Nông dân không có điều kiện đến với bệnh viện, các “bác sĩ” cây trồng sẵn sàng đến tận vườn để cùng xử lý sâu, bệnh. Bệnh viện còn có website, nếu nông dân muốn được tư vấn hoặc cách thức xử lý thì gửi câu hỏi vào đó để từng bác sĩ “chuyên khoa” trả lời cụ thể, rành mạch trong thời gian sớm nhất đối với từng chứng bệnh. Tất cả đều miễn phí.
Bác sĩ cây trồng Nguyễn Huy Cường (bên trái) trực tiếp thăm, khám bệnh trên cây thanh long của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng. |
Tỉ mỉ với từng chứng bệnh
Quá nóng ruột với chứng bệnh “lạ” trên vườn thanh long 0,2ha, bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã mang một túi nhánh thanh long nhiễm bệnh đến Bệnh viện Cây ăn quả từ sáng sớm. Thấy các “bác sĩ”, bà nhanh chóng lấy ra từng nhánh thanh long và trình bày về diện tích, tuổi thọ, thời gian xuất hiện, quá trình xử lý, các loại thuốc đã sử dụng…
“Bác sĩ” cây trồng Nguyễn Huy Cường, Thạc sĩ bộ môn Bảo vệ thực vật thuộc Viện Cây ăn quả miền nam, hỏi thăm thêm và ghi chép tỉ mỉ vào tờ giấy để gửi lại cho bà Phượng. “Bác sĩ” Cường giải thích một cách cụ thể, rõ ràng về chứng bệnh trên, nguyên nhân xuất hiện, cách phòng bệnh và hướng xử lý.
Bà Phượng cho biết, vườn thanh long nhà bà nhiễm bệnh lúc cao điểm mùa mưa, trời âm u kéo dài. Cách xử lý bệnh theo kiểu trước đây của gia đình không mang lại hiệu quả. Các “bác sĩ” cây trồng ở đây hướng dẫn, bà thấy rất hợp lý.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh (bên trái) “bắt bệnh” trên cây xoài của ông Phạm Văn Chí. |
Chờ đến lượt vào thăm, khám cho các chứng bệnh trên cây trồng của mình, ông Phạm Văn Chí ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đứng ngồi không yên. Vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 0,2ha và vườn chanh dây hơn 0,1ha của ông đã nhiễm bệnh khá nặng, muốn có hướng xử lý càng sớm, càng tốt.
Đến lượt, ông Chí mang hết các mẫu bệnh vào, trình bày từng loại bệnh, cách thức đã xử lý, hiệu quả mang lại… Các “bác sĩ” dùng kính lúp soi từng dấu bệnh trên các lá xoài, chanh không hạt.
“Bác sĩ” cây trồng, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả miền nam), trực tiếp chữa ca bệnh này. Sau khi hỏi thêm một số chi tiết liên quan, “bác sĩ” Mỹ Hạnh cho biết: “Vườn xoài của anh đã bị nhiễm bệnh thán thư. Mùa mưa, anh nên bón phân cân đối, thường xuyên sử dụng chế phẩm trichoderma để bón vào gốc cây trồng… Riêng chanh dây đã bị rầy mềm gây hại. Anh nên chọn các giống cây sạch bệnh để trồng. Việc trồng chanh dây, cần chọn khung thời gian khoảng 4 tháng từ lúc trồng đến khi thu hoạch vì sau thời gian này rất nhiều sâu, bệnh xuất hiện và tác động trực tiếp đến vườn, xử lý rất tốn kém…”.
