Báo cáo mới đây của EIU cho biết từ nhiều nền kinh tế trên thế giới, các ngành hàng quan trọng cũng như giá thực phẩm, ngũ cốc đều có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng Nga-Ukraine.
Từ những ngành hàng chủ chốt
Theo công ty nghiên cứu trên, giá thực phẩm đặc biệt nhạy cảm với tình hình xung đột tại Ukraine vì cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều nước châu Á lại phụ thuộc vào các mặt hàng như phân bón từ Nga.
Trong đó, Indonesia chiếm hơn 15% tổng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và Ukraine trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là khoảng 10%.
Giá dầu, khí đốt và ngũ cốc toàn cầu đã tăng mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2. Trong đó, giá lúa mì kỳ hạn đã thu hẹp phần nào đà giảm, nhưng vẫn tăng 65% so một năm trước. Giá ngô kỳ hạn cũng tăng hơn 40% trong cùng giai đoạn này.
Trong số các nước sẽ bị thiệt hại nhiều nhất từ tình hình này, Pakistan chiếm khoảng 40% lượng ngũ cốc nhập khẩu toàn cầu từ Nga và gần 40% từ Ukraine, trong khi tỷ trọng này của Bangladesh là hơn 20% từ Nga và gần 20% từ Ukraine.
Nhiều nước sẽ bị tác động bởi sự tăng giá mạnh này, nhưng cũng có những nước sẽ được hưởng lợi, trong đó có các nước xuất khẩu than đá như Australia, Indonesia, Mông Cổ; các nước xuất khẩu dầu thô như Malaysia, Brunei; các nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) như Australia, Malaysia, Papua New Guinea, các nước cung cấp lúa mì như Australia và Ấn Độ.
Bên cạnh thực phẩm và năng lượng, nguồn cung nickel cũng bị ảnh hưởng khi Nga là nhà cung cấp nickel lớn thứ ba thế giới. Indonesia và New Caledonia có thể trở thành các nguồn cung nickel thay thế cho Nga.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch là cũng ngành có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình xung đột hiện tại. EIU cho biết dù các tuyến hàng không của châu Á vẫn mở cửa với các hàng hàng không Nga, nhưng sự gián đoạn về kinh tế, sự mất giá của đồng ruble và việc nhiều dịch vụ thanh toán quốc tế rút khỏi Nga có thể ảnh hưởng đến tâm lý sẵn sàng đi du lịch của du khách nước này.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào du khách Nga vẫn còn thấp tại châu Á. Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ du khách Nga tại khu vực này trong năm 2019, khi đón đến 1,4 triệu lượt du khách từ nước này, theo EIU.
Thế nhưng, con số này cũng chỉ chiếm chưa đến 4% tổng lượt du khách đến Thái Lan trong năm 2019. Việt Nam xếp thứ hai trong số các nước châu Á có lượng du khách Nga cao nhất, tiếp đến là Indonesia, Sri Lanka và Maldives.
Các nền kinh tế lớn
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) mới đây dự báo kinh tế Nga và Ukraine có thể sẽ suy giảm lần lượt 10% và 20% trong năm nay do xung đột giữa hai nước gây ra "cú sốc về nguồn cung" lớn nhất trong 50 năm qua.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine ngày 24/2 vừa qua, EBRD dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3% và kinh tế Ukraine tăng trưởng 3,5%. EBRD nêu rõ ngân hàng này là thể chế tài chính quốc tế đầu tiên cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga và Ukraine kể từ khi xung đột xảy ra.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni hôm 4/4 đã bác bỏ thông tin cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay.
Tuy nhiên, ông dự báo mức tăng trưởng "rất giảm". Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Bộ trưởng Tài chính 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, hôm 4/4 ở Luxembourg, Ông Gentiloni thừa nhận tác động của tình trạng xung đột này đến nền kinh tế châu Âu khiến kinh tế châu Âu không đạt được mức tăng trưởng như dự báo trước đây. Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để đưa ra một ước tính định lượng. Theo ông, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể đạt 4% trong năm 2022 trong khu vực đồng euro.
Về phần mình, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche Bank của Đức Christian Sewing ngày 4/4 cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái nghiêm trọng nếu ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Theo ông Sewing, các ngân hàng Đức dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay sẽ giảm mạnh, vào khoảng 2% do cuộc xung đột ở Ukraine.
Trước tình hình trên, ông Changyong Rhee, Giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng căng thẳng Nga-Ukraine đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế châu Á, vốn đã phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron lây lan mạnh và phải hứng chịu các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Theo ông Changyong Rhee, IMF đang xác định tác động của căng thẳng Nga-Ukraine qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn chưa có con số chính xác. Ông lưu ý rằng kênh quan trọng nhất có sức tác động đến nền kinh tế châu Á là giá hàng hóa, nhất là giá dầu. Căng thẳng Nga-Ukraine càng kéo dài càng khiến giá dầu biến động. Với sự biến động của giá dầu, tác động đến nền kinh tế châu Á có thể thay đổi “khá nhiều.”
IMF hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2022 từ 3,3% xuống còn 2,4%, với lý do bất ổn đang gia tăng do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng trong năm tới từ 1,8% lên 2,3%.
Trong báo cáo công bố ngày 7/4, IMF khẳng định đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ tiếp tục trong năm nay sau khi đã trải qua suy thoái vì dịch Covid-19 nhờ sự hỗ trợ của chính sách tài khóa mạnh và những tiến bộ vững chắc trong chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19.
Còn với Ấn Độ, ngân hàng trung ương nước này ngày 8/4 hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong khi nâng dự báo lạm phát, với lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể cản trở quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 vốn mới bất đầu. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ dự báo kinh tế tăng trưởng 7,2% trong năm tài chính 2022-2023, giảm so dự báo 7,8% trước đó.
Dự báo lạm phát cùng kỳ được điều chỉnh lên thành 5,7% so mức 4,5% đưa ra 2 tháng trước. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết nước này đang đối mặt với những thách thức mới rất lớn, đồng thời gọi cuộc xung đột ở Ukraine là một thay đổi địa chấn.