Những chuyến đi “lưu giữ ánh sáng” cho đời

NDO -

Vừa trở về sau ca lấy giác mạc được hiến tặng từ một cụ ông 83 tuổi tại Ninh Bình, anh Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng cuộc vận động hiến tặng giác mạc vẫn được các tình nguyện viên tại các địa phương triển khai mạnh mẽ với 130 giác mạc được hiến từ đầu năm đến nay. 

Những chuyến đi “lưu giữ ánh sáng” cho đời

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp điều trị tối ưu giúp giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc gây ra. Mỗi năm, tại Ngân hàng Mắt Việt Nam có tới gần 800 người đăng ký hồ sơ chờ được ghép giác mạc nhưng nguồn hiến vô cùng hạn chế.

Công cuộc vận động hiến tặng người dân hiến giác mạc sau khi qua đời vẫn còn rất nhiều khó khăn. Những người trong cuộc, không chỉ làm nhiệm vụ của một người lấy giác mạc, bảo quản, tìm người nhận tương thích, mà nhiều năm qua, họ cũng là những người rất tích cực để vận động người dân trao tặng lại ánh sáng cho người khác sau khi qua đời. 

"Chỉ một chút sơ sẩy, công sức anh em sẽ đi tong"

Ngày 5-4-2007, vừa trở về Việt Nam sau khóa học ba tháng tại Ấn Độ về lấy giác mạc, kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoàng (Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay) cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ đầu tiên tại Ninh Bình.

Sáu giờ sáng anh em lên đường. BS Đỗ Văn Đông (Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương bây giờ, là Phó Trưởng khoa Giác mạc năm 2007) hỏi: “Chú có run không?”. Hoàng hít thở bảo: “Anh cứ để em bình tĩnh!”.

Nhưng thực sự, lúc đó, một kỹ thuật viên còn trẻ như Hoàng không tránh khỏi những hoang mang và lo sợ. “Một mình mình được đi học bên nước ngoài. Ba tháng đó cũng đã lấy tới hơn 200 giác mạc, nhưng đây lại là ca đầu tiên tại Việt Nam. Việc làm tâm lý rất quan trọng cho cả người lấy và gia đình người hiến. Nếu thuận lợi trôi chảy thì việc tuyên truyền người hiến sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng chỉ một chút sơ sẩy, công sức anh em sẽ đi tong!”, Hoàng nghĩ trong bụng.

Trước khi có chuyến đi này, anh và đồng nghiệp đã bàn bạc nhau rất kỹ về kỹ thuật sẽ làm gì với những ca lấy giác mạc đầu tiên. “Chúng tôi đã thực hành trên mắt của lợn cho thuần thục”, Hoàng kể.

“Toát mồ hôi hột” là cảm giác không thể quên trong lần đầu tiên lấy giác mạc từ người cho chết não. Xe cấp cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương về tới đầu làng, xe phải dừng lại đỗ gọn vào một góc kín. Các bác sĩ được yêu cầu cởi áo blouse trắng, mặc thường phục vào nhà đám. Mọi dụng cụ y tế được cho vào bao tải vác theo. “Tất cả để tránh tâm lý cho gia đình người nhà người đã khuất”, một vị trong chính quyền xã giải thích.

Những chuyến đi “lưu giữ ánh sáng” cho đời -0
 Gia đình, người thân đều dõi theo quá trình lấy giác mạc.

Lúc này, nhà đám có đủ cả chính quyền cấp xã gồm công an, người đại diện tôn giáo của gia đình và anh em họ hàng. 10 giờ 30 phút, nắng lên tới gần đỉnh, mồ hôi túa ra như tắm. Sau khi trao đổi nhanh, căn phòng để lấy giác mác được đóng cửa kín mít, chỉ có duy nhất bóng đèn vàng leo lét trong phòng. Bác sĩ Đông phải cầm đèn pin để soi cho kỹ thuật viên Hoàng thực hiện thủ thuật.

“Dự kiến lấy giác mạc 25 phút nhưng hôm ấy phải làm 45 phút mới xong. Ai nấy mồ hôi ướt sũng áo. Lúc ấy, chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm vì thành công như mình mong muốn. Nếu làm không như mong muốn hoặc xảy ra trục trặc gì thì sẽ phải làm lại từ đầu, khó khăn hơn rất nhiều”, anh Hoàng kể lại.

