Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi

NDO - Những chiếc gùi bằng tre đan quen thuộc lâu nay vốn vắng bóng trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của người Tày ở Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) bởi sự xuất hiện của những đồ vật tiện dụng, rẻ và dễ mua hơn. Một số người dân ở thôn Bản Chợ, xã Bản Liền đã bảo nhau học lại cách đan gùi, địu, phổ biến những tính năng ưu việt của sản phẩm truyền thống này và cùng nhau giữ nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lâm A Liên và ông Lâm A Diện đang đan gùi trong căn bếp nhà mình.
Ông Lâm A Liên và ông Lâm A Diện đang đan gùi trong căn bếp nhà mình.

Người Tày ở xã Bản Liền, ngoại trừ một số gia đình mới mở rộng sang làm du lịch nông nghiệp, làm homestay, dịch vụ…, phần lớn vẫn gắn bó với nghề nông như trồng chè, trồng cây lương thực, lúa nương, làm cốm, chăn nuôi…

Ông Lâm A Liên, thôn Bản Chợ, xã Bản Liền, một trong những người tìm học lại nghề đan gùi ở đây cho biết, chiếc gùi gắn bó với mọi hoạt động trong cuộc sống của người Tày, từ lên nương cắt lúa, gùi cỏ về cho trâu bỏ, đi hái củi, hái chè, gùi thóc… Tuy nhiên, những năm gần đây, gùi nhựa được bán rất nhiều ở khắp các chợ, giá rẻ hơn gùi tre, lại dễ sử dụng, thuận tiện, cho nên phần lớn người dân bỏ gùi tre, dùng gùi nhựa. “Chiếc gùi nhựa xuất hiện khắp nơi, tiện thì có tiện, nhưng không bảo quản nông sản được tốt như gùi tre truyền thống của chúng tôi. Hơn nữa, màu sắc màu mè, rực rỡ của gùi nhựa nhìn rất xấu, tôi nhìn mãi mà không quen, không giống với bản sắc vùng cao của chúng tôi chút nào”, ông Lâm A Liên nói.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 1

Ông Lâm A Diện đang hướng dẫn du khách trải nghiệm đan gùi tre.

Và thế là, ông Lâm A Liên cùng em trai và cháu mình tìm đến nhà những người già còn giữ nghề, học cách đan và mày mò tự làm: “Trước đây nhà nào cũng dùng gùi tự đan, nhà nào cũng có người biết đan. Bây giờ chỉ còn một số ít người già là còn nhớ cách đan. Tôi may mắn học được nghề đan từ ông chú trong nhà”.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 2

Kỹ thuật đan gùi không dễ nếu muốn chiếc gùi thật bền và chắc chắn. (Ảnh: KHÁNH HUY)

Đan gùi tưởng không khó mà hoàn toàn không hề dễ dàng. Quy trình đan gùi bắt đầu từ khâu chọn tre, phải chọn rất kỹ. “Tre phải già, tre già thì chẻ ra sợi cứng, dễ gãy nhưng gùi mới bền. Tre non, mềm, dễ đan, dễ uốn nhưng lại nhanh hỏng gùi. Ống tre cũng phải chọn ống có lóng dài, vì các mắt tre cứng, dễ gãy và khó đan, khi đan cũng dễ bị hở mắt đan hơn”, ông Lâm A Liên chia sẻ.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 3

Những chiếc gùi đang được hoàn thiện dần. (Ảnh: KHÁNH HUY)

Hai anh em ông Lâm A Liên và Lâm A Diện học đan gùi trong khoảng 1 năm. “Trước đây chúng tôi cũng biết đan sơ sơ, học nghề từ bố, bác và các chú trong nhà, nhưng cũng chỉ là đan đơn giản cho nhà dùng. Sau này học đan phải học thật kỹ, hết sức cẩn thận, vì xác định đan đẹp, đan chắc chắn, chiếc gùi phải tốt mới đem ra chợ bán được. Chiếc gùi đẹp và tốt sẽ được người ta lựa chọn nhiều hơn là chiếc gùi nhựa xấu xí”, ông Lâm A Diện nói.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 4

Để học đan gùi thành thạo cũng phải mất khoảng 1 năm (Ảnh: KHÁNH HUY)

