Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, liên tiếp trong hai năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Trong đó có việc phân bổ nguồn lực và triển khai các chương trình phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn của đại dịch, nhiều huyện, tỉnh đã và đang về đích nông thôn mới, cho thấy, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trên khắp cả nước với những kết quả hết sức phấn khởi.

Đường giao thông nông thôn ở Hải Dương.
Đường giao thông nông thôn ở Hải Dương.

Từ suy nghĩ đến cách làm mới

Theo số liệu từ Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, hiện nay cả nước có 5.615 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,2% (tăng 5,8% so với năm 2020). Có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 đơn vị so với năm 2020); đồng thời, 14 tỉnh có 100% số đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới. Cho thấy, chương trình đã hoàn thành và vượt tất cả các mục tiêu được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Tuy nhiên, từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới cho thấy, vẫn còn khoảng cách và chưa thật sự bền vững giữa các vùng miền, địa phương, đòi hỏi phải có những cách làm mới, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Ghi nhận tại tỉnh Hải Dương, một trong những địa phương đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng bộ máy quản lý; tuyên truyền, vận động; đào tạo, tập huấn, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, lập quy hoạch, xây dựng đề án đến công tác triển khai thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh triển khai nghiêm túc, khoa học, phù hợp và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Ðặc biệt, tỉnh luôn quan tâm chất lượng các tiêu chí để không ngừng hoàn thiện, nâng cao so với chuẩn. Nhờ chính quyền "xắn tay" vào việc cùng người dân, nhiều địa phương trong tỉnh đã có các tiêu chí nông thôn mới cao hơn gấp từ 1,5 lần đến 2 lần mặt bằng chung toàn quốc như xã Ðức Chính, Cao An huyện Cẩm Giàng, xã Nhân Quyền huyện Bình Giang, xã Bạch Ðằng thị xã Kinh Môn… với thu nhập bình quân đầu người/năm ước đạt 56,53 triệu đồng/người. Ðây là mức thu nhập mà người dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hướng đến. Ðược biết, sau khi được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã lên kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 85 triệu đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một héc-ta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2025 đạt 210 triệu đồng.

Không có nhiều thuận lợi như tỉnh Hải Dương, song Bắc Kạn cũng là địa phương có nhiều sáng kiến mới, nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới. Ðể có thể phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phân công mỗi sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ một đến hai xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới thay vì chỉ "khoán" việc xây dựng nông thôn mới cho thôn, bản, xã, huyện, thành phố. Tính từ năm 2015 đến 2021, toàn tỉnh đã có 70 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được phân công giúp đỡ 60 xã xây dựng nông thôn mới. Trong đó, năm 2019 và 2020, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã phân công thêm 10 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 10 xã sắp đạt chuẩn nông thôn mới, giúp các xã sớm đạt kế hoạch đề ra. Nhờ có sự đồng hành cùng người dân một cách toàn diện, những đánh giá, nhận định về khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ giúp cho tiến độ xây dựng nông thôn mới không những không bị chậm trễ mà còn thông suốt ngay cả trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát diện rộng trên phạm vi cả nước.

Nhân rộng những mô hình điểm

Ðể hỗ trợ địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, Nguyễn Minh Tiến, cần sớm hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021-2025, trong đó có cơ chế phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, cơ chế tài chính, nội dung, đối tượng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện nay, một số địa phương còn lúng túng trong ban hành các quyết định, hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, cơ sở. Ðây vốn là bài toán khó và cần có thời gian để chính sách mới từ Trung ương đi vào cuộc sống. Song ở góc độ địa phương, để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Bắc Kạn đã chọn giải pháp nâng cao trình độ, nhận thức của người dân thông qua 200 hội nghị tập huấn, tuyên truyền. Ðồng thời, thực hiện hàng nghìn phần việc cụ thể với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Cấp huyện cũng phân công các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ các xã, giúp nhân dân làm cầu đường, nhà văn hóa... với tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bắc Kạn.

Sự đồng thuận của người dân cũng là chìa khóa để địa phương mở ra con đường sớm tới đích xây dựng nông thôn mới. Phần lớn các hộ còn khó khăn, có hộ nghèo nhưng sẵn sàng hiến đất, góp công vào việc chung. Ðã hơn hai năm người dân ở thôn Bản Ðén 2, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới được hưởng lợi nhờ tuyến đường giao thông đã được đổ bê-tông khang trang. Thành quả chung đó có phần đóng góp không nhỏ của anh Ma Văn Toàn. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác, anh Toàn sẵn sàng đóng góp công sức, đất đai. Anh Ma Văn Toàn chia sẻ, tôi đã vận động gia đình hiến 1.200 m2 đất ruộng để làm đường giao thông liên thôn, mong muốn người dân có thể đi lại thuận tiện. Việc làm của anh Toàn đã khiến nhiều người dân chung quanh cảm phục, bởi gia đình anh cũng không khá giả, vậy mà lại hiến hàng nghìn mét vuông đất, với giá trị thời điểm ấy lên đến hàng chục triệu đồng. Theo đó, đã có nhiều người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới.

Còn tại tỉnh Hải Dương, để phát huy sức mạnh tổng thể về vật chất và tinh thần trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu. Ðồng thời, trong nghị quyết của cấp ủy các cấp cũng xác định nội dung xây dựng nông thôn mới chính là nhiệm vụ đột phá của các địa phương, đơn vị. Chính vì vậy, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, bảo đảm dân chủ với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và cuối cùng dân là người hưởng thụ". Nhờ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới của Hải Dương đã trở thành một trong những "điểm sáng" tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thời gian tới đây, việc đánh giá, thẩm định nông thôn mới phải chặt chẽ, công tâm, chính xác để kịp thời động viên, nhân rộng những mô hình điểm. Ðược biết, tính đến hết tháng 11/2021, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được 449.157 tỷ đồng (bằng 97,6% so với năm 2020) để hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Con số này được cho là sẽ gia tăng trong năm 2022 khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Như vậy, với nguồn lực kinh tế đủ lớn, địa phương sẽ có thêm nguồn lực để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đồng thời rút ngắn khoảng cách chênh lệch cũng như tạo sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước.