Người Sài Gòn không được hưởng cái “châm kim” tê buốt quý giá của Hà Nội, nhưng Sài Gòn cũng có một mùa đặc biệt nhất trong năm, mùa mà nếu ra đường vào sáng sớm hay đêm muộn là hưởng trọn cảm giác chớm đông, mà không cần phải lên Đà Lạt hay Lâm Đồng.
Trong khi người Hà Nội gọi trang phục mùa đông là “áo rét”, “áo khoác” thì người Sài Gòn gọi “áo lạnh”, “áo gió”, nghĩa là nó chỉ được sử dụng để đánh dấu một thời khắc hiếm hoi nhất của năm: mùa lạnh và mùa gió, giữa những tháng nắng gắt và mưa dầm. Thật ra gọi “áo lạnh” đã là hơi quá, vì thời tiết chỉ mới hơi se se, cỡ như cuối thu Hà Nội. Thế mà người người, nhà nhà đã vội khoác áo quàng khăn, các thiếu nữ tranh thủ rúc mình trong những chiếc áo len lưới lông xù, mắt chớp chớp ngây thơ, như gà con mới nở. Cũng có lẽ nhờ thế mà phố phường mang không khí mùa đông hơn.
Có lẽ không khí Giáng sinh Noel ở đây đặc biệt hơn nhiều thành phố trong cả nước, không chỉ vì Sài Gòn có nhiều giáo dân, mà còn bởi sự hiện diện của hàng trăm ngàn ngoại kiều thuộc 16 cộng đồng cư dân nước ngoài đã đến và trụ lại nơi đây trong gần 20 năm qua. Họ đã góp phần tạo cho Sài Gòn một không khí Noel mang âm hưởng đông - tây rất đặc biệt.
Xuống phố trung tâm Sài Gòn mùa này, cảm giác như lạc vào xứ tuyết, nhất là khi các trung tâm thương mại, các cao ốc văn phòng đồng loạt cởi bỏ lớp áo kính trắng xám lạnh lùng, khoác lên mình những quả chuông Giáng sinh điện tử khổng lồ lấp lánh và những quán café nhỏ đều gắn những trái châu, những bông tuyết trắng tinh trên cửa sổ, dường như cả khu phố trung tâm Sài Gòn đã biến hình thành một cây thông Noel cực lớn lung linh. Không hiếm hình ảnh một ông già Noel tóc vàng mắt xanh đứng trước tiệm ăn tặng kẹo cho lũ nhóc, cũng dễ dàng bắt gặp những cặp tình nhân khác mầu da đầu đội mũ đỏ, nắm tay nhau thả bộ trên đường phố rực rỡ sắc mầu và âm hưởng da diết của bản Silent Night.
Những đứa trẻ trong những bộ áo lạnh, háo hức theo ba mẹ đến khu trang trí của trung tâm thương mại,tay cầm bóng bay hay cây kem ốc quế, nhe răng sún chụp một tấm ảnh kỷ niệm với Ông Già Tuyết, chú tuần lộc, và đám tuyết bằng bông.
Nếu khu trung tâm tưng bừng, trang trọng, lãng mạn đầy âm hưởng châu Âu thì khu xóm đạo bình dân lại ngập tràn một không khí cổ tích. Khoảng một tuần trước Giáng sinh, như thể có một phép màu, các nhà cửa, hàng quán buồn tẻ mọi ngày bị hô biến, một bộ sưu tập hang đá rực rỡ, sinh động bỗng mọc lên dày đặc cả một quãng đường Phạm Thế Hiển (quận 8). Với lòng kính Chúa và yêu thương tha nhân, mỗi gia đình ở đây đã dày công sáng tạo một “công trình” riêng, không năm nào giống năm nào, tạo nên một bức phù điêu liên hoàn dài hơn cây số, độc đáo. Nhà đặt ông già Noel lên chiếc xích lô thật gắn đèn nhấp nháy. Nhà thì để đức Chúa Hài đồng và máng cỏ Giáng sinh trong một chiếc mùng ren hoa trắng muốt. Có nhà liên kết với nhau tạo nên một quần thể hang đá cực lớn cùng với thác nước, cối xay gió róc rách, quan khách có thể trèo lên trên ngắm nghía và chụp hình.
Không khí cổ tích ít hoành tráng nhưng lâu bền hơn là xóm đạo Phạm Văn Hai (Tân Bình), nơi cư ngụ của cụm cư dân Công giáo trung lưu từ 1954. Khoảng trời hẹp của những hẻm phố chằng chịt mà có đoạn bề ngang chỉ nhỉnh hơn đôi vai con người là đèn dây chăng kín trên đầu, những hang đá mini, tượng Đức mẹ bồng Chúa Hài đồng xinh xắn đặt khéo léo dưới chân những trụ điện hay chút không gian dư nơi cuối hẻm, lọt vào đó, bạn dễ có cảm giác bồng bềnh lâng lâng như đi trong một lưới nhện khổng lồ hội đủ mọi sắc mầu, trong âm điệu của những bản nhạc Noel lời Việt sôi động, ấm cúng: Một mùa giáng sinh an lành Lại một mùa tuyết ôm cây cành...
Một nỗi sống vui hồi sinh...
Điều ấm áp nhất với tôi là tất cả các “công trình công cộng” ấy, đều để qua đêm ngoài phố suốt mùa Giáng sinh không hề rào giậu mà không hư hao mất mát một mảy may. Phải chăng tình yêu với Đấng Cứu Thế khiến con người nương nhẹ, tử tế, trân quý nhau hơn?
Có thể nói “mùa lạnh” của Sài Gòn là “mùa ấm” được chăng? Hay “mùa yêu thương”, “mùa hàn gắn”, “mùa trao tặng”, “mùa hồi sinh”?
Bạn yêu quý, hãy thử đến Sài Gòn những ngày này, để cảm nhận những “nỗi sống vui hồi sinh” giữa đời thực còn xiết bao khó khăn.