Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có đóng góp đặc sắc vào tư duy chính trị thế giới nói chung và lý luận cộng sản nói riêng trên nhiều vấn đề cơ bản, xuyên suốt hai thế kỷ 20 và 21.
Một là, đã bổ sung, phát triển nhận thức về vấn đề thuộc địa trong bối cảnh mới của thời đại; luận chứng con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng thuộc địa, mở đầu dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc và quá trình tan rã của hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới. Bước vào thế kỷ 20, thế giới phải giải quyết nhiều bức bách của nhân loại, trong đó vấn đề thuộc địa nổi lên với quy mô bao trùm nhất. Đến năm 1914, hơn 2/3 diện tích địa cầu và gần 2/3 dân số thế giới nằm trong hệ thống thuộc địa do một nhóm nhỏ các “mẫu quốc” thực dân cai trị[1].
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề thuộc địa một cách hết sức thực tiễn, không nhìn nhận giản đơn vấn đề thuộc địa chỉ là vấn đề nông dân; cũng không máy móc nhận thức vấn đề thuộc địa hoàn toàn là vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Theo Hồ Chí Minh, thực chất của vấn đề thuộc địa là vấn đề dân tộc thuộc địa, là đấu tranh xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, là cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng thuộc địa không chỉ trông chờ vào kết quả của cách mạng vô sản ở chính quốc, hơn nữa cần phải chủ động và có thể giành thắng lợi trước và bằng thắng lợi của mình sẽ góp phần vào sự nghiệp cách mạng ở chính quốc[2]. Đây chính là đóng góp lý luận đầu tiên ghi tên Hồ Chí Minh - Việt Nam vào di sản lý luận Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh xuất bản đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã sớm phân biệt ba loại hình cách mạng: “tư bản cách mệnh, dân tộc cách mệnh, giai cấp cách mệnh”[3]. Với Người, yêu cầu bức thiết nhất của xã hội thuộc địa chưa phải là đấu tranh giai cấp như trong các xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây, mà là lật đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu ra một con đường vừa mang ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vừa báo hiệu một sáng tạo lớn, bám sát đặc thù Việt Nam: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[4]. Tư sản dân quyền cách mạng là giai đoạn chiến lược hoàn thành nhiệm vụ lật đổ chế độ thực dân, giành chính quyền. Thổ địa cách mạng không nằm trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà là một giai đoạn chiến lược với nhiệm vụ chủ yếu là cách mạng ruộng đất. Đi tới xã hội cộng sản là giai đoạn phát triển kế tiếp để từng bước đạt mục tiêu cuối cùng. Con đường cách mạng để giải quyết vấn đề thuộc địa ở Việt Nam đã được người sáng lập Đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức như vậy! Con đường không có trong khuôn mẫu kinh điển, không có tiền lệ trong lịch sử.
Từ Việt Nam, ngọn đuốc giải phóng đã sang khắp Á, Phi, Mỹ Latin, tạo thành một làn sóng cách mạng của thời đại. Hệ thống thuộc địa mà các thế lực thực dân dựng lên trong suốt 5 thế kỷ từ năm 1492 đã sụp đổ hoàn toàn vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Hơn 100 quốc gia độc lập có chủ quyền đã ra đời, tự quyết định con đường phát triển, không lệ thuộc vào thực dân đế quốc, làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới.
Hai là, đã xây dựng, phát triển lý luận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh ấy trước những thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ trên thế giới. Cách mạng Việt Nam từng phải đương đầu với những thế lực thực dân, đế quốc hàng đầu: Thực dân Pháp, phát-xít Nhật Bản và đế quốc Mỹ. Tương quan lực lượng trên hầu hết các phương diện (vật chất-kỹ thuật, trang bị, vũ khí chiến tranh, quân số, khả năng cơ động…) đều nghiêng về phía kẻ xâm lược.
