Những bạn trẻ về quê làm nông nghiệp

NDO - Hiện nay, xu hướng giới trẻ về quê để lập nghiệp đang trở nên phổ biến. Họ quyết định rời xa cuộc sống thành thị tấp nập, trở về vùng quê yên bình để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Lê Thị Trang trong một buổi làm vườn.
Lê Thị Trang trong một buổi làm vườn.

Nhịp sống đô thị hối hả cùng với tác động của dịch bệnh, nhiều bạn trẻ không thể nào chi trả các khoản sinh hoạt phí. Với mức lương văn phòng cơ bản, để có một cuộc sống thoải mái, đầy đủ là điều không thể. Những bạn trẻ này quyết định về quê lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với mong muốn thay đổi cuộc đời và giúp đỡ quê hương thoát nghèo.

Tìm lại bình yên nơi miền quê

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, Lê Thị Trang (sinh năm 1999) cũng có ước mơ được lên thành phố để học tập và phát triển sự nghiệp.

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Trang đã có trải nghiệm nhiều nghề, từ công việc bán thời gian đến văn phòng, tất cả đều đem lại thu nhập và kinh nghiệm cho Trang. Thế nhưng, Trang vẫn cảm thấy cuộc sống của mình trống trải, mỗi ngày thức dậy không biết mình đang sống vì điều gì.

Đã nhiều lần Trang tự hỏi: “Liệu những thứ mình đang làm có thật sự là những gì mình muốn?"

Đại dịch Covid-19 ập đến, khi cả Thành phố đang phong tỏa, Trang thất nghiệp. Những tờ hóa đơn chất chồng khiến Trang càng thêm áp lực và mệt mỏi. Cô quyết định bỏ hết tất cả để về quê, với mong muốn tìm lại một cuộc sống bình yên vốn có. Nơi có những mảnh vườn của ba và má, mỗi sáng thức dậy được nghe tiếng chim hót, được hòa mình với thiên nhiên, không cảnh còi xe hối hả.

Trang về quê làm nông, quảng bá nông sản sạch của quê hương Đắk Lắk. Vì thế nên công việc của Trang bận rộn từ sáng đến đêm.

Trang tâm sự: “Làm nông vất vả hơn làm văn phòng rất nhiều. Có những hôm tôi phải theo bố mẹ từ sáng sớm, làm đồng, phát cỏ, tỉa hoa sầu riêng. Nhiều ngày liền, tôi mất ăn mất ngủ để làm xong việc, hoàn thành các đơn hàng và suy nghĩ hướng phát triển cho nông sản quê hương. Ai nói về quê sướng chứ tôi thấy mỗi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, đổ mồ hôi thậm chí là cả nước mắt”.

Thời gian đầu khi trở về quê, mọi người bàn tán nhiều, cho rằng bố mẹ bỏ ra một số tiền lớn nuôi ăn học, nay lại về quê làm nông. Vào thời điểm đó, Trang bắt đầu từ con số 0: không biết quay video, không khéo nói, thêm nhiều lời đàm tiếu sau lưng.

Lúc đó, Trang cảm thấy rất áp lực, nhưng nhờ có sự động viên từ gia đình, nên đã mạnh dạn quay các video đăng lên các nền tảng số. Các video nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người, các kỹ năng dần dần được cải thiện. Các nhãn hàng biết đến Trang nhiều hơn, nhiều người biết đến nông sản nhiều hơn nên kinh tế gia đình có nhiều chuyển biến tích cực.

Kể từ khi về quê, Trang đã giúp phát triển, quảng bá nông sản quê hương đến nhiều người hơn. Trang tâm sự: “Thời điểm dịch bệnh, giao thương khó khăn, sầu riêng chín cây rụng đầy gốc. Giá bán thì rẻ, nhiều khi cuối ngày thương lái còn không mua, nhìn cảnh bà con nông dân một nắng hai sương, làm lụng cả năm vất vả mà rơi nước mắt. May mắn là Trang được sự yêu mến tin tưởng của mọi người nên cũng tìm mọi cách gửi sầu riêng chín cây lên TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, phần nào giúp bà con đỡ vất vả. Tuy chưa được nhiều, nhưng thực sự Trang cảm thấy rất vui".