Ban đầu học đan, hai ông thú nhận là cũng chưa được chuẩn lắm. Sau đó họ đi học hỏi thêm những người già trong thôn, rồi ra chợ xem thêm gùi đan của những người bán hàng hiếm hoi còn sót lại. “Sau khoảng 1 năm là chúng tôi đan thạo, đan đẹp, rồi mới mang ra chợ bán. Khi ra chợ thấy giỏ của người ta đan đẹp cũng đến xem, học hỏi cách để sửa sản phẩm của mình”, ông Liên kể.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 5

Làm gùi phải chuẩn từ khâu chọn nguyên liệu. (Ảnh: KHÁNH HUY)

Giờ đây, tuy chưa nhiều, nhưng một số thanh niên ở thôn Bản Chợ, xã Bản Liền đã bắt đầu chú ý và học cách đan gùi truyền thống từ các bậc cha chú của mình. Nghề đan gùi tre ở đây khá đặc biệt, chủ yếu là những người đàn ông trong thôn làm, từ khâu tìm tre, chặt tre, vót nan cho đến đan gùi, hong bếp.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 6

Làm gùi phải đan chặt tay từ từng lớp đan cho đến lớp khóa. (Ảnh: KHÁNH HUY)

Anh Lâm A Nâng, thôn Đội 3, cháu ông Lâm A Liên cho biết, đan gùi khó nhất là phần đáy. Khi đan đáy phải quay vòng sợi nan nhiều lần thì đáy giỏ mới chắc được. Ngoài ra, phần thân giỏ, bên cạnh việc phải vót sợi nan cho thật đều, xếp mũi đan thật khít, thì sau mỗi một lượt mũi đan lại có một lượt mũi “khóa”, giúp cho sợi nan vững chắc, không xô lệch, không tuột. Mỗi ngày, một người đan thạo có thể làm được một chiếc gùi. Gùi đan xong phải gác lên trên bếp củi hong khói cho bền. Người mua mua gùi về cũng gác tiếp lên bếp củi nhà mình.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 7

Họa sĩ Đỗ Đức (bên phải) trò chuyện cùng chủ nhà Lâm A Liên về quá trình làm chiếc gùi tre.

Người Tày ở Bản Liền khá tự hào về sản phẩm truyền thống của mình. Gùi người Tày khác với gùi của người H'Mông. Gùi của người H'Mông miệng vuông sắc cạnh, gùi của người Tày bo tròn đều, để đan được sao cho miệng gùi tròn cũng rất khó. “Chúng tôi đan gùi theo từng mục đích sử dụng. Chẳng hạn như gùi đựng thóc thì phải đan khít, kín. Gùi đựng chè hái từ trên nương chè về lại phải đan thưa, thoáng để chè không bị nóng, bí, hấp hơi. Gùi nhựa đựng chè dễ bị hỏng do nóng, búp chè bị “hầm” chín. Gùi tre thông thoáng, đựng chè hay nông sản, cỏ đều giữ được độ tươi mới”, anh Lâm A Nâng chia sẻ.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 8

Chiếc gùi dần trở thành thương hiệu của người Tày ở Bản Liền.

Hai năm trở lại đây, dự án của Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) vào hỗ trợ người dân Bản Liền giữ nghề đan truyền thống, giúp về kinh phí và đào tạo nghề.

Những người “lội ngược dòng” như ông Lâm A Diện, Lâm A Liên thấy phấn khởi và đầy hy vọng vào tương lai: “Hiện tại chúng tôi đan túc tắc đem ra chợ bán cũng được. Sắp tới, khi du lịch mở rộng hơn ở Bản Liền, anh em chúng tôi dự kiến sẽ mở dịch vụ trải nghiệm đan gùi, giỏ tre cho khách, và làm các loại giỏ tre đan dưới dạng sản phẩm du lịch để bán cho du khách”, ông Lâm A Liên hồ hởi nói.

Những người giữ nghề đan gùi tre trên núi ảnh 9

Người dân thôn Bản Chợ hy vọng, chiếc gùi sẽ trở thành một sản phẩm hữu ích cả trong đời sống sinh hoạt và khai thác du lịch.

Sự trở lại của những sản phẩm truyền thống với tính năng ưu việt sẽ thực sự hữu ích khi chúng gắn bó và giúp người dân sinh lợi. Khi những chiếc gùi tre đan truyền thống của thôn Bản Chợ được du khách biết đến nhiều hơn, chúng sẽ có tên trên “bản đồ đặc sản” của du lịch Bắc Hà, cùng với cốm Na Lo, rượu ngô Hồng Mi Bản Phố, chè Bản Liền…