Theo kế hoạch số 51 ngày 10-3-2021 được UBND phê duyệt, giai đoạn 2021-2025, TP Cần Thơ có kế hoạch chi từ ngân sách hơn 22,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của nông dân hơn 7 tỷ đồng để triển khai phòng chống chuột, bảo vệ sản xuất, cây trồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN và PTNT Cần Thơ, kế hoạch này dựa vào mức độ thiệt hại do chuột gây ra trong 5 năm trước đó. Cụ thể, chỉ tính riêng cây lúa từ năm 2016 đến 2020 đã có hơn 19.000 ha lúa bị chuột phá hại. Trong đó, năm 2016 là 3.456 ha, năm 2017 là 3.196 ha, năm 2018 là 3.550 ha; năm 2019 là 4.756 ha; năm 2020 là 4.457 ha (chiếm 2-3% diện tích đất sản xuất).
Theo kế hoạch, kinh phí này dùng để tổ chức tập huấn, tuyên truyền phòng chống chuột gây hại, hỗ trợ thuốc sinh học, bẫy cho nông dân diệt chuột…
Dựa vào kết quả thống kê chuột gây hại, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường nên chuột sinh sôi trên địa bàn nhiều, khó tiêu diệt, gây thiệt hại lớn. Khác với sâu bệnh, nếu bị chuột cắn phá đối với cây lúa, tỷ lệ thiệt hại khoảng từ 30-50% năng suất. Với tỷ lệ chuột gây hại 2% diện tích lúa trong hơn 200 nghìn ha lúa gieo trồng hằng năm của TP Cần Thơ, thì mỗi năm, Cần Thơ có hơn 4.000 ha lúa bị thiệt hại, giảm năng suất do chuột phá hại. Theo tính toán trên, chuột gây hại 50%, mỗi năm Cần Thơ có 2.000 ha thiệt hại hoàn toàn. Nếu tính trung bình năng suất 6 tấn/ha sẽ có khoảng 12 nghìn tấn lúa bị thiệt hại, với giá lúa 6.000 đồng/kg thì thiệt hại do chuột gây ra khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch diệt chuột là để dự phòng cho kịch bản chuột phá hại đến mức 5% diện tích. Đây chỉ là kế hoạch và kinh phí kèm theo được xây dựng dựa trên thực tế nạn chuột phá hại trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi triển khai, hằng năm, cơ quan liên quan phải xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP Cần Thơ xem xét chứ không phải TP có sẵn tiền ngân sách chi cho phòng chống chuột…
Kế hoạch đề ra chi tiết, rõ ràng, thể hiện sự quan tâm, chủ động của ngành chức năng trong việc phòng, chống chuột gây hại cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch này, nhiều nông dân tỏ ra băn khoăn.
Theo lão nông 86 tuổi Lê Văn Định, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chuột phá hại lúa có từ lâu và vụ nào cũng có, nhất là trong vụ hè thu, chuột sinh sôi nhiều, phân tán nhiều nơi khó tiêu diệt. Những năm gần đây, việc tiêu diệt chuột nông dân chỉ làm tự phát theo cách truyền thống, một số dùng thuốc hóa học, bẫy điện diệt chuột dẫn đến ô nhiễm môi trường, thậm chí chết người. Kế hoạch này, nông dân chỉ được biết qua báo đài nên không biết hiệu quả tới đâu. Hơn nữa, chuột đồng trở thành món ăn đặc sản với nhiều người dân miền tây, nếu ngành chức năng phối hợp tốt với nông dân, kế hoạch diệt chuột chắn chắn hiệu quả hơn.
Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch diệt chuột dài hơi, ngành chức năng cần tham khảo ý kiến của nông dân, người trực tiếp gắn bó với đồng ruộng vì nông dân có nhiều cách diệt chuột hiệu quả, ít tốn kém, dễ thực hiện chứ không chỉ dùng tiền từ ngân sách, tiền thuế của dân trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 nên chưa tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. UBND TP Cần Thơ cũng cần xem lại kế hoạch này theo từng địa bàn, mùa vụ cho sát thực tiễn; có thể triển khai thí điểm diệt chuột năm đầu ở vụ lúa có nhiều chuột gây hại, sau đó đánh giá mức độ hiệu quả rồi xây dựng kế hoạch sát thực tế sẽ thuyết phục hơn đối với nông dân, nhà khoa học…