MU có thể phải trả giá cho cung cách chi tiêu phóng túng

NDO -

MU đã chi quá nhiều tiền cho chuyển nhượng, dẫn đến quỹ lương phình to khủng khiếp. Thế nhưng thành tích trên sân lại tỷ lệ nghịch với điều đó. Và vấn đề nảy sinh.

Ronaldo là một phần nguyên nhân dẫn đến quỹ lương MU tăng phi mã. (Ảnh: Archyworldys)
Ronaldo là một phần nguyên nhân dẫn đến quỹ lương MU tăng phi mã. (Ảnh: Archyworldys)

Theo báo cáo quý đầu của năm tài chính 2021 - 2022, quỹ lương của MU mùa này lên đến 354 triệu bảng, tăng 23,1% so với mùa trước. Đây là hệ quả tất yếu khi Cristiano Ronaldo, Jadon Sancho và Raphael Varane đến Old Trafford, trong khi không có ngôi sao nào rời đi nhằm giảm tải quỹ lương (trước khi tới Leeds, lương Daniel James khá thấp).

Báo cáo cũng cho thấy tổng doanh thu của MU tăng 16,1% để họ không quá lo lắng về hóa đơn tiền lương khổng lồ phải chi trả. Ngay từ đầu Ban lãnh đạo cũng đã ước đoán quỹ lương sẽ tăng khoảng 20%, đưa MU thành đội trả lương cao nhất lịch sử bóng đá Anh và ngang bằng với Barca vào năm 2020.

Tất cả đã biết, Barca rơi vào cảnh bi đát chưa từng thấy vì chi tiêu phóng túng. Đội bóng xứ Catalan thậm chí không thể giữ chân ngôi sao vĩ đại nhất lịch sử câu lạc bộ là Lionel Messi, sau đó thuyết phục những người ở lại giảm lương và chiêu mộ các cầu thủ theo dạng tự do.

MU tin rằng họ sẽ không đi vào vết xe đổ của Barca. Quỹ lương tăng nhưng chỉ chiếm 65% doanh thu, mức khá thấp ở Premier League. Và doanh thu thì liên tục tăng. Họ vẫn là câu lạc bộ kiếm tiền hàng đầu thế giới bất chấp thời buổi đại dịch.

Tuy nhiên, Barca cũng từng tự tin như vậy. Họ là câu lạc bộ đầu tiên cán mốc 1 tỷ doanh thu vào năm 2018, trở thành hình mẫu đáng mơ ước của mọi đội bóng trên thế giới. Simon Kuper, tác giả cuốn sách mới xuất bản về Barca, viết rằng: “Những gì Barca tạo ra (bao gồm lò đào tạo La Masia trứ danh, triết lý và phong cách bóng đá có tính thẩm mỹ cao cùng hoạt động thương mại tối ưu hóa thành công trên sân cỏ) là một trong những thành tựu đáng ngợi ca nhất lịch sử loài người”.

Vậy mà biểu tượng thành công ấy đã sụp đổ nhanh chóng, đủ khiến nhiều người không tin nổi vào thứ mà họ chứng kiến. Trong bóng đá chắc chắn một điều, không có gì là mãi mãi và mọi thứ đều có thể xảy ra. Thị trường thay đổi, cơ chế thay đổi và các mô hình dù tiên tiến cũng sớm trở nên lạc hậu. Phong cách chi tiêu phóng túng, các quyết định thiếu thận trọng và chạy theo thương mại, xa rời nguyên tắc cốt lõi là bóng đá, tất cả chính là những yếu tố đẩy nhanh tới thảm họa.

Hiện tại cách chi tiêu của MU đang khiến nhiều người hoài nghi về tính chính xác. Họ từ chối bán Paul Pogba vào mùa hè, tiếp tục gánh khoản lương khổng lồ để bây giờ đứng trước nguy cơ mất trắng. Tương tự, thay vì bán Jesse Lingard cho West Ham và thu về 25 triệu bảng, họ đợi đến mùa đông tới và rao bán với giá 10 triệu.

Điển hình cho cung cách mua bán theo cảm tính là thương vụ Anthony Martial. Mùa hè 2015, MU trả trước 38 triệu bảng cho Monaco, sau đó trả tiếp 15,2 triệu sau khi Martial ghi 25 bàn cho câu lạc bộ và 25 lần khoác áo tuyển Pháp. Họ sẽ phải trả thêm 8,4 triệu trong trường hợp Martial lọt vào danh sách ứng viên Quả bóng Vàng. Và điều đó không bao giờ xảy ra.

Từ khá lâu các chuyên gia đã nhận định Martial không thể tiến xa. Thế nhưng những người đứng đầu MU vẫn kiên trì với niềm tin mù quáng rằng anh ta có thể trở thành một siêu sao. Năm 2018, Chủ tịch Joel Glazer phủ quyết yêu cầu bán Martial của Jose Mourinho. Thêm 3 năm nữa trôi qua, Martial thậm chí trở thành người thừa ở Old Trafford. Martial chỉ đá chính 3 trận mùa này và cơ hội ra sân càng thu hẹp khi Solskjaer chuyển sang sơ đồ 3 hậu vệ và không có cầu thủ chạy cánh.  

Những bản hợp đồng mà MU thực hiện cũng không hiệu quả. Họ theo đuổi Jadon Sancho suốt 2 năm nhưng khi có được, lại không biết làm thế nào, để tài năng trẻ được cho là sáng giá nhất thế giới tàn lụi dần theo thời gian. Tất cả tạo nên vấn đề của Quỷ đỏ, khi thành tích tỷ lệ nghịch với số tiền họ đã chi, bao gồm cả phí chuyển nhượng và hóa đơn tiền lương.

Mặc dù MU luôn là thương hiệu hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng doanh thu từ sân cỏ vẫn là nguồn chính (như bán vé, tiền thưởng và bản quyền truyền hình từ Champions League). Nếu tiếp tục không giành danh hiệu và không bảo đảm tấm vé chơi ở giải đấu hàng đầu châu Âu mùa tới, họ sẽ gặp rắc rối lớn.

Viễn cảnh tồi tệ giống Barca là điều khó xảy ra, nhưng một cuộc khủng hoảng là có khả năng.