Những ngày ở Bắc Cực

Những ngày ở Bắc Cực
Những ngày ở Bắc Cực -0

Sau hơn hai giờ đồng hồ cất cánh từ thủ đô Moscow, nhìn trên màn hình thời điểm chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi đang ở ngay nơi được ví như “mắt sư tử” Bắc Âu. Khu vực được ví như con sư tử có phần đuôi là Na Uy, bụng là Thụy Điển, một chân trước Phần Lan, còn đầu là nước Nga. Thú thật, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ mình có thể đi xa đến vậy.

Chúng tôi đặt chân đến Murmansk, tỉnh cực bắc nước Nga. Đây là cửa ngõ để tàu thuyền vào Bắc Cực. Dù từ đây đến cực bắc Trái đất còn một khoảng không nhỏ, nhưng với du khách, đến được Murmansk, có thể tự coi như mình đã chạm chân Bắc Cực.

 
Những ngày ở Bắc Cực -0

Nikita đón chúng tôi từ sân bay để đi thẳng đến làng Teriberka cách đó hơn 100 km. Đóng cửa xe, Nikita nở nụ cười đón khách và đi thẳng vào vấn đề: “Chào mừng đến Murmansk. Nếu có gì muốn biết, xin đừng ngại hỏi”. 

Chàng thanh niên 22 tuổi mảnh khảnh, thay vì học đại học, đã quyết định bắt đầu ngay sự nghiệp hướng dẫn viên du lịch của mình khi kết thúc phổ thông. Nikita thừa nhận, chưa khi nào hết yêu mảnh đất này, dù thời tiết nơi đây khắc nghiệt vô cùng.

Ngắm nhìn Murmansk qua cửa kính ô-tô, chúng tôi tự nghĩ, những mỹ từ “đẹp như cổ tích” mà chúng tôi vẫn thường miêu tả mùa đông thủ đô Moscow, có hơi dễ dãi không. Nơi đây mới thật sự là mùa đông của cổ tích. 

Gió lặng. Tuyết đậu trên từng nhành cây, dày phải đến ba ngón tay khép lại. Tuyết mới, nên vẫn còn xốp và lấp lánh như thủy tinh. Đi khỏi khu vực sân bay, cả rừng thông bạt ngàn trắng xóa tới tận chân trời hiện ra trước mắt. Những mảng màu trắng và đen cứ xen lấy nhau. Con đường cái thẳng tắp như chiếc phéc-mơ-tuya trên nền chiếc áo bông trắng, mà mỗi chiếc xe ngược chiều như những chiếc cúc điểm vào. 

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Đường từ sân bay Murmansk về Teriberka.

Bầu trời trông lãng mạn hơn, với những dải lụa hồng sáng. Chỉ tay về phía những tia sáng trên trời, Nikita giải thích, chúng xuất hiện là nhờ hiện tượng đêm vùng cực vừa kết thúc.

Murmansk là miền đất của sự đối lập giữa hai hiện tượng ngày và đêm vùng cực. Vào mùa đông, khoảng từ đầu tháng 12, khi hiện tượng đêm vùng cực bắt đầu, mặt trời không xuất hiện tại đây trong khoảng 40 ngày sau đó. Người dân sống dưới ánh sáng nhân tạo của đèn điện. Họ sơn nhà màu sáng, đặt đèn tím cho cây quang hợp nơi cửa sổ, uống thêm vitamin trong bữa ăn. 

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra, vì thiếu ánh nắng mặt trời, người dân ở đây dễ bị chẩn đoán mắc các bệnh về tim và phổi hơn so các khu vực khác ở miền trung và miền nam. Ở Spitsbergen (cách Murmansk 1.000 km về phía bắc), theo một nghiên cứu, cứ ba người thì có một người bị trầm cảm, 80% khó đi vào giấc ngủ. 

p2-1612919654890.jpg
 Buổi trưa ở thành phố Murmansk. 

Thấy chúng tôi tròn mắt khi nghe 40 ngày không có mặt trời, Nikita từ ghế trên vẫy tay: “Không vấn đề gì”. Rồi anh quay phắt lại, hướng cả người về chúng tôi. “Thế còn hai tháng mà ngày như đêm thì sao? Người Murmansk hàng năm còn trải qua ngày vùng cực, là gần hai tháng mặt trời không lặn hoàn toàn dưới đường chân trời. Tức là, không có hoàng hôn, cũng chẳng có bình minh, từ tháng 5 đến tháng 7”. 

