Để nhìn nhân thế, lạnh, chung quanh

NDO - Tôi cúi mình cột lại sợi dây giày nhỏ; nghiêng mình nhìn lại lần nữa qua ô cửa sổ, nơi những cây ớt Bắc Phi mới lên xanh mơn mởn; xốc ba-lô lên vai và khóa cửa lại. Bước chân chậm rãi dọc hành lang vắng lặng, lướt ngang qua chú chó nhỏ của nhà hàng xóm đang mừng rỡ vẫy đuôi, tôi bắt đầu xuống phố.
Minh họa: PHAN THANH
Minh họa: PHAN THANH

Một ngày của tôi luôn thật sự bắt đầu như thế, vào lúc này, cữ giờ trưa. Độ này tôi cũng tập cho mình dậy sớm hơn, tự pha café và tưới những cây ớt nho nhỏ khi đang nhấm nháp vị espresso đầu ngày. Nhưng tôi không ra phố sớm. Thói quen bao năm nay rồi, phải vậy, phải là cữ trưa này. Tôi không thoát khỏi tập quán riêng đó được. Bởi lẽ, tôi yêu thích nó.

Con đường nhà tôi buổi trưa luôn đẹp. Nó nằm nghiêng nghiêng không bóng người. Nó nằm xoai xoải dưới hai hàng cây thẳng tắp và rợp lá. Nó nằm kỳ lạ như một bức tranh ấn tượng. Cữ giờ này chỉ có nắng và lá cây, và tôi, trôi đi, trôi đi.

Lúc này đây, trong chiếc headphone của tôi đang là bản Spiritual của Charlie Haden & Pat Metheny. Sự dịu êm của nó, một bản nhạc quen cũ, đang cho tôi trôi đi giữa hai hàng cây, im-lặng-tuyệt-đối.

Tôi không thể hình dung được mình sẽ sống thế nào nếu như không có những bản nhạc mà mình yêu thích. Tôi nghe nhạc gần như suốt ngày, kể cả khi tôi ngủ, nghe miên man, nghe ngẫu hứng với những gợi nhắc nào từ trí nhớ. Có nhiều khi, một chút ký ức nào được dịp trở về chỉ trong một cảnh huống, một ngôn từ nào đó vu vơ cũng thôi thúc tôi mở ngay một bản nhạc có liên quan để rồi chìm sâu vào nó như trong cơn say. Chính những nốt nhạc hoài niệm ấy giữ cho tôi sống. Tôi đoán chắc là thế. Với tôi, âm nhạc không phải là thứ để kén chọn mà là thứ để thưởng ngoạn. Tôi nghe tất cả và khi đã thích mê mệt một bản nào đó, tôi thường tìm kiếm những câu chuyện của nó; về nó; liên quan đến nó. Mỗi bản nhạc, trong tôi, đều là một câu chuyện.

Tôi nhớ những ngày xa xưa, khi còn là một cậu trai mới lớn, mỗi sớm café tôi đều mang theo mình chiếc CD mà tôi cảm thấy hứng thú nhất cho lúc mở ngày. Và tôi chọn một quán quen yên tĩnh nhất, yêu cầu người chủ mở chiếc CD đó, ngâm nga từng chút vị buổi sớm cùng với nó. Thói quen đó đã không còn nữa. Quán bây giờ đông người và quán bây giờ không thể chiều mỗi mình tôi. Cái riêng của tôi không thể áp đặt cho cái chung tổng thể ngoài kia, cái chung đang xôn xao cuồn cuộn chảy kia. Không ai muốn chậm lại cùng tôi bởi họ cũng có những cách riêng để chậm lại. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ cảm giác của thời xa xưa ấy. Nó hoàn hảo, nó tuyệt đối như một tác phẩm sắp đặt của chính tôi, thằng thích tạo ra hoàn cảnh.

Tôi thích cảm giác trôi giữa phố phường đông và náo nhiệt bằng chiếc headphone với những bản nhạc của riêng mình bên tai. Đó là một cảm giác cho tôi thấy rõ nhất sự hiện hữu của mình, ở bên ngoài chính mình. Giữa tôi và những bản nhạc của tôi lúc đó chỉ tồn tại duy nhất một thứ: sự im-lặng-tuyệt-đối. Tất cả những bóng người ngoài kia chỉ còn là những hình dạng, không thanh âm, vô ngôn chầm chậm lướt qua tôi. Tôi thích sự tĩnh lặng đó, sự tĩnh lặng cho tôi được đơn lẻ, riêng nhất và duy nhất. Đó là khi tôi nhìn tất cả, đều nhau, như những hàng tượng đá, trong một không gian chỉ có đúng âm nhạc và câu chuyện của những bản nhạc ấy mà thôi.