Hai giác mạc đầu tiên đó được ghép cho hai người khác nhau. Việc lấy giác mạc thuận lợi, gia đình được vận động hiến giác mạc rất thuận tình. Thế nhưng, lúc đó, gia đình họ bắt đầu vướng vào những lời đồn thổi ác ý “Tại sao lại bán mắt của mẹ?”.

Lúc bấy giờ, việc vận động đã khó khăn, mới ca đầu tiên mà đã vấp phải dư luận khiến những người trong cuộc đi vận động rất hoang mang. Đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải tổ chức một buổi tri ân gia đình hiến giác mạc để bà con tại địa phương hiểu đó là một việc làm nhân đạo và không có việc mua bán giác mạc.

“Về sau này, Kim Sơn, Ninh Bình trở thành xã đi đầu trong cả nước về hiến giác mạc”, anh Hoàng nói.  

“Mình cũng làm cha, cũng có lúc không thể cầm lòng…”

Đó là cảm giác dù một người lạnh lùng, bản lĩnh tới mấy cũng phải thốt lên khi chứng kiến những cuộc ly biệt trần gian của các em nhỏ với gia đình.

Trong số 817 ca lấy giác mạc tại Việt Nam, anh Hoàng không nhớ trong đời mình đã góp sức bao nhiêu ca lấy giác mạc từ những người đã qua đời hoặc từ người cho chết não. Anh đã dần chai sạn cảm xúc khi cầm những dụng cụ y tế thực hiện nhiệm vụ của một kỹ thuật viên lấy giác mạc.

Thế nhưng, có những cảm xúc đau đớn đến tột độ khiến một người tưởng bản lĩnh như anh cũng phải lén quay đi lau nước mắt, kìm cảm xúc mình xuống là chứng kiến những cuộc chia tay của những em bé và sự dũng cảm tận hiến giác mạc con mình của các bà mẹ. 

Hải An là một câu chuyện như vậy trong cuộc đời cầm dao của anh. Hải An ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay mẹ, bằng tất cả sự yêu thương của cộng đồng. Và chính Hải An đã thắp lên một ngọn lửa trao truyền yêu thương cực lớn với số người hiến tặng mô tạng, trong đó có giác mạc sau khi qua đời ngày một tăng cao. "Năm 2019 là một năm kỷ lục khi chúng tôi cán mốc ba con số. Đó là năm có 167 người hiến giác mạc", anh Hoàng chia sẻ. 

Những chuyến đi “lưu giữ ánh sáng” cho đời -0
 Dồn nén cảm xúc để thực hiện công việc của một kỹ thuật viên lấy giác mạc. 

Cũng trong năm 2019, vào đúng ngày sinh nhật của mình - 24-12, một bé trai bốn tuổi có bệnh lý tự kỷ bị rơi từ tầng 2 xuống. Cậu bé vừa trở về từ Nhật Bản. Không may khi đang chơi đùa trên tầng 2 ở nhà bà ngoại tại Phú Thọ, cậu bé bị rơi xuống đất. 

Lúc bấy giờ, gia đình có tâm nguyện xin hiến giác mạc của con. Thông tin được lan truyền nhanh chóng trên cộng đồng người Việt ở Nhật Bản. Bé được cắm máy thở tại bệnh viện, để chờ giữ lại sự trong veo nhất của đôi mắt cho người khác. Cả ê-kíp cũng nhanh chóng lên Phú Thọ. 

Anh Hoàng vẫn nhớ y nguyên cảm xúc lúc bấy giờ khi người mẹ khóc ngất không muốn con mình bị khám nghiệm tử thi nhưng lại điềm tĩnh đồng ý hiến giác mạc của con mình. “Chị ấy đứng xem từ đầu tới cuối quá trình lấy giác mạc và không hề khóc. Đó là một bà mẹ vô cùng dũng cảm”, anh Hoàng nói.