Chúng tôi hỏi vội, nghĩa là một ngày dài tận hai tháng? “Chính xác. Nhưng chẳng sao, người dân quen rồi. Họ kéo rèm và ngủ bình thường”, Nikita cười giải thích.

 
Những ngày ở Bắc Cực -0

Trời tối nhanh hơn chúng tôi tưởng. Làng Teriberka đón chúng tôi bằng một cơn mưa tuyết. Trời đã mịt mù, dù chỉ mới 3 giờ chiều. Từ ngoài vào làng, hai khách sạn mới xây mọc lên kiên cố. “Cái này của Nga, cái kia hình như nước ngoài”. Nikita không chắc khi nói về chủ đầu tư. 

Rồi liên tiếp những dãy nhà gỗ cùng một thiết kế vuông vắn. Rõ ràng là nhà nghỉ. Mỗi nhà chỉ sáng mỗi một bóng điện yếu ớt trước cửa. Phía sau chúng là những ngôi nhà dân bỏ hoang, với mái tôn sập xệ, méo mó. Xa xa, một căn nhà năm tầng tróc tường, để lộ lớp gạch đỏ cũ kỹ, cũng không còn người ở. Chẳng thấy dân đâu. Chúng tôi bắt đầu hoang mang.  

Sau khi bộ phim Leviathan được quay tại Teriberka ra mắt và đạt giải kịch bản xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes năm 2014, làng đã trở thành tâm điểm của vùng Bắc Cực. Dù biết Teriberka từng đứng sát bờ vực “thảm họa” kinh tế - xã hội, nhưng sự thật là chúng tôi vẫn kỳ vọng sự nổi tiếng của làng những năm gần đây có thể giúp kinh tế của ngôi làng sáng sủa hơn, so những gì chúng tôi vừa chứng kiến. 

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Một góc ngôi làng Teriberka. 

Mưa càng nặng hạt. Chúng tôi chạy vội vào quán ăn, một trong bốn quán có tiếng ở Teriberka.

Nikita luống cuống. Tôi đoán ảnh đang thấy ngại vì trời đã tối quá nhanh và không biết chúng tôi sẽ tham quan được gì trong điều kiện mưa gió như thế này. Do khách đông, nên phải loay hoay một lúc, chúng tôi mới tìm thấy bàn cho mình, dù đã đặt sẵn. Nhiều ánh mắt hướng về chúng tôi. Họ có vẻ tò mò. Còn chúng tôi thì cố gắng cởi áo khoác và trò chuyện một cách nhẹ nhàng nhất. 

Người dân ở Teriberka từng không niềm nở lắm với du khách, khi ngôi làng trở nên nổi tiếng bất ngờ. Họ không quen với nhộn nhịp, không ưa ồn ào, và cả các vấn đề môi trường phát sinh. Nhưng rồi họ cũng thích nghi dần với các vị khách lạ. Họ cần du lịch để tồn tại. Còn du khách thì biết ý hơn. 

Những ngày ở Bắc Cực -0
Quán ăn ở Teriberka. 

Gió vẫn rít ngoài cửa. Nhưng trong quán, những chiếc đèn vàng và bộ lông gấu ngay lập tức khiến chúng tôi cảm thấy đỡ lạnh. Những du khách khác thì bình thản. Chỉ có Nikita thỉnh thoảng cứ nhìn ra cửa, chẹp miệng vì trời đã tối hẳn. Trong khi đó, chúng tôi giục nhau ăn nhanh để còn vớt vát cảnh quan ngôi làng. 

Phục vụ bàn mang ra bốn bát súp cua và cá tuyết, dễ là đặc sản của quán. Cua chắc thịt, thịt cá trắng và dai như thịt gà. “Cá vừa câu ngoài kia đấy”, vị đầu bếp vừa nói vừa chỉ ra phía bờ biển cách làng không xa. 

Đó là ẩm thực Bắc Cực. Những nguyên liệu tự nhiên, tươi sống, và nhất là không thể nuôi. Tại Teriberka, mà cũng có thể ở cả vùng Murmansk, cá tuyết được yêu thích hơn cá hồi. Ở đây thì chả có lý do gì để phục vụ du khách những thứ đông đi đông lại nhiều lần. “Hải sản thì phải tươi và tự nhiên”, đầu bếp quả quyết.

