Những "điểm nghẽn" trong công tác quy hoạch

Từ đầu tuần này, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: quochoi.vn
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: quochoi.vn

Yêu cầu quan trọng được đặt ra là các thành viên Đoàn giám sát, với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, xem xét, đánh giá thấu đáo, chỉ ra những "nút thắt", "điểm nghẽn" trong công tác quy hoạch đang được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Một yêu cầu đầu tiên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt trong nhiều phiên họp gần đây là, Đoàn giám sát của Quốc hội tập trung phối hợp các bộ, ngành, địa phương để công tác giám sát đạt kết quả, hiệu quả cao nhất. Các chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề phải được tiến hành "đến nơi đến chốn", đưa ra kết luận rõ ràng, "bắt trúng bệnh", "kê đúng thuốc" với những bất cập trong công tác quy hoạch. Yêu cầu quan trọng nữa là kết luận giám sát phải "chỉ rõ tên, địa chỉ cụ thể, công khai" trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

"Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cùng với ba chuyên đề giám sát lớn khác trong năm 2022.

Luật Quy hoạch với tầm nhìn "quy hoạch phải đi trước một bước", được Quốc hội ban hành từ tháng 11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Tại cuộc làm việc với các bộ, ngành; các thành viên Đoàn giám sát truy vấn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trả lời thẳng thắn, đầy đủ câu hỏi vì sao chậm tiến độ lập quy hoạch và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định về thời gian lập quy hoạch gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia hoàn thành không quá 30 tháng tính từ ngày giao nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng.

Quy định về thời gian thực hiện đã được nêu cụ thể, nhưng đến nay trong các quy hoạch tổng thể quốc gia mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất quốc gia, còn lại quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các loại quy hoạch ngành chưa có.

Qua làm việc với một số bộ, ngành vừa qua cho thấy, việc lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch là vấn đề mới, khó, lại phải bảo đảm tuần tự đồng bộ, tuân thủ theo thứ bậc quy hoạch. Trong khi đó, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, cho phép làm đồng thời các loại quy hoạch, cho nên khó bảo đảm tính thống nhất. Hay vấn đề phối hợp để tích hợp quy hoạch giữa các bộ, ngành, làm thế nào để tránh tình trạng "cát cứ" giữa các bộ hay ở địa phương, được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra và đề nghị có tính toán về giải pháp rõ ràng, mang tính thuyết phục, phải sát thực tế và khả thi.

Khi đề cập hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, tại các cuộc làm việc vừa qua, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Phải đánh giá rất chi tiết hệ thống danh mục gồm những văn bản nào? Thời hạn nào phải hoàn thành? Quá trình thực tế tổ chức ban hành và thực hiện, rồi tiến độ và chất lượng so với yêu cầu đề ra ra sao? Thực tế cho thấy, ngay cả với những văn bản ban hành trong lĩnh vực quy hoạch và các lĩnh vực liên quan, mặc dù đúng thời hạn nhưng một khi chất lượng không bảo đảm, không những không tạo điều kiện mà thậm chí còn gây khó khăn hơn cho công tác này. Để có đầy đủ căn cứ yêu cầu giải trình, báo cáo trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, công tác giám sát phải quyết liệt, đi đến cùng, tránh kiểu giám sát qua loa hình thức "năm sôi, ba lạnh" chung chung...

Chủ tịch Quốc hội lưu ý với Đoàn giám sát và lãnh đạo các bộ, ngành tại Phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Cử tri và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đều trông đợi vào giám sát của Quốc hội". Tinh thần thống nhất chung trong nhận thức và hành động của các lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, đó là Quốc hội giám sát càng hiệu quả, hiệu lực bao nhiêu, càng tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt bấy nhiêu những công việc, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới, vì sự phát triển của đất nước.