tộc, tôn giáo sẽ giảm đi nhiều.

Nhà văn B.N vốn nổi tiếng từ lâu trong thế hệ của mình. Sách của ông được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được Hiệp hội dịch giả (Anh) bình chọn top 50 tác phẩm văn học nước ngoài dịch sang tiếng Anh hay nhất nửa thế kỷ qua. Cách đây không lâu, khi được đề cử vào một giải thưởng văn học lớn, ông khiêm tốn xin rút và chân thành nói, về chiến tranh còn nhiều người viết hay hơn mình nhiều, xin để dành ưu tiên cho các anh chị ấy trước. Ai cũng biết trong thế hệ của ông, ông là nhà văn biết về chiến tranh hạng nhất, vậy mà ông đã xin nhường. Chưa biết hội đồng giải thưởng có chấp nhận hay không, nhưng nghe chuyện này, phục Tài ông một thì phục Tâm của ông không chỉ có ba, mà nhiều lần hơn thế!

Trước đây ở thành phố Vinh có một quán cháo lươn rất nổi tiếng, khách bộ hành trên đường thiên lý thường ghé qua thưởng thức. Quán luôn đông khách, nhiều bận phải chờ mới có chỗ ngồi, trong khi những quán bên cạnh lại vắng hiu. Thế nhưng chủ quán chỉ bán nửa ngày, thời gian khác đóng cửa. Hỏi mới biết, họ nghỉ quán là để cho những quán kia cũng bán được hàng. “Con mình có cơm ăn rồi, cũng phải để cho con người khác có cháo ăn chứ, hàng xóm láng giềng với nhau cả...”.

Gặp lúc thong thả, ngồi hầu chuyện nhà văn Đỗ Chu, nghe ông kể, trong khu phố cổ Hà Nội, có hai nhà hàng xóm vì tranh chấp lối đi trong ngõ nhỏ mà thành đánh nhau to. Bị bên khỏe hơn vác gậy đuổi đánh, bên yếu không biết chạy đâu cho thoát, bí quá phải trốn vào nhà một cụ già neo đơn ở phía đối diện. Bên khỏe đang cơn tức giận, vừa thét chửi, vừa xông vào theo. Cụ già ngồi chặn bên ngoài cửa, ôn tồn nói: “Bác cho tôi xin, người ta đã đường cùng mới chạy vào nhà tôi, xin đừng truy bức nữa. Đã có người đánh thì cũng phải có người đỡ, hàng xóm láng giềng với nhau cả...”. Bên khỏe nghe lời, hạ hỏa. Nghe nói sau này họ ngồi lại với nhau, hòa giải, lại trở thành hàng xóm tốt. Ông Đỗ Chu kết luận: Văn hóa ứng xử của người Việt mình phải thế, cụ Nguyễn Du đã dạy từ mấy trăm năm trước rồi: Mà trong lẽ phải có người có ta. Tâm là ở đấy, lớn lắm!

Câu thơ này ở vị trí 3.114, cũng nằm trong đoạn cuối của Truyện Kiều, theo thiển ý của tôi là những câu quan trọng nhất thể hiện tư tưởng nhân văn, lòng vị tha, thấu hiểu đạo lý, giá trị trường tồn trong triết lý nhân sinh của Đại thi hào Nguyễn Du. Nếu như theo được, hiểu được cái lẽ ấy, chắc hẳn những xung đột không chỉ trong những câu chuyện bé nhỏ đời thường mà ở cả tầm quốc gia, dân tộc, tôn giáo sẽ giảm đi nhiều. Thay vào đó là đối thoại, sẻ chia, hòa giải, tìm kiếm những giải pháp chung cùng có lợi và cùng phát triển. Phải chăng đó mới là lẽ phải của tất cả mọi người mà cụ Nguyễn Du muốn nói? Thật muôn phần bội phục!