So với mức phạt cũ từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 trước đây, mức xử phạt theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã tăng lên rất nhiều đối với các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Đơn cử, đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, mức phạt tăng từ 200.000-300.000 đồng lên 800.000-1.000.000 đồng; hành vi vượt đèn đỏ đối với xe máy tăng từ 600.000-1.000.000 đồng lên mức 4.000.000-5.000.000 đồng, hành vi này đối với ô-tô là từ 3.000.000-5.000.000 đồng lên 18.000.000-20.000.000 đồng. Đáng chú ý, đối với hành vi điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quy định, mức xử phạt tăng từ 2.000.000-4.000.000 đồng lên 12.000.000-14.000.000 đồng (đối với xe máy); đối với ô-tô đã tăng từ 6.000.000-40.000.000 đồng lên 34.000.000-40.000.000 đồng/trường hợp.
Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với mức chế tài tăng lên theo Nghị định 168, các hành vi vi phạm phổ biến trong tham gia giao thông như: Vượt đèn đỏ, điều khiển xe đi trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển mô-tô, xe máy… cũng đã giảm, cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tại các giao lộ vào khung giờ cao điểm, mặc dù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhưng người điều khiển đã dừng xe ngay ngắn, đúng vạch, chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Những hình ảnh này tuy rất đỗi giản dị nhưng lại mang đến một diện mạo mới giúp giao thông thành phố văn minh, hiện đại. Ông Nguyễn Quang Thuần, ngụ Phường 25, quận Bình Thạnh cho biết: “Khi Nghị định số 168 được áp dụng, tôi thấy việc chấp hành Luật Giao thông của người dân đã thay đổi rất lớn. Thực tế này chắc chắn sẽ kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là tai nạn giao thông”.
Những điểm mới của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, trong đó trọng tâm là việc tăng mức phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe, đã tạo được sự răn đe, nhắc nhở đối với những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, các chế tài này cũng từng bước thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, hạn chế được những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm cả ba tiêu chí so với thời gian liền kề. Cụ thể, từ ngày 1/1-14/1/2025, trên địa bàn thành phố xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 14 người, bị thương 16 người. So với thời gian liền kề, giảm 42 vụ (-58%), giảm 1 người chết (-7%), giảm 40 người bị thương (-71%). Cũng trong thời gian trên, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đã phát hiện và xử lý gần 24.000 trường hợp vi phạm với các lỗi vi phạm phổ biến như: Vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;...
Đối với một đô thị có lượng phương tiện lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP cũng gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường, nhất là vào thời điểm cận Tết, cuối năm. Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang quản lý 9 triệu phương tiện gồm 7,8 triệu xe máy và 865.000 ô-tô. Do lượng phương tiện đông, tại các giao lộ, xe máy không được rẽ phải như trước đây nên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, nhất là khu vực trung tâm thành phố. Để chấn chỉnh tình trạng này, các lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát và triển khai lắp đặt thêm tín hiệu đèn phụ hoặc biển phụ cho phép các phương tiện rẽ phải khi có tín hiệu đèn mầu đỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông cũng như giảm áp lực giao thông tại các giao lộ vào giờ cao điểm.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã rà soát 524 giao lộ cần lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải. Các cơ quan chức năng đã đề xuất gắn khoảng 1.900 đèn, chia làm 2 đợt; trong đó, đợt 1, thành phố có kế hoạch gắn khoảng 500 đèn và hiện đã lắp được 80 bộ đèn tại 38 giao lộ. Bên cạnh đó, để giải tỏa áp lực giao thông cuối năm, đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ huy động thêm lực lượng thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên… phối hợp điều tiết giao thông; cùng với các địa phương chủ động rà soát tuyến hẻm để hỗ trợ giải tỏa các tuyến đường chính ■