Không biết đã bao nhiêu lần, qua cửa kính xe, tôi nhìn những dòng người im lặng lướt qua kia và hỏi “họ đang hối hả đi về đâu? Để làm gì?”. Và tôi biết, nếu tôi chỉ cần gỡ chiếc headphone ra, cách ly tiếng nhạc ra khỏi chính mình, tôi sẽ hòa nhập vào một dòng chảy cuồn cuộn những thanh âm kia, cũng sẽ là một dấu hỏi nữa đang đi về đâu và để làm gì. Nhưng chính chiếc headphone ấy, và những nốt nhạc ấy đã giữ tôi lại, chậm lại so với tất cả, trầm mình lại so với tất cả...

Tôi cũng thích cảm giác của những lúc đi bộ trên con đường tan tầm đông người, với chiếc headphone bên tai. Đó là những lúc tôi cảm thấy mình lướt đi rất nhanh trong cuộc sống này, hồ hởi, năng động, trẻ tuổi và mang cảm giác lơ lửng như người trên chiếc đu bay vĩ đại vượt từ bầu trời này qua bầu trời khác. Đó là lúc tôi cảm nhận gần nhất sự xuôi chiều của tất cả dòng người, sự xuôi chiều song song nhau nhưng không bao giờ gần lại với nhau. Khoảng cách không gian không kinh khủng bằng biên độ của những đường biên vô hình khác, như cái cách mà Khanh đã viết, ở đâu đó, một câu cảm thán rằng “Ta xa nhau quá dẫu ta vẫn đi chung một chiều”, một câu cảm thán mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần, như thể có thể nhận diện ra được khuôn mặt của từng nốt nhạc trong nó...

Tôi chợt nhớ, ở Paris, một ngày chớm mùa thu, buổi chiều lạnh, giữa những con phố nhỏ trên đường lên đồi Montmartre, tôi đã nghe đi nghe lại tiếng hát buồn đến dằn vặt của bản The Professor & La Fille Danse và đắm chìm trong những tự sự cuối cùng về một cô gái bé nhỏ, nhảy múa trong một căn phòng tưởng tượng với nhiều khoảng sáng tối đan xen mờ mờ và người đàn ông yêu thích sự lặng im đến kỳ lạ của căn phòng ấy đã không dám nói một lời để rồi từ từ, nhẹ nhàng, chìm vào một cơn ngủ tự nhiên... Không biết tại sao, với tôi, ở Paris, bản nhạc nửa tiếng Anh nửa tiếng Pháp kia lại phù hợp đến thế.

Và tôi nhớ những đêm say về không, tôi thưởng ngoạn chính mình trong tiếng nhạc của một câu chuyện nào đó, nhìn qua cửa kính xe, ngắm những ô cửa còn sáng đèn của một trung tâm thương mại đã đóng cửa. Những ô cửa đó, chỉ vài giờ trước thôi, còn nhộn nhịp người ngắm nhìn, chụp hình, tạo dáng... Bây giờ, giữa màn đêm này, chúng chỉ còn là những ô cửa cô đơn, nhưng không vô hồn, như những cặp mắt lặng lẽ nhìn tôi, lặng lẽ. Để rồi tôi ngẫm lại về một ngày đã xa, cũng sau một đêm say như thế, chụp headphone trên tai, tôi đã khoác ba-lô đi bộ từ quận 1 về đến tận căn nhà thuê ở Phú Nhuận, đi một mình, cảm nhận thành phố một mình. Lâu rồi, tôi không như thế, và tôi quá nhớ...

Người ta hay hỏi tôi sao nhớ chi mà nhớ nhiều đến vậy. Có lẽ, tôi là một thực thể khác, tôi thuộc loại người quay lưng giật lùi đi về tương lai, với đôi mắt lúc nào cũng vọng về quá khứ.

Tôi đã chọn được một nơi để ngồi xuống. Và bản Spiritual vẫn còn là vòng lặp bên tai lúc này, một vòng lặp hoàn hảo, một vòng lặp dịu dàng. Để tôi, ngồi nhìn nhân thế, lạnh, chung quanh...

Saigon December 2012