Khắc phục những khó khăn sau sắp xếp khu phố, ấp

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn, cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của bộ máy mới cũng phát sinh nhiều bất cập cần được giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tri ân các cán bộ gắn bó với công tác khu phố, tổ dân phố nhiều năm.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tri ân các cán bộ gắn bó với công tác khu phố, tổ dân phố nhiều năm.

Là những thế hệ “đời đầu” tham gia công tác, hoạt động ở khu phố, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Chi bộ ấp Đông Lân 7, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) đã có gần 50 năm công tác gắn với cơ sở. Điều giúp ông yên tâm gắn bó công việc là sự tin tưởng, đồng lòng của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chung ở khu dân cư. Sau khi thành phố thực hiện việc sắp xếp, chia tách, sáp nhập khu phố, ấp, dù có những lo lắng nhất định, nhưng ông vẫn quyết định gắn bó và biến nỗi lo đó thành động lực để hoạt động tích cực, trách nhiệm hơn.

Còn đối với người có hơn 38 năm tham gia công tác ở khu phố, tổ dân phố như bà Phan Thị Ba, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 15 (quận Phú Nhuận) cũng có nhiều chia sẻ, tâm sự với công việc mình gắn bó. Bà Ba cho biết, niềm tự hào lớn nhất của bà là được tiếp xúc, giúp đỡ, đem lại lợi ích cho người dân dù là những việc nhỏ nhất. Công việc, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng theo bà, có nhiều động lực để bản thân gắn bó với công việc suốt nhiều năm. Sau sắp xếp khu phố, bà tin tưởng rằng, việc sắp xếp khu phố, ấp, tinh gọn bộ máy sẽ giúp địa phương giải quyết công việc của người dân tốt và hiệu quả hơn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), thành phố đã nhanh chóng ổn định bộ máy chính quyền các cấp để bảo đảm công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành những quy định chung về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của chính quyền từ thành phố đến cơ sở, trong đó quy định: Dưới phường là tổ nhân dân; dưới xã có ban nhân dân ấp. Trải qua nhiều đợt điều chỉnh, thành phố có 312 phường, xã, thị trấn với 2.008 khu phố, ấp, 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân tính từ trước thời điểm 1/4/2024. Thực hiện công tác sắp xếp theo quy định, hiện thành phố còn 4.861 khu phố, ấp tại 299 phường, xã của 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Nhiệm kỳ 2024-2029, 4.861 khu phố, ấp tổ chức bầu Trưởng khu phố, ấp (đạt tỷ lệ 100%).

Tại buổi tổng kết hoạt động sắp xếp, sáp nhập khu phố, ấp mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận sự đóng góp to lớn của hàng chục nghìn cán bộ tổ, khu phố, ấp trong suốt gần 50 năm qua. Mô hình tổ, ấp, khu phố được tổ chức đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp thành phố quản lý địa bàn, cũng như góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Lãnh đạo thành phố mong muốn, với tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của mình, các cô, chú tiếp tục gắn bó, đóng góp, cùng xây dựng thành phố phát triển, văn minh và nghĩa tình hơn.

Tuy vậy, trải qua quá trình hoạt động theo bộ máy mới, nhiều phát sinh, khó khăn, vướng mắc cũng xuất hiện cần sớm được các địa phương, thành phố xử lý, giải quyết. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, đối với các khu phố sau khi sắp xếp, việc vận động nhân sự tham gia khu phố mới gặp khó khăn vì đa số nhân sự đều lớn tuổi không bảo đảm sức khỏe; nhiều người có tâm lý không muốn tiếp tục tham gia công tác vì lo ngại không đảm đương nổi. Đối với khu phố có địa bàn rộng, số hộ dân đông thì công tác quản lý, tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn vì nhân sự ít. Đối với hình thức tuyên truyền trực tuyến, mạng xã hội, nhiều cán bộ khu phố, ấp lại không thông thạo về công nghệ, cách thức.

Đối với các khu phố, ấp có người dân sinh sống ở các khu chung cư cao cấp thì việc tiếp cận người dân gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương vận động các thành viên ban quản trị chung cư tham gia công tác ở khu phố, ấp, nhưng số lượng tham gia chưa nhiều. Hiện tại, nhân sự ở các khu phố không quá 9 người, tuy nhiên chỉ có Trưởng khu phố là người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ như thông tin, tuyên truyền, vận động nên sẽ có nhiều hạn chế, nhất là công tác vận động, đóng góp, ủng hộ các nguồn quỹ, không có cơ chế quy định phân công thủ quỹ, kế toán cho nên việc thu, chi, nộp tiền gặp nhiều trở ngại.

Trong công tác sắp xếp lần này, chủ trương của thành phố là không làm phát sinh trụ sở khu phố mới. Các khu phố có thể mượn, sử dụng nhà ở, cơ quan để hoạt động. Điều này gây tâm tư vì trụ sở khu phố không chỉ là nơi hội họp mà còn là nơi lưu giữ truyền thống, thành tích của các khu phố. Sử dụng xen kẽ trụ sở giữa các khu phố với nhau cũng gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, sử dụng tài sản và nhu cầu tổ chức các hoạt động của khu phố.

Để nhanh chóng ổn định bộ máy các khu phố, ấp, tổ nhân dân, đồng chí Võ Văn Hoan chỉ đạo Trung tâm Chuyển đổi số thành phố tập trung, khẩn trương sớm triển khai ứng dụng trên nền tảng số áp dụng cho khu phố, ấp; bảo đảm dữ liệu dân cư được liên thông, chia sẻ để ứng dụng được vận hành hiệu quả. Đồng thời, các địa phương tiếp tục kiện toàn nhân sự cho Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ hòa giải, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Thành phố cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu và hướng dẫn về nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa hoặc thuê trụ sở sinh hoạt và mua sắm, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu làm việc ở các khu phố, ấp mới sau sắp xếp; hướng dẫn việc xây dựng và quyết toán kinh phí đối với các trường hợp được người dân hỗ trợ cho mượn nhà làm địa điểm sinh hoạt cho khu phố, ấp nhưng cần có kinh phí để chi trả tiền điện, nước, hay sửa chữa ■