Những ngày ở Bắc Cực -0

Súp hải sản ở Teriberka.

Chúng tôi trông về ngôi làng qua cửa kính đọng đầy nước. Khi thời hoàng kim chỉ lưu trong quá khứ, thì những gì còn lại, kể cả đổ nát, đôi khi lại đáng giá. Điều này đúng tại Teriberka. Những chiếc thuyền gỗ mắc cạn, sắt gỉ đỏ và đâm thủng mạn thuyền đủ hướng, bỗng trở thành điểm check-in nổi tiếng. 

Đó là một trong những dấu hiệu còn sót lại cho những năm 40-60 của thế kỷ trước, khi ngôi làng phát triển mạnh với nghề cá và các xưởng sửa chữa tàu thuyền. Tuy nhiên, từ những năm 60 của thế kỷ 20, nghề đánh bắt cá ven biển tại làng Teriberka dần bị cảng Murmansk “soán ngôi”. Sau đó khoảng ba thập kỷ, làn sóng di cư ồ ạt khỏi Teriberka bắt đầu. Từ có lúc năm nghìn dân, hiện làng chỉ còn khoảng 800 người.

Rời nhà hàng, chào tạm biệt du khách mặc những bộ đồ lặn mỏng dính vừa từ ngoài biển bước vào, chúng tôi ngồi xe trượt tuyết thăm thú trong cái trời tối om om và mưa tuyết. 
Bác tài xế mặc áo ấm to uỳnh, với chất liệu thô bóng và chống nước. Đường tuyết trơn trượt, nhưng đôi tay đã lái dễ phải đến hàng trăm lượt xe, chẳng gặp trở ngại gì, dù phải kéo bốn người chúng tôi ngồi phía sau. Còn chúng tôi thì cứ vừa cười vừa hét lên sung sướng, kể cả có bị tuyết sau bánh xe bắn cả lên mặt. 

Chúng tôi đang trượt qua những cánh đồng tuyết giữa Bắc Cực, mà nếu ai đó nhìn từ trên cao, chắc chỉ thấy một vệt sáng có đuôi cứ phi từ đầu này núi đến đầu kia đồi. Gió thì cứ phần phật. Còn tuyết thì bay chéo đèn cao áp. Cảm giác chinh phục Bắc Cực khiến mọi người quên đi cái giá rét hiện tại.

Thăm thác nước nhìn ra Bắc Băng dương với những vách đá dựng đứng, bãi đá trứng rồng với hàng nghìn viên đá tròn bị nước mài mòn đến nhẵn bóng, khi mà mọi thứ chỉ nhờ nhờ, tựa như ngắm nhìn cảnh vật với một tấm giấy than trước mặt. Cảm giác đó không trọn vẹn, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy được thỏa mãn. Sự nuối tiếc này biết đâu sẽ là cái cớ để chúng tôi trở lại đây vào mùa hè, khi cây cỏ nở hoa, và đồi núi phảng phất vị cỏ dại. Không ngẫu nhiên mà ngôi làng này lại thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đến thế.

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Bên bờ biển Barents, nhìn ra Bắc Băng dương. 
 
Những ngày ở Bắc Cực -0

Trời lúc thì đổ mưa, lúc thì như ai bào đá lạnh ném từ trên cao xuống. Tuyết bám lên cổ áo lông của bác kéo xe, lăn xuống, nhưng vì cổ áo thít chặt nên tan ngay chỗ chạm da. Сhúng tôi cảm ơn bác, rồi lên xe trở về thành phố Murmansk, thủ phủ tỉnh cùng tên. Trong đầu bắt đầu mường tượng ra thành phố lớn nhất thế giới phía trên vòng Bắc Cực - một trong năm vĩ tuyến chủ yếu được thể hiện trên bản đồ Trái đất. Nơi đó, chúng tôi có chuyến đi săn bắc cực quang đầu tiên của cuộc đời mình.