Trong những hoàn cảnh rất bất lợi đó, quân và dân Việt Nam đã phát huy trí tuệ đánh giặc giữ nước của nghìn năm lịch sử và kết hợp với khoa học, nghệ thuật chiến tranh hiện đại, sáng tạo nên lý luận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Tất cả các nguồn lực vật chất và tinh thần; mọi lực lượng dân sự và vũ trang vừa sản xuất vừa chiến đấu; nhân dân từ trẻ đến già, mọi dân tộc, tầng lớp, vùng miền đều “tay súng, tay cày”; sức mạnh quốc gia và quốc tế được huy động phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo ra sức mạnh tổng hợp Việt Nam, lớn hơn sức mạnh của quân xâm lược trên chiến trường. Sức mạnh to lớn này được sử dụng trong thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp có hiệu quả kinh tế với quốc phòng; kinh tế, quốc phòng với đối ngoại… đã tạo ra thế và lực cho Việt Nam tiến chắc, đánh chắc, giành thắng lợi từng phần, tiến tới thắng lợi hoàn toàn như lịch sử đã chứng minh. Sáng tạo quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã được diễn đạt thông qua công thức biểu trưng, mà mới nghe, tưởng như nằm ngoài các quy luật thép của mọi cuộc chiến tranh: Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Ba là, đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học trong xây dựng và đổi mới chủ nghĩa xã hội, góp phần tăng cường sức sống cho chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới của thời đại. Các quá trình cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, tuy được tiến hành gần như cùng thời gian với đổi mới ở Việt Nam nhưng không thành công, càng triển khai thì chủ nghĩa xã hội càng suy yếu để cuối cùng sụp đổ, tan rã một cách xót xa. Trái lại, ở Việt Nam, chủ nghĩa xã hội thông qua đổi mới, cải cách, cập nhật hóa đã tìm được những “mảnh đất hiện thực” sinh động để khẳng định sức sống và phát triển. Bí quyết làm nên sự khác nhau này chính là đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản
Việt Nam khởi xướng và liên tục bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp. Toàn bộ những kết quả quan trọng này tạo thành lý luận về đường lối đổi mới, xứng đáng là đóng góp lý luận đặc sắc của Đảng và nhân dân
Việt Nam đối với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và tư duy chính trị thế giới ngày nay.
“Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”[5]; “Chủ nghĩa xã hội là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân”[6]; “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”[7]; “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[8]… Nêu lại một số luận điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang kế thừa để thấy rõ lãnh tụ Việt Nam, ngay từ rất sớm, đã bản lĩnh vượt qua mọi khuôn mẫu, sáng tạo, nhận thức cái phổ biến trong cái đặc thù và thật sự đã có những đóng góp lý luận vượt thời gian để đồng hành cùng những người cộng sản trên thế giới hiện nay.
Hệ thống các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, tám phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội và các mối quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp điều kiện cụ thể, trong đó vừa chứa đựng những nguyên lý bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa cập nhật những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals-MDG) và những mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals-SDG) mà Liên hợp quốc vạch ra như hướng đi cho nhân loại đến giữa thế kỷ 21.
Bốn là, đã nêu lên bài học kinh nghiệm về tập hợp, đoàn kết, liên minh lực lượng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của các dân tộc và toàn nhân loại hiện nay. Theo phát biểu của nhiều chính khách, nhà hoạt động chính trị-xã hội và học giả quốc tế, đây là đóng góp thiết thực từ thực tiễn cách mạng Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng, cánh tả, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, tuy rất đông đảo và đầy nhiệt huyết nhưng chưa đoàn kết thành một thực thể sức mạnh tổng hợp đương đầu với các thế lực tư bản hiện nay[9].
Những người cộng sản Việt Nam đã thực hiện thành công di huấn của C. Mác và Ph. Ăngghen thiên tài “vô sản mỗi nước phải biết giành lấy dân tộc, biến thành dân tộc” trong quá trình lãnh đạo cách mạng vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; đồng thời, cũng đặc biệt thành công trong gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Đông đảo bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều đại diện của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng thế giới đã trở về với thực tiễn sinh động và những bài học kinh nghiệm đắt giá đã được đúc kết từ cách mạng Việt Nam. Đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đó là cẩm nang thần kỳ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng tiền phong và nhân dân Việt Nam đã kết thành lá cờ mang tầm vóc thời đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[10].
Cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay vừa được hưởng những tác động tích cực từ xu thế chung, thời cơ lớn, sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực…, vừa là đội tiên phong có nhiều đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp quốc tế, trong đó những đóng góp lý luận đặc sắc. Đây vừa là di sản quý báu và là sự bổ sung, phát triển lý luận cộng sản trong thời đại mới; đồng thời, cũng là một sự bổ sung, phát triển của tư duy chính trị hiện đại. Trong hành trình đi tới một xã hội tốt đẹp hơn, các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ sẽ còn trở lại với những di sản lý luận Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
[1]¿Qué es el colonialismo? (Chủ nghĩa thực dân là gì?) https://www.nationalgeographic.es/historia/colonialismo-que-es.
[2], [3], [5], [6], [7], [8], [10] Hồ Chí Minh Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.2.
[9] Tóm tắt Hội thảo quốc tế Các đảng chính trị và một xã hội mới lần thứ 27, Mexico, tháng 10 năm 2023. https://miu.do/miu-presente-en-xxvii-seminario-internacional-los-partidos-y-una-nueva-sociedad/