Đã có nhiều gia đình theo dõi hành trình anh lấy giác mạc cho người thân của họ khi qua đời. Mỗi hoàn cảnh đều có một cảm xúc khác nhau. Nhưng lần này thì cảm xúc thật đặc biệt. “Mình cũng làm cha mẹ, nên dù có bị cay sống mũi phải kìm nén lại, nuốt nước mắt vào trong. Công việc này đòi hỏi tỉ mẩn, chính xác đến từng mm trong khi không có công cụ hỗ trợ nhiều. Chỉ cần lệch một chút thì phải đi theo sửa chữa còn mệt hơn”, anh Hoàng nói.

Hành trình vận động hiến giác mạc còn vô vàn thách thức

Trong hàng trăm chuyến đi đến những gia đình để lưu giữ lại ánh sáng của người đã khuất, có nhiều chuyến đi cả kíp phải về tay không. Thời gian vàng chỉ có 6-8 giờ đồng hồ, nhưng nhiều khi để chờ đợi một người cuối cùng của gia đình đồng ý cũng là cả một thách thức. “Có nhiều gia đình họp mấy lần, đến phút chót thì lại từ chối. Một năm có khoảng 3-4 chuyến đi như vậy”, anh Hoàng kể.

Tuy nhiên, có những ca cả chuyến đi lại mang tới sự kỳ diệu dù hành trình thuyết phục có những lần suýt bỏ cuộc. Một người bố tại Sơn Tây không may qua đời, gia đình đồng ý hiến giác mạc, gân và da. Cả ba bệnh viện cùng đến Sơn Tây trong đó có Viện Bỏng Quốc gia lấy da, Bệnh viện Đại học Y lấy gân và Bệnh viện Mắt Trung ương lấy giác mạc.

Những chuyến đi “lưu giữ ánh sáng” cho đời -0
 Ánh sáng tiếp tục được thắp lên trong đôi mắt người khác. 

Lúc này, gia đình gặp phải sự phản đối của cậu con trai dù mẹ và con gái đã đồng ý hiến tạng của bố. Suốt hai giờ đồng hồ vận động, cậu con trai mới xuôi. Sau đó, gia đình đồng ý cho chở bệnh nhân về Học viện Quân y để lấy được cả giác mạc, gân và da.

Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc đăng ký tại Ngân hàng Mắt lên tới 700-800 ca, trong khi 10 năm qua, mới có 817 giác mạc được hiến. Nhu cầu ghép giác mạc rất lớn.

Việt Nam hiện đã thực hiện được các kỹ thuật ghép giác mạc trên thế giới gồm ghép xuyên, ghép lớp (trước, sau, giữa). Trong số ba Ngân hàng Mắt tại Việt Nam thì hiện tại toàn bộ phần miền trung bị bỏ ngỏ. Miền trung chưa thành lập được Ngân hàng Mắt và cuộc vận động hiến tặng mô tạng sau khi qua đời tại đây cũng chưa được truyền thông tích cực. Tại miền nam, hai ngân hàng mắt hoạt động cũng cầm chừng, một năm chỉ nhận được khoảng 20 ca hiến giác mạc và chủ yếu ghép cho người nghèo.

Hơn 10 năm qua, vừa thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc, vừa triển khai các cuộc chuyển giao kỹ thuật, vận động hiến tặng giác mạc, anh Hoàng bảo, việc tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức của người dân rất khó khăn.

Việc đào tạo kỹ thuật viên thu nhận giác mạc cũng khó khăn vì cơ chế kiêm nhiệm. “Anh em Ngân hàng Mắt chúng tôi chỉ mong đào tạo xây dựng được mỗi địa phương có ngân hàng mắt vệ tinh, có tổ hỗ trợ nhau để nếu có người hiến sẽ lấy ngay tại địa phương được”, anh Hoàng chia sẻ.

Vì thế, Giám đốc Ngân hàng Mắt chia sẻ, muốn vận động nhiều người hiến tặng giác mạc thì ngoài vai trò của ngành y tế, truyền thông thì cần có sự chung sức của nhiều ban, ngành khác, tạo điều kiện cho người dân biết rõ hơn về chế độ với người hiến, khi đó, số người hiến tặng mô tạng sẽ nhiều hơn nữa.

“Đồng bộ hơn nữa, tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng Trung tâm vệ tinh để đáp ứng thu nhận giác mạc, bảo đảm có người hiến là có người tiếp nhận”, anh Hoàng nói.