Những lớp học xóa mù chữ ở Vĩnh Hải

Cứ ba buổi tối/tuần, 104 học sinh người dân tộc thiểu số Ra Glai từ 25 đến 73 tuổi ở hai thôn Cầu Gãy và Ðá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) chăm chỉ đến các lớp học xóa mù chữ do địa phương tổ chức. Khi các lớp học sáng đèn, cả thôn được nghe đọc, đánh vần các chữ viết ê, a vang vọng cả một vùng thuộc rừng Vườn quốc gia Núi Chúa.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp học xóa mù chữ tại Trường tiểu học Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Một lớp học xóa mù chữ tại Trường tiểu học Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Hiện nay, tất cả chín xã, thị trấn của huyện Ninh Hải đạt chuẩn giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Vui vì biết đọc, biết viết

Chúng tôi về Vĩnh Hải vào những ngày cuối năm 2023 và cảm nhận không khí đặc biệt trong các lớp học xóa mù, cùng chung vui với đồng bào Ra Glai nơi đây vui đón năm mới. Nhiều người bảo: Năm nay bà con vui lắm, vì nhiều người trong thôn đã biết đọc chữ và tự viết những câu chúc mừng năm mới để tặng người thân, bạn bè,... tình cảm láng giềng thân thiện lắm.

Các lớp học xóa mù chữ tại Trường tiểu học Vĩnh Hy bắt đầu từ 19 giờ các ngày thứ hai, tư, sáu hoặc ba, năm, bảy hằng tuần, nhưng trước khi trời tối, các bà, các mẹ, các anh ở thôn Cầu Gãy đã í ới gọi và nhắc nhau đến lớp đúng giờ.

Dù chân bị khuyết tật, đi lại rất khó khăn, nhưng anh Cao Văn Kem (38 tuổi) ở thôn Cầu Gãy luôn đến lớp học rất sớm. Anh Kem chia sẻ: “Mấy chục năm qua mình không biết chữ cho nên rất ngại giao tiếp với mọi người. Khi xã tổ chức dạy xóa mù chữ, mình vui lắm. Sau một năm nhờ các thầy, các cô chỉ dạy, mình đã biết đọc, biết viết, hiện giờ rất tự tin hòa nhập với các sinh hoạt tại cộng đồng”.

Cụ bà Lâm Thị Tiềm (73 tuổi) ở thôn Ðá Hang là học sinh lớn tuổi nhất lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền tâm sự: "Mắt tôi đã kém, trí nhớ cũng không còn tốt cho nên việc học chữ khá khó khăn. Nhờ thầy cô tận tình chỉ dạy, tôi đã biết viết, biết đọc chữ nên vui lắm. Hết học trên lớp, khi về nhà, tôi nhờ cháu nội chỉ thêm. Nay, không chỉ biết viết họ tên của mình, đọc sách mà còn là tấm gương để con cháu noi theo, tôi rất phấn khởi.

Thầy giáo Trần Trọng Ðạo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hy cho biết: Tuy hoàn cảnh, tuổi tác các học sinh khác nhau, nhưng họ có chung ước mơ biết đọc, biết viết, cho nên học tập rất chăm chỉ. Hình ảnh chị Cao Thị Tiêu ở thôn Ðá Hang tay trái thì bế con nhỏ, tay phải tập viết chữ, làm bài tập và luôn có thành tích nổi bật nhất lớp trở thành gương điển hình cho mọi người học tập, làm theo.

Chị Tiêu bộc bạch: “Giờ không đi học thấy buồn lắm. Ðến lớp, vừa học chữ vừa có thêm bạn bè mới chia sẻ vui, buồn và giúp nhau các công việc cá nhân khác. Nay, lớp học chính là gia đình thứ hai của mọi người”.

Xóa mù chữ để vươn lên

Anh Cao Văn Ðen, Trưởng thôn Cầu Gãy nói: “Từ ngày có các lớp học giúp nhiều người biết đọc, biết viết, cho nên mọi sinh hoạt trong thôn càng gắn bó và vui hơn. Nay, tình trạng đàn ông tụ tập uống rượu giảm nhiều, thay vào đó là thường rủ nhau đến nhà trưởng thôn tìm đọc sách, báo và trao đổi cách sản xuất để vươn lên cải thiện đời sống. Một số trường hợp trước đây có mâu thuẫn với nhau, sau đã thông cảm và tha lỗi cho nhau, nhưng ngại gặp mặt để bày tỏ mong muốn của mình, sau khi theo học lớp xóa mù và biết chữ đã tự viết thư thăm hỏi và cùng nhau xóa bỏ hiềm khích, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đầm ấm hơn.

Gần đây, khi thấy nhiều hộ trong thôn có người đi học lớp xóa mù và biết chữ, biết cách áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả, đời sống được cải thiện, đồng bào đã nâng cao nhận thức và hiểu rằng nên học chữ để có cơ hội vươn lên, đồng thời nêu gương cho con cháu. Vì thế, nhiều người lớn tuổi không còn ngại đến lớp như trước, bà con rất mong muốn địa phương tiếp tục mở lớp để mọi người trong thôn đều biết chữ.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ninh Hải cho biết, toàn huyện đã có ba điểm trường mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học Vĩnh Hy ở thôn Cầu Gãy có năm lớp với 54 người; Trường tiểu học và THCS Ngô Quyền ở thôn Ðá Hang có bốn lớp với 50 người đến lớp.

Trong năm 2023, xã Vĩnh Hải đã xây dựng kế hoạch nguồn sự nghiệp thực hiện chính sách dân tộc là 8,5 tỷ đồng, đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng; sửa chữa phòng học nhà cộng đồng và trường học thôn Ðá Hang….

Năm 2023, huyện Ninh Hải đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tổ chức các lớp xóa mù chữ. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác phổ cập giáo dục ở các địa phương, phấn đấu trong năm 2024 sẽ mở thêm một lớp để đáp ứng nguyện vọng xóa mù chữ của đồng bào, giúp bà con Ra Glai có điều kiện tiếp thu việc tuyên truyền, hướng dẫn, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Khắc Hòa

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải