Mặc dù đã 77 năm đi qua, nhưng ký ức về những ngày Tháng Tám lịch sử hào hùng năm nào vẫn chưa phai nhòa trong tâm trí ông Lê Đức Vân, Trưởng ban thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu.
Những chàng trai Cứu quốc thành Hoàng Diệu
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Lê Đức Vân tên thật là Nguyễn Hữu Phúc đã chuẩn bị trước sẵn một tập những bức ảnh đen trắng đã nhòe dấu thời gian. Ấy là những tấm hình ghi lại không khí sục sôi của những ngày giữa tháng Tám 77 năm về trước mà ông Vân được vinh dự hòa mình vào.
Ở tuổi 96, mặc dù đã đi lại khó khăn, nhưng trí nhớ của người cựu chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng DIệu khi xưa vẫn rất mẫn tiệp. Lật giở cuốn album, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những ngày Thủ đô sẵn sàng cho Tổng khởi nghĩa.
Ông rưng rưng nhớ lại: “Năm ấy, khi còn là một cậu thanh niên đang học tại trường Bưởi, tôi đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại Thủ đô. Một năm sau, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo [Nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội giai đoạn 1943-1944 - PV] cho đi học lớp huấn luyện đào tạo Đảng viên tại Cẩm Giàng, Hải Hưng cũ”.
Không khí ngày Tổng khởi nghĩa 77 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên trong các bức ảnh đã ố nhòe được ông Vân cất giữ nghiêm cẩn. |
Trải qua rèn luyện, năm 1944, cậu trai 18 tuổi Lê Đức Vân đã chính thức đứng dưới lá cờ Đảng, thuộc chi bộ thanh niên (gồm năm người). Cùng với hơn 20 đồng chí khác của Hà Nội và Trung ương, nhóm đảng viên ấy lại lao mình vào chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử diễn ra chỉ hơn 1 năm sau đó.
Trước yêu cầu của lịch sử, nửa cuối năm 1944, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập tại số 46 Bát Đàn với nòng cốt là các Đảng viên vừa được kết nạp từ lớp học Hoàng Văn Thụ. Nhiệm vụ của các chiến sĩ khi đó là rải, dán truyền đơn, đưa các tin tức cách mạng vào sâu trong nhân dân; đồng thời tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng với cách mạng. Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội sau này.
Ông Vân và những người đồng đội yêu nước năm nào. |
“Chúng tôi đã tìm nhiều cách để đưa những bó truyền đơn đi xa nhất có thể; khi thì trực tiếp đi rải, lúc lại buộc hờ ở một nơi nào đó đợi gió mang đi. Bên cạnh đó, anh em cũng tổ chức các cuộc diễn thuyết chớp nhoáng ngay trên đường phố hay những khu đông người ngay trước mũi cảnh sát. Những cuộc diễn thuyết ấy chỉ kéo dài chớp nhoáng vài ba phút; rồi người nói sẽ nhanh chóng biến đi để lại lá cờ đỏ sao vàng”, ông hồi tưởng.
Đến trước ngày Tổng khởi nghĩa, hàng nghìn thanh niên đã được tập hợp, đứng vào trận tuyến cách mạng. Ngọn lửa lý tưởng đã rừng rực cháy trong tim mỗi người.
Tất cả thành viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi đó đều xác định công việc mình làm hết sức nguy hiểm, nếu bị bắt sẽ phải đối mặt với những trận đòn tra tấn khủng khiếp, có khi còn mất mạng. Thế nhưng, đứng trước nỗi đau chung, họ chỉ nghĩ và muốn được góp sức vào phong trào chung, đồng lòng đứng lên cùng cách mạng giành lấy chính quyền.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, đội ngũ thanh niên cách mạng Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh. Gần 1 năm sau ngày thành lập, giai đoạn chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa đã chính thức được bắt đầu. Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu càng trở nên lớn hơn. Những thành viên cốt cán bắt đầu được giao về các tỉnh lân cận như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương… để giúp đỡ nhân dân, gây dựng phong trào, sẵn sàng cho Ngày trọng đại. Riêng ông Vân được ở lại Thủ đô, cùng đồng đội đẩy mạnh hoạt động hướng tới Tổng khởi nghĩa.
Tháng Tám không bao giờ quên
Một trong những hoạt động thành công vang dội ấy chính là cuộc xung kích phá buổi mít tinh tuyên truyền của chính quyền bù nhìn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào buổi chiều 17/8.
Dừng lại một lát, ông Vân kể tiếp: “Tôi nhớ khi đó vào khoảng 2 giờ chiều ngày 17/8/1945, Tổng hội viên chức của chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh. Lúc này, Đoàn Thanh niên Cứu quốc chúng tôi nhận được nhiệm vụ phải phá bằng được buổi lễ này".