Trong những câu chuyện của Nikita, rồi sau này là Oleg, chúng tôi biết rõ hơn về thành phố Murmansk. Nằm ở tây-bắc nước Nga. Trên bán đảo Kola, là cái mõm của con “sư tử” Bắc Âu trên bản đồ. Thành phố trải dài dọc theo vịnh Kola, vốn không bị đóng băng ngay cả trong những đợt sương giá khắc nghiệt nhất, nhờ các dòng hải lưu nóng. Cũng vì thế, Murmansk là một trong những thành phố ấm nhất phía trên vòng Bắc Cực. 

Thỉnh thoảng, mùa đông ở Murmansk có những hôm chỉ -3 độ C, như những ngày chúng tôi đến đó. Còn thường thì -15 đến -20 độ C. Bản thân Nikita, hay những người chúng tôi gặp, cũng thừa nhận trời ấm thì dễ chịu hơn. Chúng tôi được kể, mùa xuân và mùa thu ở Murmansk rất đẹp, nhưng lạnh. Vào mùa thu, có thể nhìn thấy nhiều sắc thái màu sắc. Trời khô ráo và thời tiết đẹp, nhưng những trận mưa như trút nước có thể biến thành phố thành một vũng bùn khổng lồ. Còn mùa xuân ở Murmansk thì chậm chạp, tuyết rơi vào cả những ngày lễ tháng 5. 

Phải may mắn lắm chúng tôi mới được Oleg, một người đàn ông khoảng ngoài 40, là Chủ tịch Hiệp hội du lịch Murmansk, đón từ khách sạn, với nhiệm vụ có vẻ bất khả thi: Săn bắc cực quang vào một ngày -3 độ C, nhiều mây. Cực quang thực tế là hiện tượng quang học hiếm gặp. Những dải ánh sáng này được tạo thành do hiện tượng tương tác giữa các hạt mang điện tích từ gió mặt trời và tầng khí quyển bên trên của Trái đất. Chúng chỉ xuất hiện vào những hôm lạnh sâu, trời quang mây, nhiều sao. 

Nhìn vào khuôn mặt không tí cảm xúc nào của Oleg khi chúng tôi hỏi có bao nhiêu “phần trăm thành công”, chúng tôi biết, đêm nay có thể trắng tay. Cơ hội là rất nhỏ. Nhưng chúng tôi muốn thử.

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Quang cảnh thành phố Murmansk. 

Oleg đưa chúng tôi đi xa dần khỏi thành phố, trên những con đường là ranh giới giữa đô thị đèn điện giăng đầy bên dưới và những quả đồi phía trên đầy ắp những căn biệt thự gỗ đỏ đèn tròn trong tuyết. “Càng ra xa khỏi ánh sáng đô thị, cơ hội săn được cực quang càng cao”, Oleg giải thích. Hằng năm, hàng nghìn người đổ về Murmansk để săn thứ ánh sáng diệu kỳ trên bầu trời từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, với niềm tin rằng, thấy bắc cực quang sẽ mang lại may mắn. Trong đó có chúng tôi. 

Trên đường đi, Oleg liên tục cập nhật tình hình mây trong vùng. Không thấy gì khả quan. Bầu trời Murmansk xám ngắt, đục ngầu. Chúng tôi hỏi Oleg về thời gian cực quang lưu lại trên bầu trời. “Thật khó để nói vũ điệu ánh sáng sẽ kéo dài bao lâu. Có thể một, có thể hai phút, có thể ít hơn”. Oleg vừa nói, vừa ngó lên bầu trời, nheo mắt tìm những khoảng trời nhiều sao. Còn chúng tôi vẫn liên tục nhầm lẫn những khoảng trời có các dải sáng là cực quang, khi đi qua các khu công nghiệp, hay sân bay. 

Dù nhiều lần săn cực quang thành công, Oleg thừa nhận ông vẫn thấy hiện tượng này là một điều gì đó kỳ diệu và huyền bí. “Đôi khi các tia sáng đi xuống, kiểu như một con tàu vũ trụ vô hình đang đưa bạn lên phía trên. Đôi khi nó nhảy múa rất đẹp, như một vận động viên thể dục di chuyển trên bầu trời với một dải ruy băng nhiều màu sắc. Đây là sự huyền bí của vũ trụ".

