Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua

NDO - Nhiều ngày qua, mưa lớn kéo dài từ Bắc vào Nam đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất ở các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng... gây thiệt hại về người và tài sản. Trong lịch sử, sạt lở đất cũng đã từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh, 1 người dân nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn.
Toàn cảnh vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh, 1 người dân nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn.

Từ thảm họa kép ở Rào Trăng đến sự hy sinh của đoàn 337

Năm 2020, miền Trung Việt Nam đã hứng chịu một loạt sự cố nghiêm trọng liên quan đến sạt lở đất. Điển hình là thảm họa kép tại Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo báo cáo, đêm ngày 10, rạng sáng 11/10/2020, tại khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 17 công nhân thủy điện bị vùi lấp. Sự việc nhanh chóng được báo cho chính quyền tỉnh, huyện và lực lượng bộ đội của Quân khu 4.

Ngay khi nhận được thông tin, đoàn cán bộ của Quân khu 4 phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án, tiếp cận hiện trường tham gia công tác cứu hộ. Thời điểm xảy ra vụ việc, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 khiến địa bàn tỉnh mưa lớn, tuyến đường độc đạo tỉnh lộ 71 dẫn từ xã Phong Xuân vào hiện trường bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 1

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khẩn trương tìm kiếm những người mất tích tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.

Một sở chỉ huy tiền phương được lập vội tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phong Xuân, lãnh đạo Quân khu 4 và chính quyền tỉnh trực chiến 24/24 giờ, bàn phương án cứu hộ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các đơn vị tổ chức tìm kiếm đoàn cán bộ và 17 công nhân gặp nạn.

Với quyết tâm “nhiệm vụ của người lính là khi dân cần mình phải đi cứu”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã dẫn theo đoàn cán bộ 20 người, xuyên đêm băng đèo, lội suối tìm đến hiện trường.

Đau xót, tới rạng sáng 13/10, khi đoàn cứu hộ đang dừng nghỉ tại trạm kiểm lâm 67 (cách thủy điện Rào Trăng khoảng 10km) thì bất ngờ gặp lũ ống, đất đá sạt lở khiến 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh.

Đến chiều 15/10, thi thể 13 cán bộ chiến sĩ khi tham gia cứu hộ Rào Trăng 3 mới được tìm thấy. Lực lượng chức năng tiếp tục thông đường 71 để đến hiện trường để tiếp tục tìm kiếm 17 công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 2

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.

Nỗi đau thương, mất mát từ vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 chưa kịp lắng xuống thì chỉ ít ngày sau, rạng sáng 18/10, cả nước lại tiếp tục đón nhận hung tin về thảm nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Thời điểm trên, các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 đang ngủ trong 4 dãy nhà tập thể của đơn vị thì ngọn núi phía sau bị lở, hàng ngàn khối đất đá đổ trùm lấy 4 căn nhà. Một số người kịp chạy thoát nạn, 22 người bị vùi lấp.

Đau đớn Trà Leng

Cũng ngay trong tháng 10/ 2020, một sự cố kinh hoàng tương tự cũng đã xảy ra tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Vào khoảng 22 giờ 45 phút tối ngày 28/10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam báo cáo có thông tin ban đầu về sạt lở nghiêm trọng tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My).

Vụ sạt lở khiến 55 người dân ở thôn 1 (xã Trà Leng) và 8 người dân ở Trà Vân bị lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp. Ngay trong đêm 28/10, lực lượng chức năng địa phương tìm thấy 7 thi thể tại xã Trà Vân.

Lực lượng công binh, cơ giới và cả không quân được chuẩn bị sẵn sàng để xâm nhập tâm điểm, vào hiện trường tham gia công tác cứu nạn. Đến 15h chiều 29/10, lực lượng chức năng đã tìm được 33 người mất tích còn sống, 16 người trong số này bị thương, được sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 3

Lực lượng cứu nạn tạm dừng việc tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Trong ngày 29/10 và những ngày sau đó, lực lượng chức năng liên tiếp tìm thấy thi thể của 9 người dân bị đất đá vùi lấp. Trong khi đó, 13 người dân gặp nạn tại thôn 1 Trà Leng vẫn chưa được tìm thấy.

Tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), 2 trận sạt lở liên tiếp diễn ra sau đó cũng khiến tổng cộng 13 người chết và mất tích, trong đó có 2 cán bộ xã.

Trong khi đó, tối 10/11, sạt lở cũng khiến làng Ra Pân, xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chìm trong cảnh tan hoang. Trận sạt lở núi kinh hoàng này kéo dài xuyên đêm khiến bà con địa phương rất đỗi lo sợ. Ước chừng, 60.000 m3 đất đá trút xuống làng Ra Pân, phủ khắp quãng đường gần 1 cây số.

Vụ sạt lở ở Trà Leng không phải là duy nhất, người dân Quảng Nam chưa thể quên vụ sạt lở kinh hoàng cuối năm 2017 cũng tại huyện Nam Trà My. Năm đó ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Vân đã vùi lấp 5 ngôi nhà, 5 người tử nạn, 13 người bị thương.

Những vụ sạt lở thương tâm mới nhất

Theo PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam, hiện tượng sạt lở được cấu thành bởi hai nguyên nhân chính là tự nhiên và nhân tạo; trong đó, quá trình tác động của con người vào thiên nhiên (làm đường, xây dựng cơ sở vật chất, canh tác...) càng khiến cho các nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới ảnh hưởng của yếu tố cuối cùng là mưa lớn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại Lâm Đồng, ngay trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2023 đã liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở với kịch bản tương tự. Cụ thể, rạng sáng ngày 29/6, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào rạng sáng 29/6, khiến 2 người bị vùi lấp, nhiều người bị thương được chuyển đến bệnh bệnh cấp cứu. Thực tế vụ sạt lở đất ở Phường 10 (TP Đà Lạt) lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50 mm, trước 24 giờ khoảng 100 mm.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 4

Hiện trường sạt lở nghiêm trọng tại đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: NGUYỄN NGHĨA)

Tiếp đó, tới ngày 30/7, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khác đã xảy ra tại Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 30/7, làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và 1 người nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12 giờ trước đó đạt 170 mm, 24 giờ trước đó 232 mm.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 5

Toàn cảnh vụ sạt lở khiến 3 chiến sĩ cảnh sát tử vong tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Chưa dừng lại ở đó, hiện tượng sạt lở đất diện rộng tiếp tục xảy ra ở một loạt địa phương trên khắp cả nước. Tại Đắk Nông, sau mưa lớn, nhiều khu vực cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng. Lãnh đạo địa phương đã phải ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục tại 3 khu vực gồm: Công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, đường Hồ Chí Minh qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa và điểm sạt trượt tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Tại khu vực miền núi phía bắc, mưa lũ lớn cũng đã gây ra sạt lở, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân tại các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái...

Những dấu hiệu nhận biết hiện tượng sạt lở đất

Chuyên gia Lưu Đức Hải cho rằng, trong điều kiện thời tiết vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân cần đặc biệt chú ý để tự bảo đảm an toàn. Theo đó, người dân sinh sống tại khu vực này cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu bất thường sau đây:

Thứ nhất, cần quan sát những thay đổi xảy ra chung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị nghiêng đổ… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền...

Thứ hai, xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi, vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 6

Sạt lở đất gây ách tắc giao thông tại Cao Bằng năm 2023.

Thứ ba, trước những trận mưa bất thường, người dân đặc biệt phải chú ý đề phòng. Ngoài ra, khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như nứt đất, cây nghiêng đổ, mưa lớn kéo dài, phải nâng cao đề phòng. Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: bảo đảm tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Việt Nam vài năm vừa qua ảnh 7

PGS. TS Lưu Đức Hải chỉ ra các dấu hiệu nhận biết sạt lở.

Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận; mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch dân cư dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.