Hơn bốn năm công tác tại Trường THPT Lê Quý Ðôn, cô giáo Lê Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường đã đổi mới, sáng tạo và lan tỏa ngọn lửa đam mê đến từng cán bộ, giáo viên trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó, tạo được sự đoàn kết, sáng tạo trong dạy và học; xây dựng trường học hạnh phúc, trở thành cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục của huyện Bù Ðăng (Bình Phước). Ðến nay Trường THPT Lê Quý Ðôn được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1; được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh cho biết: “Việc học và làm theo Bác được nhà trường chú trọng từ sinh hoạt chi bộ đến dạy học. Nhờ đó, nhiều năm gần đây, trường có nhiều thành tích nổi bật: số lượng học sinh giỏi tăng, năm học 2022-2023 tăng đột biến; có nhiều giáo viên dạy giỏi và có nhiều sáng kiến cấp tỉnh. Ngoài việc dạy kiến thức cho học sinh, chúng tôi quan tâm giáo dục kỹ năng sống để học sinh tự trang bị bản lĩnh và có “sức đề kháng” trước những tệ nạn xã hội”.
Chứng kiến một giờ dạy học ở Trường THPT Lê Quý Ðôn mới cảm nhận được giáo viên giảng dạy, truyền đạt kiến thức trên tinh thần vui vẻ, lôi cuốn và học sinh được tự do sáng tạo, tạo nên môi trường gắn kết nhau, nhờ đó, đã tạo ra một trường học hạnh phúc với các tiêu chí yêu thương, an toàn, trân trọng và phát triển; mỗi cá nhân trong nhà trường đều có các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ.
Cô Phạm Lan Giang, giáo viên môn Ðịa lý chia sẻ: “Trong môi trường giáo dục của một ngôi trường hạnh phúc, đội ngũ giáo viên chúng tôi luôn được đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm trang bị thiết bị dạy và học; đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên được tham quan, học tập, trao đổi nghiệp vụ với giáo viên các trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mỗi tiết dạy đều đem đến niềm vui cho cả giáo viên và học sinh.
Không chỉ ở các tiết học xã hội, những tiết thực hành, thí nghiệm hóa học cũng mang lại cảm giác thú vị, hấp dẫn cho giáo viên, học sinh. Ðó cũng là giá trị học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà mỗi thầy cô giáo trong trường đang từng ngày thực hiện. Em Nguyễn Hữu Nghĩa, học sinh lớp 11B5 cho biết: “Trước đây, em học không giỏi nhưng từ khi đến ngôi trường này, được trải nghiệm nhiều, tiếp sức nhiều thì năm lớp 10 em trở thành học sinh xuất sắc, mới đây em đã đoạt Giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong hai năm học ở Trường THPT Lê Quý Ðôn, em cảm nhận bản thân trưởng thành rất nhiều. Ðây thật sự là mái trường xây dựng theo mô hình trường học hạnh phúc, nơi học sinh, giáo viên được hạnh phúc, an toàn để phát triển bản thân.
Tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc, về công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Lộc Ninh huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cô Nguyễn Thị Phương Thảo luôn tâm niệm việc học và làm theo gương Bác là không ngừng học tập để phát huy năng lực trong nhiệm vụ được giao. Với vai trò là giáo viên âm nhạc, được phân công nhiệm vụ Tổng phụ trách Ðội của trường, cô Thảo luôn trăn trở với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Ðể thực hiện được mục tiêu này, cô Thảo đã đề xuất thành lập đội hình nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer mà thành viên là những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Cùng với đó, cô xin nhà trường đầu tư hai bộ nhạc ngũ âm để cô, trò cùng nhau tập luyện; đồng thời, thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập với các trường ở khu vực Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long để các em nâng cao tầm hiểu biết. Nhiều thành viên của các đội nhạc được tuyên dương cấp khu vực, toàn quốc.
Không sinh ra, lớn lên từ cái nôi nhạc ngũ âm, song em Nguyễn Ngân Khánh, dân tộc Mường đang học lớp 8A1 đã cảm nhận và yêu thích nhạc cụ dân tộc và trở thành chỉ huy của đội nhạc ngũ âm nhà trường. Ngân Khánh chia sẻ: “Con rất vui và tự hào khi bản thân con là dân tộc Mường vẫn được trải nghiệm văn hóa âm nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer; qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Con rất tự hào và hãnh diện khi có thể tham gia các hoạt động âm nhạc thời gian qua.
Bên cạnh đó, cô Thảo cũng cùng với nhà trường chung sức gìn giữ nét đẹp âm thanh đàn đá, một nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc XTiêng trên đất Lộc Ninh. Ðiều thú vị là tiết mục biểu diễn đàn đá lại do một học sinh dân tộc Khmer thể hiện. Ðiều này cho thấy loại hình âm nhạc truyền thống của các dân tộc được lưu truyền, giao thoa, đan xen giữa các dân tộc cùng chung sống trên một địa bàn thông qua sự thể hiện của thế hệ trẻ.
Em Lâm Thị Kim Oanh, lớp 8A2, Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Lộc Ninh cho biết: “Từ khi được cô Thảo phát hiện, chỉ dạy em cảm thấy mình gắn bó với nhạc cụ đàn đá. Em thấy văn hóa của người XTiêng nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung rất phong phú, đa dạng. Bản thân em là người dân tộc Khmer nhưng rất muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc anh em, để góp phần lưu giữ những nét đẹp này không bị mai một”.
Nhiều năm dấn thân và đam mê với hoạt động, phong trào đội, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo đã tạo nên nhiều dấu ấn sâu đậm từ những sân chơi bổ ích nhằm bồi đắp kiến thức văn hóa, đời sống xã hội phong phú cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Lộc Ninh, qua đó xây dựng những công trình măng non đậm chất nhân văn, thiết thực. Bằng những đóng góp không ngừng nghỉ, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở thành một trong năm thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Phước được Trung ương Ðoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023.