Năm tiếng trong rừng, rồi trên đồi, đồng bằng… Chúng tôi băng qua các khu rừng rộng lớn, mà đèn pha ô-tô là thứ ánh sáng duy nhất trong cái im lìm có đôi chút đáng sợ của tự nhiên. Chúng tôi cũng rẽ vào những con đường mòn chỉ in hai hàng lốp xe, không dấu chân người, mà dường như chỉ có các “thợ săn” thông thạo. Đến cả những ngôi nhà kính hình tròn, xây dựng kiểu khách sạn tại những nơi dễ ngắm cực quang nhất, nhưng trời vẫn không quang mây. Mọi thứ chỉ dừng lại ở những vệt sáng nhờ nhờ, chỉ nhìn rõ hơn khi chụp bằng máy ảnh chuyên dụng ở chế độ phơi sáng 15 giây. 

Đêm nay không phải đêm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng không vì thế mà buồn. Oleg mời chúng tôi trà nóng và socola để giữ ấm cơ thể. Chúng tôi sẽ còn hai đêm ở Kirovsk. Biết đâu được, ở một nơi núi đồi lởm chởm bao quanh thành phố, may mắn sẽ mỉm cười.

Những ngày ở Bắc Cực -0

Cực quang đang thịnh hành ngày nay, nhưng ngành kinh doanh du lịch thì không thể đứng yên ở hiện tượng tự nhiên có phần may rủi này. Do đó, Murmansk đã phát triển nhiều nhiều chương trình khác, để làm vui lòng du khách.  

Có một số việc cần phải làm ở Murmansk. Như vào quán ăn nhanh McDonald “cực bắc nhất” thế giới, mở năm 2013. Có thể vì cái thương hiệu đỉnh cực bắc Trái đất, nên nhà hàng này luôn đông khách. Rồi thăm đài tưởng niệm Alyosha (cao khoảng 35,5m, chưa tính khối đế, bức tượng cao thứ hai tại Nga), hay “Hòn vọng phu”, với tượng người phụ nữ cùng chú hải âu hướng ra biển. 

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Đài tưởng niệm Alyosha và hòn vọng phu. 

Và quan trọng hơn, là thăm con tàu mang tên Lenin tại cảng Murmansk, để hình dung về ngành công nghiệp đóng tàu vĩ đại của Liên Xô.

Không phải ngẫu nhiên ngày 3-12 được chọn là Ngày thành lập Hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga. Vào đúng ngày này năm 1959, quốc kỳ Liên Xô (nay là Liên bang Nga) đã được kéo lên trên con tàu phá băng huyền thoại đầu tiên trên thế giới chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đó là con tàu mang tên Lenin. 

Nước Nga dù có hơn 10 nghìn km đường biên giới giáp biển, song đế chế hùng mạnh này xưa kia chỉ có hai lối ra biển, từ Biển Đen ra Địa Trung Hải và từ vùng Viễn Đông xa xôi ra Thái Bình Dương. Khu vực biển Bắc nối với các nước châu Âu chỉ có thể sử dụng vào mùa hè, khi các khối băng dày tan chảy. 

Chính vì điều đó, việc chế tạo một con tàu có mũi bằng kim loại, đủ sức nặng để trườn lên các lớp băng dày, phá vỡ chúng và mở ra tuyến đường biển dù chỉ trong vài giờ, giúp tàu bè qua lại, là nhiệm vụ cấp bách. 

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Tàu phá băng Lenin được neo đậu vĩnh viễn tại Cảng Murmansk - trở thành Bảo tàng, nơi nhiều người mong ước được ghé thăm.

Sau một số phiên bản tàu phá băng, quyết định đóng tàu Lenin được đưa ra năm 1953. Trong công trình đồ sộ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng này, khoảng 300 xí nghiệp công nghiệp, viện nghiên cứu khoa học Liên Xô đã được huy động tham gia. Khi đó, do Liên Xô không có xưởng đóng tàu nào đủ sức chứa tàu Lenin dài 134 m, rộng 28 m và cao tới 46 m, nên mọi hoạt động đóng tàu đều công khai ngoài trời. 

Theo hồi ký của những người tham gia thiết kế và đóng tàu mà chúng tôi biết được, con tàu được chế tạo từ 70 nghìn bộ phận, nặng tới 11 nghìn tấn. Và nếu được ghép lại, chúng sẽ có tổng chiều dài lên tới hơn 6.000 km, nghĩa là xấp xỉ khoảng cách từ Moscow đến Vladivostok, mà đường bay dài đến chín tiếng. Một con tàu chưa từng có trên thế giới.

