Tú Mỡ tên khai sinh là Hồ Trọng Hiếu, sinh ngày 14-3-1900. Họ Hồ của ông là một chi của họ Hồ ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, quê của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, chuyển ra sống ở Hà Nội đã ba đời. Từ bé, Hiếu rất nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè. Lớn lên, ông rất thích đọc thơ văn trào phúng của các nhà thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Với năng khiếu bẩm sinh và tự trau dồi kiến thức, làm thơ khôi hài, châm biếm, dần dần ông nổi tiếng khắp nước.
Sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, làm công chức của Sở Tài chính ở Hà Nội, sẵn lòng yêu nước, Tú Mỡ nhìn thấy rõ bộ mặt của thực dân Pháp và tay sai. Ông phát huy sở trường làm thơ hài hước, đả kích kẻ cầm quyền gian ác, những quan lớn, quan bé trong bộ máy thống trị thực dân, phong kiến, phê phán các thói hư, tật xấu trong xã hội. Khi thực dân Pháp bày trò dân chủ giả hiệu, bầu "hội đồng, nghị viên", Tú Mỡ tung đòn bút "Nhắn nhủ ông nghị":
Áo sa, khăn nhiễu, giầy ban
Kính trắng, gọng vàng, tay cắp cặp da
Ấy là ông nghị vùng ta
Xúng xa xúng xính đi ra hội đồng
Mấy lời nhắn nhủ cùng ông
Có ra hội đồng thì miệng phải to.
Xin đừng khúm núm co ro
Nói không ra tiếng họ cho rằng đần
Cũng đừng ngẩng mặt tần ngần
Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu…
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Tú Mỡ đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ: Gồm hơn 900 bài thơ, một số vở chèo, nhiều bài nghiên cứu, tiểu luận… với gần 3.000 trang sách. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn qua các thời kỳ, cho đến tận ngày nay và cả mai sau. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hàng đầu đất nước đã viết bài tỏ lòng kính trọng, mến phục tài năng và đức độ của ông. Nhà thơ Xuân Diệu viết: "47 năm thơ không đứt đoạn, 47 năm bền bỉ, nhuần nhị, lạc quan, trẻ mãi cùng bạn đọc… Những anh chị em làm thơ trẻ ai đã từng gặp Tú Mỡ, đã cùng trò chuyện cùng Tú Mỡ không thể quên được tấm lòng của nhà thơ đối với cách mạng, với nhân dân, với bạn bè. Hóm hỉnh mà hồn nhiên. Ðùa vui mà không ác ý, khiêm tốn, giản dị…". Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: "Về mặt trào phúng, thời nào ông cũng là bậc thầy".
Với những đóng góp to lớn đối với văn học, nhân dân, đất nước, Tú Mỡ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông qua đời ngày 14-3-1976, hưởng thọ 76 tuổi. Trong điếu văn vĩnh biệt nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Nguyễn Ðình Thi - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam viết:
"Qua những chặng đường làm việc không mệt mỏi. Tú Mỡ đã để lại 24 tác phẩm chính: Thơ ca, độc tấu, vè, chèo tuồng, kinh nghiệm sáng tác thơ trào phúng, hồi ký. Anh đánh địch mạnh mẽ, đồng thời anh tha thiết xây dựng cuộc sống mới của chúng ta. Trong ánh sáng đường lối văn nghệ của Ðảng, thơ anh Tú Mỡ càng đậm đà màu sắc dân tộc. Khi đánh địch, thơ anh mang đầy lòng tin tưởng, sảng khoái vào chính nghĩa của dân tộc, của cách mạng, khi phê bình nội bộ và xây dựng xã hội mới, thơ anh luôn luôn yêu đời và nhìn vào cuộc sống một cách sáng sủa…
Tấm gương phục vụ của anh còn đang soi sáng cho những cây bút trẻ nối bước anh, càng ngày càng đông đảo. Những tác phẩm anh để lại, đã góp phần quý báu vào sự nghiệp chiến đấu và xây dựng của nhân dân ta, trải mấy chục năm cho tới ngày nay…".