Ngay khi cuộc mít tinh vừa được bắt đầu, các chiến sĩ trẻ bất ngờ chiếm lấy diễn đàn. Từ phía gác của Nhà hát lớn, một lá cờ đỏ sao vàng được buông xuống. Đồng chí Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong bảo vệ đồng chí Từ Trang Anh, thành viên Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu nhanh chóng diễn thuyết, báo tin cho đồng bào việc Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện; cũng như 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.
Nhân dân Hà Nội có mặt tại buổi mít tinh chiều 17/8/1945. (Ảnh tư liệu) |
“Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng đã đọc bản hiệu triệu kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh tiến hành tổng khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc”, ông Vân bồi hồi nhớ lại.
Lúc này, trong đám đông hàng vạn người dự lễ, bóng cờ đỏ sao vàng đã được thấp thoáng giương cao. Những câu khẩu hiệu “Đánh đổ Nhật-Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” được quần chúng hưởng ứng, tạo khí thế sục sôi. Người đồng đội Mai Thiện Chi, thành viên Đội Danh dự trừ gian, giương cao lá cờ rồi hô vang: “Đồng bào theo tôi”. Sau tiếng hô dõng dạc, không ai bảo ai, tất cả đi theo bóng cờ hướng qua các phố Tràng Tiền ra hồ Hoàn Kiếm rồi chạy dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Dòng người mang theo niềm tin với cách mạng và nền độc lập cho Tổ quốc Việt Nam.
Dù đã 77 năm trôi qua, nhưng những ngày mùa thu Tháng Tám năm ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người chiến sĩ thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân. |
“Không khí lúc ấy như đê bị vỡ. Mọi người đã chịu quá nhiều khổ cực dưới ách thống trị của chế độ cũ nên quyết tâm vùng lên. Chúng tôi diễu hành qua Phủ toàn quyền, nơi Bộ Chỉ huy quân Nhật đóng. Về đến phố Cửa Nam, đoàn quần chúng chia thành nhiều tốp nhỏ đi về các ngả trong thành phố. Cuộc diễu hành diễn ra đến khuya cùng ngày với hàng vạn người dân tham gia”, ông Vân kể.
Lúc này, trong đám đông hàng vạn người dự lễ, bóng cờ đỏ sao vàng đã được thấp thoáng giương cao. Những câu khẩu hiệu “Đánh đổ Nhật-Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” được quần chúng hưởng ứng, tạo khí thế sục sôi”.
Nhận thấy thời cơ đã dần chín muồi, ngay tối cùng ngày, cuộc họp Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội và Thành ủy mở rộng được tổ chức tại thôn Dịch Vọng và nhanh chóng quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.
Sau khi phân tích tình hình, cuộc họp thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào 11 giờ ngày 19/8/1945, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, có lực lượng vũ trang yểm trợ, dùng áp lực quần chúng chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Công tác tổ chức đấu tranh được phân công cho từng người phụ trách.
Ông Vân khi đó đảm trách tổ chức khởi nghĩa ở khu vực ngoại thành, sau khi hoàn tất sẽ về dự lễ mít tinh, tổng khởi nghĩa trong nội đô.
Theo đúng kế hoạch, sớm 19/8/1945, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa sổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Nhân dân cách mạng lâm thời, tổ chức thu con dấu, sổ sách, tuyên truyền phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh và chống đói, chống lụt cho Nhân dân.
Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình hình và chiếm Đại lý Hoàn Long (khu vực ven đô trước đây thuộc địa bàn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay). Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở ngoại thành hoàn toàn thắng lợi và Nhân dân ở đây cũng kéo về khu vực nội đô để ủng hộ cách mạng.
Nhân dân Hà Nội mít tinh tại Nhà hát Lớn Thành phố trong ngày Tổng khởi nghĩa. (Ảnh: TTXVN) |
Đúng 11 giờ ngày 19/8/1945, hơn 20 vạn người tập hợp tại Nhà hát Lớn, đồng chí Trần Quang Huy đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Cánh thứ nhất có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát. Cánh thứ hai có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ.
“Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật tại Tổng hành dinh của chúng. Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp nhưng do sự linh hoạt, khôn khéo của ta buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng, đổi lại họ được bảo đảm an toàn… Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố”, ông kể tiếp.
Mặc dù 77 năm đã qua đi, thế nhưng những ký ức hào hùng đã qua vẫn còn sống mãi với ông. Nhìn lại quãng thời gian đã qua ấy, ông Vân chia sẻ: “Chúng tôi luôn nghĩ trách nhiệm của thanh niên là phải góp phần mang lại độc lập cho Tổ quốc. Trong chúng tôi, không ai màng tới quyền lợi hay danh vị mà chỉ cố gắng bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao”.