Những ngày ở Bắc Cực -0
Công trình lộ thiên khi đóng con tàu huyền thoại mang tên V.I.Lenin, Ảnh tư liệu của Bảo tàng Nhà máy đóng tàu “Admiralty” 

Chuyến đi tới Bắc Cực đầu tiên của tàu phá băng Lenin bắt đầu vào năm 1960. Kể từ khi được hạ thuỷ, tàu Lenin hoạt động liên tục trong 30 năm. Con tàu huyền thoại này cũng đã trở thành chiếc tàu đầu tiên có thể vượt mọi băng giá miền cực bắc, trong một hải trình liên tục kéo dài tới 13 tháng không cần cập cảng, điều bất khả thi đối với mọi con tàu trước đó chạy bằng diesel.

Trong 30 năm, tàu Lenin đã đi qua 854.400 dặm, lai dắt 3.741 con tàu vượt qua tầng tầng lớp lớp băng giá miền Bắc Cực. Có thể hình dung khoảng cách này tương đương việc đi vòng quanh Trái đất tới 30 lần, theo đường xích đạo.

Vào những dặm cuối cùng trước khi dừng hoạt động, tàu Lenin đối mặt mối đe dọa bị phá huỷ. Tuy nhiên, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử “Rosatom”, chủ sở hữu hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga từ năm 2008, đã tài trợ toàn bộ công việc tái tạo, làm sạch phóng xạ hạt nhân. Giờ đây, tàu Lenin neo đậu tại cảng Murmansk, được tái tạo thành một bảo tàng, kiêu hãnh soi mình xuống sóng nước biển Barents. Con tàu – bảo tàng Lenin đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào nơi thành phố miền cực Bắc nước Nga.

Chúng tôi cũng biết rằng, kể từ những mối hàn đầu tiên, cho đến những hải lý chạy thử nghiệm ban đầu, và giờ đây được neo đậu vĩnh viễn ở Murmansk, tàu phá băng Lenin chưa một lần trở lại vùng biển Baltic, về bên bờ biển Leningrad quê hương của mình. Nhưng từ vùng biển ấy, có những con tàu lớp Bắc Cực tiếp theo đã ra đời và lặp lại những hải trình khởi điểm đầu tiên từ vùng biển ấy, mang theo niềm tự hào về một Hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân LB Nga. 

Những ngày ở Bắc Cực -0

5 giờ chiều chủ nhật, các cửa hàng, ki-ốt ở Kirovsk hầu như đã đóng cửa. Thành phố ngập trong sương mù. Cây cối được phủ một lớp tuyết, trên nền trời đen trông như được quấn một lớp giấy bạc. Chỉ còn xe buýt chạy trên lớp tuyết dày, cứ một đoạn lại lầm lũi vào bến. Những lớp sương mù dần dà bay lên khỏi mặt đất, đông đặc lưng chừng, lơ lửng. Đứng trên một con đường cao nhìn xuống dốc, cảm giác như bóng tối ở đây không thể xuyên thủng. Gió tự nhiên thổi mạnh, làm tuyết trên cây rơi từng mảng lộp bộp xuống đất.

Mùa đông ở đây kéo dài tận chín tháng.

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Quang cảnh Kirovsk buổi tối.

Kirovsk là cơ hội cuối cùng để chúng tôi săn cực quang, nằm cách thành phố Murmansk hơn 200 km về phía nam, một nơi khá “kín đáo”. Trước đó, những gì chúng tôi biết được chỉ là thành phố nằm giữa các sườn dốc của Khibiny, dãy núi lớn nhất trên bán đảo Kola. 

Sergei chờ sẵn chúng tôi từ trước. Đó là một chàng thanh niên hơn 22 tuổi, hay cười, tóc vàng tơ mỏng đặc trưng của Nga. Sau này, khi anh giới thiệu chúng tôi với giám đốc một công ty du lịch nổi tiếng trong vùng, chúng tôi mới biết anh là con trai của giám đốc. Cũng như Nikita ở Teriberka, Sergei yêu Kirovsk không điều kiện. “Tôi làm du lịch từ bé, không phải vì nhà có công ty riêng”, Sergei phân trần.