Bác sĩ cây trồng Nguyễn Huy Cường dùng kính lúp soi các mẫu bệnh. |
Nông dân Phạm Văn Chí thốt lên: “Vườn cây ăn trái là cả tài sản của gia đình. Thấy bị nhiễm bệnh, ai chỉ thuốc gì tôi đều mua thuốc đó để phun. Nhiều loại thuốc đã “đổ” xuống và hàng chục lần phun nhưng hiệu quả không bao nhiêu. Đến khi được “bác sĩ” cây trồng chỉ dẫn, tôi mới hiểu rõ”…
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh tâm sự: “Làm nghề “bác sĩ” cây trồng cũng có nhiều chuyện vui. Thấy bà con nông dân xử lý, chữa trị hết bệnh trên cây trồng, chúng tôi cũng vui lây. Cũng có nhiều việc cười ra nước mắt. Lần nọ, một nông dân lớn tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm trồng cây ăn trái mang đến Bệnh viện Cây ăn quả một số lá xoài non rồi nhờ “bác sĩ” ở đây “khám” xem bệnh gì và cách chữa trị ra sao? Tôi trực tiếp thăm, khám, có sử dụng cả kính lúp để nhìn cho thật rõ. Sàng lọc tất cả triệu chứng thường xảy ra, tôi nhận thấy không phải sâu bệnh. Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi hỏi bác nông dân: Mấy lá xoài này phải bị dập do quá trình vận chuyển không bác? Bác nông dân gật gù như biết mình “thử” các “bác sĩ” cây trồng ở đây đã bị lộ, ra về với khuôn mặt đầy thích thú…”.
Cứu hàng nghìn vườn cây ăn trái
Bệnh viện Cây ăn quả đồng bằng sông Cửu Long được thành lập năm 2002, đặt tại Viện Cây ăn quả miền nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Năm 2019, đổi tên thành Bệnh viện Cây ăn quả và cũng đặt tại Viện Cây ăn quả miền nam.
Nông dân xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phun thuốc trị sâu, bệnh trên cây xoài. |
Các “bác sĩ” cây trồng của bệnh viện có nhiệm vụ chuyển giao kiến thức canh tác, dinh dưỡng, tư vấn các vấn đề về sâu, bệnh hại trên cây ăn quả. Bệnh viện cũng tư vấn cho người làm vườn trong cả nước qua ứng dụng di động được thiết kế riêng. Khi cây trồng gặp vấn đề, các “bác sĩ” của bệnh viện sẽ xét nghiệm lâm sàng, đề ra phác đồ điều trị tối ưu và hướng dẫn chi tiết cho người làm vườn tiến hành khắc phục.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, người trực tiếp phụ trách bệnh viện cho biết, các “bác sĩ” ở đây còn tổ chức chữa bệnh lưu động nhằm giúp bà con tận mắt, tận tai nghe thấy, nhận biết bệnh trạng vườn cây nhà mình và nguyên nhân của nó, từ đó hướng dẫn bà con cách phòng trị hiệu quả, ít tốn kém. Đoàn “bác sĩ” có thể đi đến bất cứ nơi nào nông dân cần giúp đỡ. Mỗi đợt, bệnh viện cử 5-7 “bác sĩ” chuyên môn để hỗ trợ dập dịch bệnh. Bệnh viện cũng tổ chức đi lưu động tùy theo kế hoạch nghiên cứu của các đề tài riêng biệt về sâu bệnh hại.
Bệnh viện Cây ăn quả duy trì hoạt động cố định vào thứ năm hằng tuần; các ngày khác vẫn có “bác sĩ” thay nhau trực tại bệnh viện. Khi nông dân có nhu cầu mang mẫu bệnh đến, các “bác sĩ” này trực tiếp thăm, khám.
Các “bác sĩ” cây trồng khuyến cáo nông dân vệ sinh vườn thường xuyên sẽ hạn chế được sâu, bệnh gây hại. |
Hiện, bệnh viện có 57 “bác sĩ” tại 11 bệnh viện vệ tinh được đặt ở các tỉnh, thành phố miền nam, miền trung. Bệnh viện cũng đào tạo khoảng 200 “bác sĩ” cây trồng cho các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Những mẫu bệnh phẩm khó xử lý, bệnh viện vệ tinh sẽ chuyển về cho bệnh viện tại Viện Cây quả miền nam xử lý. Nếu khó nữa, bệnh viện sẽ chuyển bệnh phẩm cho các cơ quan, viện, trường trong nước và nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu, có hướng xử lý triệt để…