Không chỉ có Trang mới mong muốn một tìm về chốn bình yên, mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng có chung suy nghĩ như vậy, trong đó có bạn Nguyễn Thúy An (An "đen"), sinh năm 1991 cũng quyết định bỏ lại TP Hồ Chí Minh về quê ở với mẹ.

An tốt nghiệp Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh cùng ước mơ lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.

An có 9 năm dài đằng đẵng nơi đây, 4 năm học đại học được ở cùng chúng bạn, 5 năm còn lại cô đều lủi thủi một mình trong căn phòng trọ. Đêm về, An vẫn trằn trọc suy nghĩ về tương lai, có điều gì đó xa xôi mà cũng thật quen thuộc. Công việc văn phòng cũng chỉ đủ cho An chi trả, không mấy dư dả, muốn cho má nhiều hơn mà không được.

An chia sẻ: “Khoảnh khắc mà tôi quyết định về quê là lúc không còn gì níu giữ ở mảnh đất này nữa. 9 năm ở TP Hồ Chí Minh cho tôi nhiều trải nghiệm và tôi cảm thấy như thế là đủ rồi. Lúc đấy, mẹ tôi ở nhà một mình, thế nên tôi quyết định về quê ở cùng mẹ. Ở miền quê cho tôi sự bình yên, một cuộc sống mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm”.

Những bạn trẻ về quê làm nông nghiệp ảnh 1

An "đen" tìm thấy bình yên nơi vùng quê.

Làm việc gấp nhiều lần bình thường

Nếu ở thành phố, thời gian làm việc của các bạn dao động từ 6-8 tiếng/ngày, thì khi về quê thời gian làm việc của họ từ 10-12 tiếng, có ngày thậm chí làm việc gấp đôi so bình thường.

An "đen" hiện đang sở hữu kênh Tiktok hơn 1,4 triệu người theo dõi. Công việc chính của An là sáng tạo nội dung trên các nền tảng số, với các video kể chuyện đồng quê đem lại cảm giác yên bình cho người xem. Bên cạnh đó, An còn là một cô nông dân chính hiệu khi trực tiếp làm các công việc đồng áng, lên rẫy hay đặc biệt hơn là kết nối mạnh thường quân đến những mảnh đời khó khăn.

An chia sẻ, công việc hiện tại của An là sáng tạo nội dung trên các nền tảng số. Vì thế, An làm việc không theo một thời gian cụ thể. Có những hôm thức đến đêm để làm nội dung, có hôm quay một lúc vài video nếu có cảm hứng. Thế nhưng, thay vì cảm thấy áp lực, An lại thấy vui, không hề lo lắng về bất cứ điều gì. An cảm thấy đây là một trong những quyết định đúng đắn của mình.

Những bạn trẻ về quê làm nông nghiệp ảnh 2

Một buổi làm vườn của An và mẹ.

Giúp quê hương phát triển

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, cả Trang và An không chỉ tạo ra được nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình, mà còn góp phần giúp đỡ quê hương phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ lao động.

Kể từ lúc kênh Tiktok An Đen được nhiều người biết đến, các khán giả xem video có gửi cho An một chút quà động viên tinh thần. Ban đầu là An quay cùng các bạn nhỏ gần nhà, những món quà nho nhỏ từ các nhà hảo tâm, An chia đều cho lũ trẻ trong xóm. Dần dần, lượt tiếp cận video các lớn, số tiền gửi về ngày một nhiều, An trở thành cầu nối kết nối giữa các nhà hảo tâm và các hoàn cảnh khó khăn.

Gần đây nhất, An đã kêu gọi được hơn 100 triệu đồng để giúp đỡ H’Thương, người phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn cuối, một mình nuôi con nhỏ 3 tuổi. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh éo le mà An đã giúp đỡ, An mang những món quà từ các nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc đến với hàng trăm em nhỏ vùng cao.

An chia sẻ: “Thật ra ban đầu khi về quê, An không nghĩ là có ngày mình giúp được nhiều người thế này đâu. Nhưng khi thấy bản thân mình giúp ích cho cộng đồng thì mình thấy rất hạnh phúc, và mình tin sự lựa chọn của mình là đúng đắn”.