Chỉ có hai chiếc đèn giao thông ở Kirovsk, nơi chưa đến 30 nghìn dân. Trong hai chiếc đó, một mới xuất hiện gần đây. Ngay từ những đoạn đường đầu tiên, chúng tôi có phần choáng ngợp. Tôi thậm chí còn tưởng những dãy núi cao hơn 1000 m trước mắt là những đám mây mờ trong tuyết. Phải dụi mắt hai lần, mới tin đó là núi. Sergei khẽ cười rồi giơ tay vừa nói vừa chỉ: “Núi đấy. Kia nữa kìa”. Trong ánh mắt của Sergei, tôi thấy sự tự hào của một người bản địa. Họ tự hào vì có dãy Khibiny, dù không thể so sánh với Alps, Caucasus hay Himalayas. 

Theo lời Sergei, thì nơi đây thiên nhiên từng có ý định tạo ra một ngọn núi lửa. Các luồng magma nóng chảy mạnh mẽ đã lao từ ruột nóng của Trái đất lên bề mặt, song không thể tuôn trào. Một ngọn đồi khổng lồ đã nằm sừng sững giữa đồng bằng với những ngọn núi lởm chởm là những gì được tạo nên. Đó là Kirovsk của ngày hôm nay, nhìn qua, có thể liên tưởng đến bán đảo Kamchatka, phía đông nước Nga. 

Kirovosk ngày càng nổi tiếng hơn với hơn một trăm loại khoáng chất được tìm thấy ở Khibiny, trong đó, có những loại chưa được phát hiện ở bất kỳ nơi nào khác. Điều này đã gợi ý cho hàng trăm người đến thử vận may nhặt được những loại đá tự nhiên quý hiếm trên đường, dù theo Sergei, điều này khó xảy ra. 

Trước đây, không có cư dân cố định ở Khibiny, chỉ có người Sami xuất hiện vào mùa hè, săn bắn và chăn tuần lộc. Năm 1929, hàng loạt những người định cư đã đến Khibiny, sinh sống trong các lều, trại, bắt đầu công cuộc khai phá tài nguyên và xây dựng thành phố mới. Ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đã có những bước phát triển mạnh ở Kirovsk những năm 30 của thế kỷ trước.

Những ngày ở Bắc Cực -0
 Chúng tôi khám phá Khibiny bằng xe motor trượt tuyết.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) đã làm gián đoạn tiến trình sáng tạo và phát triển. Kirovsk bị oanh tạc từ trên không. Bản đồ của Đức về các mục tiêu ném bom ở Kirovsk vẫn được lưu giữ trong bảo tàng thành phố. Chiến tranh kết thúc, nền công nghiệp được khôi phục. Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, việc xây dựng nhà ở quy mô lớn diễn ra ở trung tâm Kirovsk, dưới chân núi Aikuayvenchorr. Những tòa nhà này đến nay vẫn nằm hiên ngang dưới chân khu trượt tuyết lớn của thành phố. Kirovsk là nơi mà phong cách kiến trúc của các tòa nhà những năm 30, 50 và 80 cùng tồn tại.

Sương mù dày đặc có thể khiến chúng tôi không thể đi cáp treo lên núi để ngắm thành phố, song không thể ngăn cản hàng trăm vận động viên đến đây trượt tuyết.  Kirovsk là nơi lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên và thể thao. Nơi đây là một trong những trung tâm trượt tuyết hàng đầu ở Nga, nơi có thể trải nghiệm các trò chơi mùa đông từ tháng 10 đến tháng 5. Trong đó, khám phá dãy núi Khibiny bằng xe motor trượt tuyết hình con cào cào, với hai chân trước như hai bàn trượt, là một trải nghiệm khó quên.

Trời vẫn mù sương trong cả hai tối chúng tôi lưu lại Kirovsk. Mây vẫn tỏa kín các đỉnh núi. Những làn khói của các nhà máy nước càng khiến lớp mây như đông đặc hơn. Không còn cơ hội để săn cực quang trong dịp này, nhưng với những gì đã trải nghiệm, chúng tôi mỉm cười trở về với nhiều ấn tượng sâu sắc. Moscow đón chúng tôi bằng một cơn mưa đêm…

Những ngày ở Bắc Cực ảnh 19

Ngày xuất bản: 15-02-2021

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: QUẾ ANH – THANH THỂ

Ảnh: QUẾ ANH – THANH THỂ

Kỹ thuật & Đồ họa: NGUYỄN ĐĂNG